|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đà Nẵng: Đa số đơn vị tư vấn đồng tình xây dựng cảng Liên Chiểu, không mở rộng cảng Tiên Sa

07:15 | 11/11/2019
Chia sẻ
Trước 2 phương án đề xuất xây dựng cảng biển của Công ty Surbana Jurong, đa số công ty tư vấn và chuyên gia đều không đồng tình với phương án mở rộng cảng Tiên Sa.

UBND TP Đà Nẵng vừa tổ chức Hội thảo phương án qui hoạch cảng biển trên địa bàn thành phố.

Tại Hội thảo, đại diện nhà tư vấn Surbana Jurong (Singapore) - một trong các nhà tư vấn độc lập qui hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã đưa ra hai phương án.

Một là, triển khai dự án cảng Liên Chiểu với định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng Logistics tại khu vực miền Trung; hai là, không làm cảng Liên Chiểu mà mở rộng qui mô cảng Tiên Sa hiện có ở Đà Nẵng.

photo-2-15717050712251393507975

Cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Đơn vị này cho biết, với phương án thứ nhất, việc xây dựng cảng Liên Chiểu rất có thể sẽ tạo ra nguy cơ cao hủy hoại môi trường sinh thái vịnh Đà Nẵng, bởi hai luồng tàu ra vào các cảng, nạo vét luồng tàu nối thông 2 cảng sẽ ảnh hưởng cảnh quan vùng vịnh, cản trở tầm nhìn vào thành phố...

Còn phương án chỉ mở rộng cảng Tiên Sa, đơn vị tư vấn cho rằng, cảng Tiên Sa còn nhiều tiềm năng để mở rộng, với khả năng xây dựng chiều dài cầu tàu lên đến 5.800 m, đáp ứng cả chức năng logistics và phục vụ du lịch...

Tham gia ý kiến tại hội thảo, đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, với phương án mở rộng cảng Tiên Sa, thành phố cần xem xét đến một yếu tố rất quan trọng là sự khó khăn, mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng. 

Bên cạnh đó, thực tế phát triển, lượng hàng dự báo phát triển sẽ vượt năng lực của khu bến Tiên Sa sau năm 2020, và đặc biệt là vượt qua khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối cảng đi qua nội đô, gây ùn tắc giao thông, tác động tiêu cực đến môi trường du lịch và đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Công ty Royal Haskoning DHV Việt Nam (Hà Lan) cũng cho rằng, không nên ngay lập tức loại bỏ phương án xây dựng cảng Liên Chiểu, mà cần xem xét đến những vấn đề bất cập khi mở rộng cảng Tiên Sa như giải phóng mặt bằng, giao thông xuyên tâm đô thị gây ùn tắc và tai nạn… từ đó có sự nghiên cứu, lựa chọn phương án thích hợp. 

Bên cạnh đó, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB) cũng cho rằng, cảng Tiên Sa có diện tích nhỏ không thể mở rộng, không có nơi bố trí hậu phương cảng; không thể phát triển cùng lúc cả 2 lĩnh vực hàng hóa và du lịch và kể cả quốc phòng.

Theo đại diện Hội Khoa học kĩ thuật cầu đường Đà Nẵng, không nên mở rộng cảng Tiên Sa, bởi sẽ gây tác động đến bán đảo Sơn Trà, đồng thời giao thông kết nối phức tạp, không thuận lợi.

Trong khi đó, cảng Liên Chiểu có cơ hội kết nối giao thông tốt, cả bằng đường sắt và đường bộ cao tốc, có cơ hội phát triển hậu phương cảng  dựa vào khu công nghiệp Liên Chiểu, cơ hội logistics rộng hơn so với cảng Tiên Sa. Vì vậy, đề xuất sớm triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu.

Ghi nhận các ý kiến và phát biểu kết luận tại Hội thảo, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu, tổng hợp, sớm đề xuất với thành phố phương án qui hoạch cảng biển Đà Nẵng với giải trình đầy đủ, thuyết phục. 

"Việc phát triển cảng biển như thế nào sẽ ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế của thành phố, ảnh hưởng đến phát triển cấu trúc đô thị, phát triển mạng lưới giao thông; do vậy, cần khẩn trương có phương án đề xuất cuối cùng, để tích hợp vào qui hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", ông Dũng nhấn mạnh.

Mốc thời gian cảng Liên Chiểu

• 12-2017: Công bố dự án phát triển cảng Liên Chiểu trong giai đoạn từ 2020 đến 2050 với tổng mức đầu tư 7.378 tỉ đồng.

• 9-2018: Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (tại Thông báo số 373/TB-VPCP). Theo đó, việc đầu tư cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa là cần thiết và cấp bách.

• 10-2018: Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí 500 tỉ đồng để thực hiện những hợp phần đầu tiên của dự án.

• 1-2019: Văn phòng Chính phủ ra thông báo số 01/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về cảng Liên Chiểu. Theo đó, Đà Nẵng cần sớm nâng cấp Khu bến cảng Liên Chiểu để đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển và phát triển kinh tế- xã hội của khu vực miền Trung và của thành phố Đà Nẵng.

• 5-2019: HĐND TP. Đà Nẵng thông qua tờ trình của UBND thành phố về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư phần cơ sở hạ tầng dùng chung 3.426 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

• 6-2019: Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan Trung ương do Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung làm trưởng đoàn, lãnh đạo Đà Nẵng đề nghị bộ sớm thẩm định chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo đề nghị của UBND thành phố để khởi công và triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu.

• 10-2019: Đơn vị tư vấn Surbana Jurong đề nghị không phát triển cảng Liên Chiểu, tiếp tục phát triển cảng Tiên Sa

Thu Hà