|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cùng vào cuộc để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa

01:14 | 22/08/2021
Chia sẻ
Hiện nay, việc cung ứng hàng hóa cho người dân vẫn tiếp tục thực hiện thông qua hoạt động của các chợ, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… với nhiều mô hình khác nhau như: đi chợ hộ, bán hàng online, bán theo combo…

Dịch bệnh đang khiến việc kết nối cung cầu hàng hóa ở nhiều địa phương phía Nam gặp khó khăn. Đặc biệt, trước thông tin TP HCM tiếp tục giãn cách, xuất hiện tình trạng một số nơi, người dân đổ xô đi mua hàng hóa. Các bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương đã cùng vào cuộc để giữ vững chuỗi cung ứng, đảm bảo cung cấp hàng hóa đầy đủ cho người tiêu dùng.

Tại TP HCM trong ngày 21/8, số lượng lớn người dân tiếp tục đổ về các điểm bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị... để mua sắm lương thực, thực phẩm dự trữ. Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Thủy Tiên, cư ngụ tại quận Phú Nhuận, TP HCM cho hay, chị đã đến cửa hàng tiện lợi Co.opfood xếp hàng từ 6 giờ sáng để chờ đến lượt mua sắm. 

Gia đình có nhu cầu mua thêm rau ăn lá, trái cây... vì những nhóm mặt hàng này khó dự trữ và bảo quản trong thời gian dài. Đồng thời, để tăng sức đề kháng đối với dịch bệnh rất cần bổ sung rau củ, quả trong thời gian này.

Khảo sát tại hệ thống điểm bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị... trên địa bàn TP HCM, người dân xếp hàng từ bãi xe, khu vực chờ... cho đến trước cửa điểm bán theo sự hướng dẫn của đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian chờ khá dài nên dẫn đến tình trạng tập trung đông người tại hầu hết các điểm bán.

Trong khi đó, mỗi người dân chỉ được vào khu vực mua sắm khoảng 30 phút tại điểm bán lẻ. Vì vậy, không khí mua sắm khá nhộn nhịp và khó kiểm soát biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. 

Hơn thế nữa, lượng người đến điểm bán lẻ tăng đột biến gấp 3 - 5 lần so với những ngày trước đó. Do đó, nhiều khu vực như: quầy thanh toán, điều phối cung ứng bổ sung hàng hóa lên quầy kệ, bảo vệ... bị quá tải.

Cùng vào cuộc để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa - Ảnh 1.

Nhiều đơn vị cùng vào cuộc để đảm bảo chuỗi cung ứng. (Ảnh: Báo Tin Tức).

Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc kinh doanh Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), đơn vị đã khẩn trương điều tiết, bổ sung những nhóm mặt hàng có sức mua tăng cao khi vừa nắm bắt thông tin thị trường có sức mua tăng đột biến. 

Saigon Co.op cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn giãn cách xã hội là kết nối chặt chẽ với nhà cung cấp để tập trung hàng hóa cho thị trường TP HCM.

Cùng quan điểm này, ông Đinh Quang Khôi, Trưởng phòng Marketing MM Mega Việt Nam cho biết, chúng tôi đã tăng lượng dữ trữ nhóm ngành hàng rau, củ, quả... tăng gấp 2 - 3 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 7/2021. 

Ngoài ra, không ngừng nỗ lực đưa hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đến người dân trong khu dân cư, kể cả khu phong tỏa...

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, theo báo cáo của Sở Công Thương, nguồn cung hàng hóa thiết yếu của địa phương đến từ 2 nguồn. Đó là tự sản xuất trong tỉnh và từ các tỉnh, thành phố lân cận gồm: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng và các tỉnh miền Tây thông qua các đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và áp dụng Chỉ thị16/CT-TTg kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa.

Không dừng lại ở đó, địa phương chưa có trạm trung chuyển hàng hóa để vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa lưu thông tốt hàng hóa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại địa phương. Điều này đã gây khó khăn trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, sau khi đăng thông tin kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lên các kênh thông tin, nhất là các trang thương mại điện tử, hệ thống siêu thị Vinmart tại TP HCM đã liên hệ kết nối tiêu thụ cá nuôi lồng bè tại sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu.

Tuy nhiên, hệ thống siêu thị Vinmart yêu cầu chủ cơ sở phải vận chuyển phân phối hàng hóa đến từng cửa hàng trong chuỗi siêu thị của Vinmart tại TP HCM. 

Việc vận chuyển, phân phối hàng hóa như vậy sẽ không kịp hoàn thành trước giờ người dân không được ra đường theo quy định của thành phố từ 18h hàng ngày nên không thể kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Còn tại Đồng Nai, nhân viên phục vụ siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, điểm bán hàng cố định lưu động hiện gặp rất nhiều khó khăn trong di chuyển bởi quy định không ra khỏi nhà trong thời gian từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau.

Mặt khác, việc tiêu thụ một số sản phẩm và nông sản trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về đầu ra, không tiêu thụ được như: hạt điều, đậu phộng tẩm gia vị, chôm chôm, thanh long, thịt lợn, nấm bào ngư xám…

Trước tình hình trên, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương đã làm việc trực tuyến với lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM để nắm bắt thông tin về kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ nhân dân trong thời gian tới.

Theo Sở Công Thương TP HCM, đơn vị đã chủ động các phương án ứng phó theo các kịch bản phòng, chống dịch COVID-19. 

Hiện nay, việc cung ứng hàng hóa cho người dân vẫn tiếp tục thực hiện thông qua hoạt động của các chợ, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… với nhiều mô hình khác nhau như: đi chợ hộ, bán hàng online, bán theo combo…

Trong trường hợp siết chặt hơn nữa các đối tượng được ra ngoài, Sở Công Thương dự kiến khâu thu mua, vận chuyển hàng hóa về TP HCM vẫn được giao cho các hệ thống phân phối; không đóng cửa toàn bộ chợ truyền thống (các huyện Củ Chi, Cần Giờ vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào các chợ), thực hiện bán hàng theo hình thức đi chợ hộ.

Cùng với đó, sử dụng xe tải đi thu gom, vận chuyển hàng hóa, nhân viên siêu thị thực hiện "3 tại chỗ", những lực lượng được phép ra đường sẽ đến nhận hàng theo combo và giao về khu dân cư. Đối với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, Trung tâm an sinh của Thành phố đã chuẩn bị 3 triệu gói quà, 10 triệu suất ăn miễn phí để cấp phát.

Bên cạnh đó, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương cũng đã liên hệ với một số doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng hóa, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để nắm bắt những khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu. 

Trên cơ sở tổng hợp những vướng mắc của các địa phương trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, Tổ công tác đã tham mưu, đề xuất Bộ Giao thông Vận tải kịp thời tháo gỡ khó khăn về vấn đề này.

Thảo Nguyên