|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cuộc đời doanh nhân Nguyễn Hữu Khai: 'Nợ đời trả mãi chẳng xong, leo bao dốc đứng vẫn mong cứu người'

17:31 | 27/12/2018
Chia sẻ
Hai lần bỏ học, vượt biên sang Trung Quốc tìm cách cứu em, tay trắng lập cơ đồ để rồi cuối đời vướng vòng lao lý phải ngồi nhà đá ở cái tuổi lục tuần. Nhưng trên hết, lương y Nguyễn Hữu Khai được nhiều người mến mộ, khâm phục bởi cái tâm chữa bệnh cứu người: “cứu người không chỉ bằng thuốc, bằng võ nghệ mà bằng cả tấm lòng nhân ái, bao dung”...

Hai lần bỏ học, sang Trung Quốc học đạo cứu em

Thông tin doanh nhân Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch Tập đoàn Y dược Bảo Long, võ sư, thầy thuốc ưu tú vừa qua đời ở tuổi 66 tại quê nhà để lại cho nhiều người sự tiếc nuối. Một đời người đã được viết thành cuốn tiểu thuyết dài 600 trang với bao thăng trầm, nguyên tác dựng thành phim truyền hình “Đường đời” gây nhiều tiếng vang và được khán giả mến mộ.

Ông Nguyễn Hữu Khai (sinh năm 1952) tại thôn Kinh Đào, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Tây cũ. Khi đang học dở lớp 10, ông lên đường nhập ngũ. Tuy nhiên đời lính với ông cũng không kéo dài lâu, ông Khai bị thương trong trận chiến tại thành cổ Quảng Trị, sau đó phải ra quân.

Trở về, theo mong muốn của gia đình, ông học và thi đỗ Đại học Kiến trúc. Nhưng mong muốn chữa bệnh dẫn đến mù lòa cho em gái một lần nữa khiến ông bỏ học, lần này là sang Trung Quốc học nghề y. Tại đây ông được học những bài thuốc Trung y, ngoài ra còn có các môn võ cổ truyền.

Trở về Việt Nam vào năm 1979, ông cùng tập hợp với nhóm thầy thuốc Đông y, họ lập ra một xưởng tự bào chế thuốc và vận dụng những ngón võ đã được học để bán thuốc dưới hình thức "Sơn Đông mãi võ" trên các khu phố ở Sài Gòn.

Doanh nhân được nhiều người mến mộ

cuoc doi doanh nhan nguyen huu khai no doi tra mai chang xong leo bao doc dung van mong cuu nguoi

Ông Nguyễn Hữu Khai (Ảnh: Facebook cá nhân)

Năm 1989, ông Nguyễn Hữu Khai thành lập xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long, lương y, võ sư hay được gọi thêm với cái tên doanh nhân. Sau rất nhiều gian truân để tồn tại, những năm cuối thập kỉ 90, Bảo Long trở nên ổn định và phát triển thêm nhiều cơ sở.

Năm 2005, Tập đoàn Y dược Bảo Long chính thức thành lập và phát triển với những sản phẩm mang thương hiệu Việt có giá trị, trị các bệnh cơ xương khớp, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, tiết niệu...

Và bên cạnh sản xuất thuốc và chữa bệnh cứu người, ông Nguyễn Hữu Khai còn tiếp tục nghiệp dạy võ thuật, sáng lập ra môn pháp "Bảo Long y võ", mở trường THPT Võ thuật Bảo Long. Ông cũng thành lập Bệnh viện Đa khoa Bảo Long, chữa trị cho nhiều bệnh nhân mà Tây y đã trả về.

Năm 2011, ông Nguyễn Hữu Khai được Đài Truyền hình KenJa (Nhật Bản) bình chọn là 1 trong 10 doanh nhân nổi tiếng Việt Nam và một trong 500 doanh nhân nổi tiếng châu Á. Ông từng được công nhận là thầy thuốc ưu tú, được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Vướng vòng lao lý

Nhưng thương trường đâu có dễ dàng, Bảo Long của ông nhiều lần vấp phải gian truân, thậm chí còn khiến ông phải vào cảnh tù đày.

Ngày 17/6/2013, ông Khai bị bắt tạm giam và di lý ra Hà Nội để phục vụ điều tra hành vi sử dụng tài sản trái phép.

