Cú sốc Digital India
Trong một thế giới đang chuyển biến rõ rệt nhờ công nghệ viễn thông, Ấn Độ là một ngôi sao nổi bật.
Vào thập niên 1990, chỉ lắp đặt một đường dây điện thoại cố định là phải đặt cọc trước, sau đó chờ 6 tháng, thậm chí 6 năm, nhưng nay chỉ mất vài phút. Ấn Độ hiện có 1,2 tỉ tài khoản điện thoại, chỉ đứng sau Trung Quốc. Giá cũng vào hàng thấp nhất thế giới.
Trong năm 2001, cứ 30 người Ấn Độ, chỉ có 1 người sở hữu 1 chiếc điện thoại. Nhưng hiện nay chỉ 2/30 người là không có.
Ấn Độ có hơn 500 triệu người sử dụng internet, một thị trường màu mỡ cho các hãng công nghệ. Xét ở số người sử dụng, Ấn Độ là thị trường lớn nhất của WhatsApp (400 triệu), Facebook (300 triệu) và YouTube (265 triệu).
Nhưng nhìn cận cảnh, nền tảng của thị trường kỹ thuật số đang nóng sốt này rất dễ lung lay. Nhiều công ty mà đã góp phần gầy dựng nên cơ sở hạ tầng viễn thông của Ấn Độ lại đang gặp rắc rối lớn: làm ăn không có lãi, đã vậy còn nặng nợ, bị đánh thuế cao và được giới chính trị săm soi.
Tháng 11 vừa qua, Vodafone Idea (do Vodafone Group của Anh sở hữu 45%) và Bharti Airtel - 2 trong số 3 nhà cung cấp lớn nhất Ấn Độ và RCom (đệ đơn xin phá sản vào tháng 2 năm ngoái) đã lần lượt công bố các khoản thua lỗ hằng quý lớn nhất, lớn thứ 2 và lớn thứ 4 ở Ấn Độ, tổng cộng lên tới 14,5 tỉ USD.
Đầu tháng 12, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Kumar Mangalam Birla của Vodafone Idea đã nói trong một cuộc họp rằng nếu không được chính phủ giải cứu, “chúng tôi sẽ phải đóng cửa”.
Nguyên nhân dẫn đến tình cảnh của các hãng viễn thông Ấn Độ, vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc số hóa của nước này, cũng không có gì bí ẩn. Năm 2016, Mukesh Ambani, người giàu nhất Ấn Độ, đã ra mắt Jio để đối đầu với Vodafone Idea, Bharti và RCom.
Mục đích của ông là tạo ra một mạng di động và một nền tảng kỹ thuật số rộng khắp, cung cấp các dịch vụ từ thương mại điện tử đến streaming video.
Để đạt đến mục đích đó, công ty mẹ của Jio là Reliance Industries đã nâng tổng nợ lên tới 42 tỉ USD. Các tổ chức tín dụng rất vui vẻ cho vay dự án của Ambani, vì tin vào mảng kinh doanh hóa dầu sinh lợi của Tập đoàn.
Trong những tháng đầu tiên, Jio hoàn toàn miễn phí cho khách hàng và sau đó tính với mức giá gần như cho không. Các đối thủ không còn lựa chọn nào ngoài việc cắt giảm mạnh mức phí.
Trong 3 năm qua, doanh thu mỗi người sử dụng trung bình hằng tháng đã giảm tới 1/3, còn 102 rupee (1,4USD). Dù như vậy, Vodafone Idea đã mất 100 triệu khách hàng trong năm vừa qua, trong khi Jio đã nắm giữ 1/3 thị trường, lên tới 334 triệu khách hàng.
Số hóa Ấn Độ (Digital India) là giấc mơ mà Thủ tướng Narenda Modi đã ấp ủ nhiều năm nay và vì sứ mệnh này mà cả 3 hãng viễn thông lớn của Ấn Độ đến nay đã chi ra tới 128 tỉ USD.
Thế nhưng, chính cuộc chiến giá không ngừng nghỉ cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh đã kiềm hãm tiến trình số hóa.
Các cuộc gọi thường xuyên bị rớt và đường truyền tải dữ liệu thì lúc được lúc không.
Khi các vấn đề viễn thông gia tăng, chất lượng mạng cũng ngày càng sa sút. Morgan Stanley dự kiến Vodafone Idea, Bharti và Jio sẽ chi ra chỉ 7 tỉ USD vào đầu tư cơ bản và băng tần trong năm tài chính này, giảm từ mức 15,6 tỉ USD trong năm tài chính trước đó.
