|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cú 'sốc' FDI thế hệ mới

09:00 | 01/12/2019
Chia sẻ
Để né các tiêu chí "khắt khe" hơn trong lựa chọn dự án FDI đòi hỏi công nghệ cao, các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển hướng đăng kí góp vốn, mua lại cổ phần của các doanh nghiệp nội.

Đây là chia sẻ của ĐBQH Lê Công Nhường - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với DĐDN.

Cú 'sốc' FDI thế hệ mới - Ảnh 1.

ĐBQH Lê Công Nhường cho rằng, xu hướng đầu tư FDI này có thể làm lệch mục tiêu thu hút FDI của chúng ta.

- Thưa ông, tại sao đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp nội lại tăng mạnh trong thời gian gần đây?

Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Nhìn tổng thể về thu hút vốn FDI như vậy thì khá tích cực. Tuy nhiên, mổ xẻ từng hình thức đầu tư thì đang có vấn đề.

Theo đó, tính đến ngày 20/11/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới 14,68 tỷ USD, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh 5,87 tỷ USD, bằng 79,3% so với cùng kỳ năm 2018. Hai nguồn vốn này đều giảm.

Tuy nhiên, đối với góp vốn, mua cổ phần, có 8.561 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 11,24 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2018. 

Việc đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại tăng mạnh là do trong quy định về bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài đối với những công ty đã được cổ phần còn chưa chặt chẽ. 

Các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy việc mua cổ phần hoặc đăng ký góp vốn là hình thức dễ dàng kiểm soát hoạt động kinh doanh và đưa người vào HĐQT nhanh và đạt hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, giá trị cổ phiếu của một số công ty trong nước còn quá rẻ, có một số cổ phiếu được ví von là cổ phiếu “trà đá”, vì được bán với giá dưới 10.000 đồng/cp. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài thông qua cách thức mua lại cổ phần để nắm quyền điều hành công ty.

Do đó, trong Luật Chứng khoán chuẩn bị có hiệu lực cũng sẽ có quy định một số doanh nghiệp công ích, với ngành nghề quan trọng thì phải được khống chế. 

Chúng ta cũng cần xem xét lại một số công ty liên quan đến công ích như cung cấp nước sạch, điện… như công ty điện lực Khánh Hòa phải có tỉ lệ khống chế nhà đầu tư nước ngoài. Những công ty công ích này, nhà nước phải nắm quyền chi phối.

Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 134,1 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 57,7% kim ngạch nhập khẩu.

- Theo ông, việc các nhà đầu tư ngoại chuyển hướng sang đăng ký góp vốn hay mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước có hệ lụy gì cần lưu ý?

Nhìn từ kinh nghiệm một số nước, nếu công ty công ích bị nhà đầu tư nước ngoài khống chế, sau một thời gian chính phủ sẽ phải bỏ tiền ra mua lại với giá rất cao. Bởi vì, thông qua công ty cổ phần bao giờ họ cũng đẩy giá lên, khiến cho người dân sẽ phải gánh chịu những dịch vụ đắt đỏ một cách vô lý.

Ví dụ, tại Hungary trước đây đã cổ phần hóa hết các nhà máy nước, nhưng sau 20 năm, các công ty tư nhân đã tăng giá lên rất cao. Người dân chịu không nổi đã buộc nhà nước phải bỏ tiền ra mua lại với giá đắt gấp cả trăm lần. Đây là bài học chúng ta phải lưu ý.

Đối với những công ty kinh doanh ngành nghề tự do, việc chuyển hướng của các nhà đầu tư ngoại sẽ làm cho thị trường minh bạch hơn. Còn với những công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích như điện, nước... thì nên xem xét thận trọng. 

Chúng ta cần có những quy định ràng buộc chặt chẽ hơn về đảm bảo quyền lợi của cộng đồng, tránh để xảy ra trường hợp để họ nắm cổ phần quá nhiều sẽ dẫn đến có quyền chi phối những công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh và làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, gây bất ổn trong xã hội.

- Vậy, nguyên nhân nào đã khiến cho vốn đăng ký mới của các dự án FDI lại có xu hướng giảm, thưa ông?

Hiện nay tại các địa phương đang có chủ trương không thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, một số tỉnh cũng không còn “mặn mà” để đưa ra các ưu đãi quá mức với những dự án công nghệ thấp, có khả năng gây ô nhiễm môi trường. 

Trong khi, nhà đầu tư lại luôn muốn hướng dòng tiền vào những nơi đưa về lợi nhuận cao nhất. Do đó, việc mua cổ phần hay đăng ký góp vốn sẽ mang lại hiệu quả nhanh nhất, thủ tục ít rườm rà nhất. Đây là lí do chính để các nhà đầu tư nước ngoài “nhiệt tình” mua cổ phần hay đăng ký góp vốn.

- Từ đầu năm đến nay, dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư lớn nhất chỉ là 420 triệu USD. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Sự sụt giảm này cũng liên quan đến chủ trương không thu hút vốn FDI bằng mọi giá, hướng các doanh nghiệp FDI đưa công nghệ cao vào Việt Nam. Để được chấp thuận đầu tư dự án mới, họ sẽ phải đầu tư một cách bài bản và lâu dài, với nguồn vốn lớn. 

Điều này có thể cho thấy hai vấn đề, thứ nhất là độ chễ về thời gian của các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư dự án công nghệ cao chưa kịp thấm đến các nhà đầu tư có chiều sâu. 

Thứ hai, các chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn, bài bản, có công nghệ tiên tiến chưa trúng mục tiêu.

- Như vậy, chúng ta cần một chiến lược thu hút dòng vốn FDI mới, hiệu quả cao hơn để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng dòng vốn này, thưa ông?

Chủ trương hướng các nhà đầu tư nước ngoài đưa công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, các dự án FDI có tính kết nối với doanh nghiệp trong nước và khuyến khích công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển đã có. Tuy nhiên, vấn đề là chuyển chủ trương này thành những chính sách cụ thể và thiết thực trong triển khai.

Đây không chỉ là vấn đề tuyên truyền quảng bá những ưu đãi mà là vấn đề thể chế. Bởi vì, những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư bài bản thường không quan tâm nhiều đến những chính sách ưu đãi. Đơn cử như ưu đãi thuế thường chỉ theo từng giai đoạn. 

Quan trọng hơn là sự ổn định về chính sách, sự minh bạch trong các hoạt động điều hành hành chính, sự tôn trọng và công bằng đối với các khu vực kinh tế.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Việt