Theo lời kể của ông Nguyễn Hữu Trường (con trai ông Nguyễn Hữu Khai), ông Khai từng có thời gian vay ngân hàng và một số cá nhân để đầu tư, xây dựng trường học, bệnh viện. Đây đều là các dự án mới nên khi khoản vay đến hạn cộng với kinh tế suy thoái, Bảo Long không đủ tiền để chi trả.

Lúc này ông Khai gặp được ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, một doanh nhân có tiếng khu vực phía Bắc. Ông Sơn đã soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng 100% vốn cổ phần và phần vốn góp bổ sung của các cổ đông, giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ diện tích đất, tài sản xây dựng trên đất, bản quyền thương hiệu sản phẩm của 3 đơn vị gồm CTCP Tập đoàn Y dược Bảo Long, Bệnh viện Đa khoa và Trường Võ thuật.

Như chết đuối vớ được cọc, ngày 3/3/2011, ông Khai đã ký với ông Sơn hợp đồng chuyển nhượng.

Tuy nhiên, tranh chấp phát sinh khi hợp đồng Bảo Sơn soạn ra có câu tổng giá trị hợp đồng là 227,5 tỉ đồng và kết thúc bằng dấu hai chấm rồi xuống dòng: Giá trị toàn bộ diện tích đất 53.382,7 m2 là 164 tỉ đồng và giá trị công trình xây dựng trên đất là 63,5 tỉ đồng. Nếu cộng 2 khoản đó thì đúng bằng số tiền 227,5 tỉ đồng, không còn dư đồng nào để trả cho thương hiệu, vốn cổ phần. Trong khi đó, phía ông Sơn lại khẳng định số tiền đã đủ để thanh toán cho toàn bộ phần trên.

Bảo Long và Bảo Sơn từng có thời gian tranh chấp căng thẳng trong khuôn viên công ty tại thị xã Sơn Tây, thậm chí phía Bảo Sơn còn cho nhiều “đầu gấu” đến đây đóng chốt… con trai ông Khai thuật lại. 

Do là linh hồn sáng lập Bảo Long, việc ông Khai bị bắt ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh của công ty. Doanh số bán hàng của Tập đoàn có khi chỉ bằng 15% so với trước kia, công ty có nguy cơ sụp đổ, nhiều mối quan hệ làm ăn lớn vỡ lở.

Tập đoàn Bảo Long khi đó có 6 đơn vị trực thuộc. Trong đó có 5 đơn vị ở Hà Nội là CTCP Tập đoàn Y dược Bảo Long (trụ sở tại Sơn Tây, được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng cho Bảo Sơn) có vốn điều lệ 150 tỉ đồng (theo tài liệu của cơ quan Thuế), CTCP Y dược Bảo Long, Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long vốn 20 tỉ đồng, Công ty TNHH Mỹ phẩm Thảo dược Bảo Long, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long, Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long và tại TP HCM là Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long vốn 6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, sau đó chỉ còn hai đơn vị là Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long ở Hà Nội và TP HCM còn hoạt động.

“Nợ đời trả mãi chẳng xong, leo bao dốc đứng vẫn mong cứu người”

Ngày 31/8/2015, ông Nguyễn Hữu Khai được đặc xá trả tự do. Cuối năm 2017 ông tuyên bố gây dựng lại sự nghiệp. Ông bắt đầu từ một phòng khám nhỏ ở Hà Nội, bắt đầu từ những bài thuốc bí truyền của gia đình ông. Những sản phẩm đầu tiên của thương hiệu Bảo Long bắt đầu có mặt trên thị trường. Nhiều bệnh nhân lại tìm đến ông, như tìm đến một niềm tin về những giá trị có thực trong thời buổi bát nháo của thị trường Tây y.

“Tôi già rồi, mọi việc sẽ chậm trễ hơn, không linh hoạt như ngày xưa nữa, nhưng nếu còn sức khỏe và được mọi người tin tưởng, tôi sẽ làm được. Tôi đã gây hệ lụy quá lớn, làm bao nhiêu người phải phiền lòng, chịu đựng những thiệt thòi. Tôi xin thành thực nhận lỗi và muốn dành tất cả trí lực của mình để khôi phục, phát triển sự nghiệp của mình. Cứu được một người, với tôi là điều mong muốn lớn nhất trong quãng đời còn lại của mình”.

“Nợ đời trả mãi chẳng xong, Leo bao dốc đứng vẫn mong cứu người”.

Xem thêm

Đông A (tổng hợp)