|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cuộc rượt đuổi 10 năm của dự trữ ngoại hối Việt Nam

08:27 | 29/01/2017
Chia sẻ
Trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu, thị trường ghi nhận Ngân hàng Nhà nước mua vào lượng lớn ngoại tệ, dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục gia tăng.
Sau giai đoạn 2007 - 2009, những năm gần đây quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn luôn phải rượt đuổi mốc 12 tuần nhập khẩu, và mức hiện có đang là kết quả tốt nhất.

Không có con số cụ thể công bố, nhưng theo một số thành viên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã “vợt” lại hơn cả lượng ngoại tệ đã bán ra can thiệp cuối 2016.

Theo đó, quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia hiện có thể xác định ở khoảng trên 41 tỷ USD, con số mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đầu năm nay.

Về con số giá trị tuyệt đối, đến nay, Việt Nam đã gia tăng khoảng gấp đôi quy mô dự trữ ngoại hối sau chục năm, đạt kỷ lục từ trước tới nay. Trùng hợp, đây cũng là quãng 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Dự trữ ngoại hối là tài sản Nhà nước cất giữ, tích luỹ dưới dạng ngoại tệ. Dù đạt kỷ lục, gia tăng mạnh mẽ trong năm 2016, nhưng với quy mô trên, Việt Nam vẫn chưa phải là một “tỷ phú đô la” theo các chuẩn quốc tế, cũng như so sánh ngay trong khu vực Đông Nam Á (chỉ đứng trên Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào).

Mười năm về trước, Việt Nam gia nhập WTO. 2007 cũng là năm bùng nổ của thị trường chứng khoán, cùng làn sóng đổ bộ của vốn đầu tư nước ngoài. “Kỳ trăng mật” WTO có ghi nhận kỷ lục dự trữ ngoại hối Việt Nam đạt được vào giữa năm 2008.

Dữ liệu thống kê từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, đó cũng là giai đoạn Việt Nam có triển vọng trở thành “tỷ phú đô la”, xét theo tiêu chí năng lực dự trữ ngoại hối trong thanh toán quốc tế, đảm bảo được quy mô trung bình từ 12 - 16 tuần nhập khẩu của nền kinh tế, từ 2007 - 2009.

Nhưng cũng rất nhanh, ngay nửa cuối 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. WTO là cánh cửa hội nhập lớn, cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận những cuộc chơi lớn, theo các điều khoản cam kết. Vốn ngoại đảo chiều mạnh nửa cuối 2008, mà lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước buộc phải công bố con số dự trữ ngoại hối để trấn an nhà đầu tư (20,7 tỷ USD, ngày 19/6/2008).

Khó khăn và biến động lớn kéo dài từ đó, khiến Việt Nam càng xa hơn với cách gọi dân dã “tỷ phú đô la” nói trên, cũng như đo theo tiêu chuẩn của IMF.

Cùng với biến động lớn và kéo dài qua các năm của tỷ giá USD/VND, tình trạng nhập siêu cực lớn (như khoảng 17,5 tỷ USD ngay năm 2008), Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra ngoại tệ can thiệp thị trường, tại nhiều thời điểm. Và đến tháng 1/2011, quy mô dự trữ ngoại hối, theo số liệu của một số tổ chức nghiên cứu tổng hợp lại, đã rơi xuống đáy và chỉ còn khoảng 12,58 tỷ USD.

Ngay sau đó là cú phá giá VND rất mạnh ngày 11/2/2011 (lên tới 9,3%), thị trường và tỷ giá USD/VND dần ổn định, Ngân hàng Nhà nước mua lại được ngoại tệ, để rồi đến cuối 2012 đạt khoảng 22-23 tỷ USD.

Đến cuối tháng 7/2015, một lần nữa quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam được công bố ở con số chính thức: lên tới khoảng 37 tỷ USD với 10 tấn vàng. Nhưng ngay sau đó, từ sự kiện Trung Quốc bất ngờ phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tục bán ra lượng lớn ngoại tệ đến tận những ngày cuối cùng của năm 2015.

2016 vừa qua, với mức độ ổn định nhất của tỷ giá USD/VND trong nhiều năm trở lại đây, niềm tin vào VND được củng cố, nhiều chính sách “đánh” vào găm giữ ngoại tệ phát huy tác dụng, cán cân tổng thể ước tính thặng dư lớn, Ngân hàng Nhà nước liên tục trở lại mua vào ngoại tệ. Lượng mua được năm qua có thể đạt trên dưới 11 tỷ USD, nâng quy mô dự trữ ngoại hối lên kỷ lục khoảng 41 tỷ USD nói trên.

Dù đã gấp đôi quy mô của chục năm về trước, nhưng Việt Nam vẫn chưa thể là “tỷ phú đô la” khi nhìn về tài sản tích luỹ này.

Như trên, để thực sự là một quốc gia “tỷ phú” về dự trữ ngoại hối, quy mô phải cân đối được tương ứng từ 16 - 24 tuần nhập khẩu của nền kinh tế, thậm chí cao hơn. Trong khi đó, sau giai đoạn 2007 - 2009, những năm gần đây Việt Nam vẫn luôn phải rượt đuổi mốc 12 tuần nhập khẩu, và quy mô hiện có đang là kết quả tốt nhất.

Năng lực dự trữ ngoại hối của mỗi quốc gia được tính theo giá trị tuần nhập khẩu của nền kinh tế năm tiếp theo. Tuy nhiên, vẫn có những tính toán theo giá trị đã thực hiện trong năm, như một tham khảo. Theo đó, với kim ngạch nhập khẩu hàng hoá năm 2016 ở mức 173,3 tỷ USD, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã gần đạt được yêu cầu 12 tuần nhập khẩu.

Đã đạt kỷ lục khoảng 41 tỷ USD, nhưng cuộc rượt đuổi yêu cầu tối thiểu tương ứng khoảng 12 tuần nhập khẩu của nền kinh tế vẫn còn đó. Song, cuộc rượt đuổi này cho thấy, quy mô của nền kinh tế, trong tham chiếu ở đây là kim ngạch nhập khẩu, cũng đã mở rộng rất lớn và nhanh hơn trong chục năm qua.

Minh Đức