CTCK giao dịch cổ phiếu chưa đến 2% giá trị, NĐT lo xung đột lợi ích khối tự doanh là có cơ sở?
Khi thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh mạnh, nhiều nguyên nhân được các nhà đầu tư tìm đến như sự xuất hiện của các tin đồn sau loạt vụ bắt bớ người điều hành của một vài công ty với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán, sai phạm trong phát hành trái phiếu, biến động của thị trường chứng khoán toàn cầu cho đến hiện tượng căng margin buộc bán giải chấp tại các công ty chứng khoán.
Một luồng ý kiến khác lại “đổ lỗi” cho hoạt động giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán với quan điểm đưa ra là khả năng mâu thuẫn lợi ích giữa nhà đầu tư và giao dịch của chính công ty chứng khoán. Liệu lo ngại này là có cơ sở?
Trước tiên, cần hiểu rằng hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán không chỉ đơn giản là việc mua vào một danh mục và bán ra để rồi thu được lợi nhuận từ chênh lệnh giá. Với sự phát triển của các sản phẩm trên thị trường, hoạt động tự doanh sẽ phức tạp hơn thế. Đơn cử, hoạt động này còn bao gồm các giao dịch mua bán cổ phiếu để hedging cho các sản phẩm như phái sinh, chứng quyền có bảo đảm (covered warrant).
Cụ thể, công ty chứng khoán là đối tượng tạo nên sản phẩm chứng quyền cho thị trường, mà giao dịch hedging cổ phiếu cơ sở là hoạt động không thể thiếu của sản phẩm này. Bởi vậy cấm công ty chứng khoán mua bán cổ phiếu cho các giao dịch hedging chứng quyền thì không thể nào tồn tại những sản phẩm phái sinh và thị trường sẽ khó có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi, vẫn mãi mãi ở lại với thị trường cận biên.
Một số trường hợp khác, bộ phận tự doanh là bộ phận gián tiếp trong các thương vụ mua bán cổ phần M&A, hay hoạt động cho ETF, ... Những gì nhà đầu tư nhận thấy khi khối này giao dịch không phải là một nghiệp vụ mua bán (trading) đơn thuần như những nhà đầu tư cá nhân.
Trở lại với câu chuyện, khối tự doanh Công ty chứng khoán liệu có xu đột với nhà đầu tư cá nhân không? Trước tiên, cần xem xét hai khía cạnh. Thứ nhất là sự so sánh về quy mô giao dịch của khối tự doanh so với các nhà đầu tư cá nhân hàng ngày. Thứ hai là so sánh giá trị giao dịch của chính công ty chứng khoán và nhà đầu tư đặt tài khoản tại công ty chứng khoán đó.
Trước tháng 3/2022, dữ liệu giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán được công bố trên nhiều phương tiện cụ thể về tổng giá trị giao dịch và từng mã cụ thể. Tuy nhiên, sự thay đổi từ phía HOSE khiến thông tin này được gộp vào giao dịch của tổ chức trong nước. Vì lẽ đó, thông tin giao dịch của khối tự doanh khiến nhà đầu tư trở nên tò mò hơn.
Thực tế, nếu xét về quy mô thì khối tự doanh lại giao dịch khá khiêm tốn so với nhà đầu tư cá nhân. Trong tháng 2/2022, giá trị giao dịch của khối này chỉ chiếm 2 – 3% thanh khoản hàng ngày của thị trường. Đặc biệt, sự bùng nổ của nhà đầu tư F0, dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã trở thành dòng tiền lớn.
Góc nhìn của các chuyên gia phân tích trên thị trường, giao dịch của những tổ chức nước ngoài hay chính từ các công ty chứng khoán chỉ phần nào có ảnh hưởng dẫn dắt tâm lý.
Nhìn vào những thống kê so sánh quy mô giao dịch từ chính trong công ty chứng khoán thấy sự chênh lệch đáng kể giữa hai nhóm nhà đầu tư này.
Trong quý I/2022, quan sát tại một số công ty chứng khoán đang hoạt động tự doanh cho thấy, giá trị giao dịch cổ phiếu tự doanh của công ty chứng khoán chