Cuộc đua 'tam mã' đã định hình
Kinh tế tư nhân: Làm sao để không 'nhỏ hóa'? | |
Bức tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2017 | |
Kinh tế nhà nước: Liều vắc-xin nào cho 'cơn dịch zombie'? |
Từ lĩnh vực bất động sản, đến sản xuất tiêu dùng và hàng không rồi ngân hàng… bức tranh nhiều màu sắc về thị trường cạnh tranh của nền kinh tế trong thời kỳ mới đang dần định hình.
Sự trỗi dậy của khu vực tư nhân
Sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân với các tên tuổi lớn đã tạo ra thế đối trọng với khu vực DNNN hay doanh nghiệp FDI, giúp gia tăng cạnh tranh lành mạnh trong các ngành nghề. Ví như sự có mặt của Vietjet Air đã làm thị trường hàng không Việt Nam năng động hơn, rồi sự góp mặt của Tập đoàn Vingroup vào thị trường bất động sản cạnh tranh ở phân khúc hạng sang. Mới đây là sự đổ bộ của hệ thống ngân hàng tư nhân như VPBank, HDbank, Techcombank… đã làm "bức tranh" mới nổi của khu vực kinh tế tư nhân trở nên sôi động chưa từng thấy.
Phải nói rằng, trong bối cảnh khu vực kinh tế nhà nước đang tái cấu trúc, cổ phần hóa, thu hẹp dần lĩnh vực hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân, cụ thể là các Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đang có vai trò quan trọng hơn trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian tới.
Nhìn vào bảng xếp hạng VNR500 2017 có thể thấy, khối doanh nghiệp tư nhân sau hơn 10 năm đã tăng lên gần gấp 2,5 lần, từ khoảng 20% vào năm 2007, nay đã chiếm khoảng 50% số doanh nghiệp. Sự xuất hiện của thành phần kinh tế tư nhân đã chấm dứt chuỗi thời gian "một mình một chợ" của khu vực DNNN. Trên thực tế, đã có nhiều ngành nghề mới xuất hiện, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo như phần mềm, internet, bất động sản, sắt thép, cà phê, thực phẩm… Thậm chí, còn vượt qua các khu vực DNNN trong cùng lĩnh vực và tạo được tên tuổi, uy tín trên thị trường như Tập đoàn FPT, Kinh Đô, TH True Milk, Tập đoàn Trung Nguyên… Có thể khẳng định, kinh tế tư nhân đã trở thành động lực quan trọng phát triển nền kinh tế đất nước.Việt Nam giờ đã xuất hiện tỷ phú đô la với điển hình là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo được Forbes xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới. Các thương hiệu của tập đoàn tư nhân như Trường Hải, Vingroup, Vietjet Air, Masan, FPT… đã vượt tầm quốc gia, vươn ra thế giới.
Nhà nước "cởi tấm áo chật"
Không chỉ Chính phủ, ngay các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước đều khẳng định chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chính là khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, “con đường để Việt Nam phát triển hoàn toàn khác biệt so với trước, ngày càng xoay quanh khu vực kinh tế tư nhân”…
Sự “thay da đổi thịt” sau cổ phần hoá nhìn từ Vinamilk bắt đầu thực hiện cổ phần hóa từ tháng 12/2003. Cho đến nay, Vinamilk đã "cởi dần tấm áo" hẹp của DNNN. Bước ngoặt thoái vốn của Nhà nước và sớm lên sàn chứng khoán đã giúp Vinamilk nhanh chóng có thêm đông đảo các nhà đầu tư khác. Từ mức chưa đầy 4.250 tỷ đồng năm 2004, Vinamilk đã cán ngưỡng 46.965 tỷ đồng năm 2017.
Thoát khỏi mô hình quản lý nhà nước, không riêng gì Vinamilk ngày càng nhiều doanh nghiệp gặt hái được nhiều thành công, được giới đầu tư kỳ vọng cao. Rõ ràng, sự thay đổi này đã tác động mạnh đến công cuộc cổ phần hoá thoái vốn Nhà nước và trao quyền cho tư nhân điều hành những doanh nghiệp ngàn tỷ trong những giai đoạn tiếp theo…
Tuy nhiên, để thúc đẩy cạnh tranh, chúng ta cần phải tập trung xử lý hai vấn đề trọng tâm là thị trường và quyền sử dụng đất, có như vậy, mới thay đổi động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Trong các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đã chú trọng tạo môi trường nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân. Chắc chắn kinh tế tư nhân sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn và nó sẽ là "đầu kéo" chủ lực của cả nền kinh tế.