Sống sót qua cuộc cạnh tranh khốc liệt này không hề dễ dàng, ngay cả trong điều kiện thuận lợi nhất, huống hồ đây lại đang là thời điểm cực kỳ bất lợi cho các hãng viễn thông Ấn Độ.
Vào tháng 10, Tòa án tối cao Ấn Độ ra phán quyết Bharti và Vodafone Idea phải trả hơn 10 tỉ USD tiền phí phát sóng và xin giấy phép bị nợ từ năm 2003.
Chính phủ cũng yêu cầu các công ty phải thanh toán tiền lãi, tiền phạt và cả lãi trên mức phạt được cộng dồn qua nhiều năm trong quá trình diễn ra tranh chấp pháp lý.
Hàng chục công ty khác cũng dính vào vụ việc, nhiều trong số đó đã rời khỏi thị trường viễn thông vì cho rằng không sinh lời.
Trong số 15 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hoạt động năm 2010, chỉ 4% vẫn còn vận hành độc lập cho đến thời điểm này. Tata, tập đoàn đa ngành lớn nhất Ấn Độ, đã không còn kiên nhẫn với bộ phận viễn thông liên tục thua lỗ và đã sang tay cho Bharti vào năm 2017.
Reliance đã cải thiện bảng cân đối kế toán bằng cách bán 20% cổ phần trong chi nhánh hóa dầu cho Aramco với giá 15 tỉ USD.
Nhưng 2 hãng viễn thông còn lại không hề “dễ thở”. Chi phí pháp lý đã đẩy tổng nợ của Bharti lên tới 16,7 tỉ USD, theo Morgan Stanley, gấp 4,3 lần EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao).
Đầu tháng 12, Công ty cho biết có thể phải huy động 3 tỉ USD qua một đợt phát hành mới để trang trải chi phí thanh toán nghĩa vụ thuế. Vodafone Idea cũng có tổng nợ tới 19,5 tỉ USD, gấp 33 lần EBITDA nhưng lại cạn kiệt tiền mặt.
Nếu một trong những công ty trên sụp đổ, hệ thống ngân hàng “mỏng manh” của Ấn Độ sẽ bị mắc kẹt với các món nợ khó đòi khổng lồ.
Và Chính phủ cũng sẽ bị vạ lây. Chính quyền ông Modi hy vọng cải thiện tình hình tài chính công đang ảm đạm (do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại) bằng số tiền thu được từ vụ đấu giá băng tần 5G sắp tới.
Khi không còn ai để tham gia đấu giá ngoài Jio, một công ty còn non trẻ, chắc chắn số tiền thu được sẽ rất ít ỏi. Và các khoản đầu tư lớn mà ông Modi trông đợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ càng trở nên xa vời.
Vì thế, Chính phủ Ấn Độ đang ra sức vực dậy ngành viễn thông sau những loạng choạng, khi công bố một gói giải cứu đắt đỏ đối với 2 công ty viễn thông thuộc sở hữu nhà nước ở quy mô trung bình.
Và nhờ Chính phủ mở đường, Vodafone Idea, Bharti và Jio gần đây đều đã công bố bảng giá tăng lên tới 50%. Phí băng tần cũng phần nào được miễn giảm.
Tất cả những điều này đã tăng giá cổ phiếu Vodafone Idea và Bharti. Morgan Stanley ước tính mức giá tăng sẽ đẩy doanh thu mỗi người sử dụng tăng 24-37%. Tuy nhiên, Jefferies thì cho rằng con số này chỉ xấp xỉ 11-23%, do một số người tiêu dùng quay lưng.
Mức tăng này có thể đủ để cứu Bharti nhưng khó cứu được Vodafone Idea, vốn cần giá phải tăng thêm 1/3 nữa, phí giấy phép cũng phải giảm mạnh và nghĩa vụ thuế được miễn.
Tình hình của Vodafone Idea ngày càng sa sút, buộc các nhà điều hành phải sớm đưa ra giải pháp. Và đồng hồ đang điểm bởi tòa đã đưa ra ngày 24.1.2020 là hạn chót các công ty phải thanh toán nghĩa vụ thuế.
Cú sốc viễn thông đang diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm cho Thủ tướng Narenda Modi. Ông đang lên kế hoạch tư nhân hóa các công ty quốc doanh như Air India và Bharat Petroleum trong năm nay.
Hàng không và năng lượng, cũng giống như viễn thông, đều là những ngành cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Ấn Độ. Nhưng lần này, chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải theo dõi kỹ diễn biến câu chuyện viễn thông trước khi quyết định rót vốn. Và những người đã đặt cược lớn vào cuộc chuyển đổi số của Ấn Độ cũng đang hồi hộp chờ xem.