|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đà Nẵng xây dựng nhiều chính sách ưu đãi đón làn sóng đầu tư ngành vi mạch

17:02 | 26/01/2024
Chia sẻ
Đà Nẵng xây dựng chính sách hỗ trợ để thu hút các chuyên gia, việt kiều, chuyển giao tri thức hình thành nhân lực như chính sách miễn thuế thu nhập, chính sách ưu đãi về chỗ ở, visa, giấy phép lao động...

Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: VGP/Minh Trang).

Ngày 26/1, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức tọa đàm "Đà Nẵng và chính sách đón làn sóng đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo".

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, công nghiệp chip bán dẫn là lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi liên kết toàn cầu hết sức chặt chẽ. Vì vậy sự hợp tác và tín nhiệm giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế là yếu tố quan trọng. Việt Nam là nước duy nhất có mối quan hệ chiến lược toàn diện rất tốt cả các nước cường quốc bán dẫn và cường quốc bán dẫn mới nổi. 

"Việt Nam lựa chọn 5 cơ sở làm cơ sở đào tạo trọng điểm về nhân lực bán dẫn là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học FPT, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Đồng thời, công tác xây dựng, phát triển mạng lưới Trung tâm nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bán dẫn quốc gia đến năm 2030 gồm 3 trung tâm nghiên cứu và thiết kế đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, phù hợp với thế mạnh và đặc thù của từng vùng, đưa vào hoạt động muộn nhất vào năm 2025, 1 trung tâm nghiên cứu và chế tạo đưa vào hoạt động muộn nhất vào năm 2027", ông Dũng thông tin.

Theo đánh giá, mạng lưới Trung tâm nghiên cứu, thiết kế và sản xuất bán dẫn quốc gia cung cấp môi trường mở phục vụ nghiên cứu, thiết kế và chế tạo chip, phục vụ sản xuất mẫu. Đồng thời, sẽ hỗ trợ ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, cùng với việc thành lập trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo vi mạch (DSAC), Đà Nẵng sẽ xây dựng lộ trình đầu tư Khu Công viên phần mềm số 2 đưa vào sử dụng trong quý II/2024, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ cho Trung tâm DSAC đáp ứng được yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo. 

Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ sớm đưa ra dự thảo cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo như Đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP. Đà Nẵng", Nghị quyết của HĐND TP. Đà Nẵng về các cơ chế chính sách cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về Đà Nẵng làm việc, nội dung chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo trong Nghị quyết Quốc hội về cơ chế đặc thù TP. Đà Nẵng.

Đà Nẵng đề xuất Trung ương một số chính sách đặc thù, vượt trội để "hút" các ông lớn ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch (Ảnh: VGP/Minh Trang).

Nhiều chính sách để hút nguồn nhân lực cao 

Trong khuôn khổ tọa đàm, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng thông tin về nội dung và lộ trình xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ cụ thể để phát triển ngành thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.

Đà Nẵng xác định các mục tiêu thực hiện trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn tập trung vào hoạt động thiết kế, kiểm thử. Trong trung hạn thực hiện các công đoạn sản xuất. Trong dài hạn làm chủ một số công nghệ lõi; sản phẩm đi từ SoM (System on Module) đến SiP (System in Package) đến SoC (System on Chip), bám sát xu hướng về tích hợp trí tuệ nhân tạo, tính toán lượng tử và các công nghệ tính toán mới.

Ông Nguyễn Quang Thanh khẳng định: "Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn lấy nhân lực là yếu tố quyết định. Xác định đào tạo bổ sung, đào tạo lại là nhiệm vụ cần chú trọng bên cạnh đào tạo mới, với các chính sách cần tập trung tạo ra hệ sinh thái kết hợp giữa Nhà nước- nhà trường-nhà doanh nghiệp bao gồm: Chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng; chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách về ưu đãi, thu hút đầu tư lĩnh vực vi mạch, trí tuệ".

Đáng chú ý, về chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cao, Đà Nẵng xây dựng chính sách hỗ trợ để thu hút các chuyên gia, việt kiều, chuyển giao tri thức hình thành nhân lực như chính sách miễn thuế thu nhập, chính sách ưu đãi về chỗ ở, về visa, về giấy phép lao động. 

Hỗ trợ đội ngũ giảng viên, kỹ sư đã tốt nghiệp (bao gồm cả chuyên ngành gần), sinh viên vay vốn thông qua ngân hàng chính sách xã hội thành phố để tham gia các khóa đào tạo dài hạn và ngắn hạn hình thành nhân lực trong lĩnh vực này. Cung cấp các học bổng toàn phần và bán phần cho các sinh viên xuất sắc lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo. 

Có các chương trình hỗ trợ các trường đại học, cơ sở đào tạo tiếp cận các công nghệ để đầu tư, vận hành các hạ tầng phục vụ phát triển chip bán dẫn và vi mạch như: Trung tâm thiết kế vi mạch; trung tâm tính toán hiệu năng cao; trung tâm ươm tạo, nghiên cứu và phát triển.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn giữa Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Công ty CP giáo dục quốc tế Sun Edu và Trường Đại học Duy Tân. (Ảnh: VGP/Minh Trang).

Trong khuôn khổ chương trình tọa đàm, ngày 26/1 đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn giữa Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Công ty Cổ phần giáo dục quốc tế Sun Edu và Trường Đại học Duy Tân.

Theo bản ghi nhớ hợp tác, các bên cùng hợp tác tổ chức hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn cho TP. Đà Nẵng, nhằm tạo sự lan tỏa và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn để đón đầu nhu cầu về nhân lực chất lượng cao của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn trong thời gian đến cho TP. Đà Nẵng; tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho các đối tượng là các giảng viên, cán bộ quản lý có chuyên môn về thiết kế vi mạch bán dẫn tại TP. Đà Nẵng; tổ chức chương trình đào tạo sinh viên kỹ thuật trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn.

 

Minh Trang

Những người thuộc nhóm 0,001% giàu nhất thế giới đầu tư vào đâu?
Danh mục đầu tư của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao rất khác với người thường. Các chuyên gia cho biết những cá nhân này không lựa chọn tiền mã hóa và cũng ít khi nắm giữ cổ phiếu. Đối với họ, đẳng cấp của một người được xác định bằng cổ phần trong một đội thể thao.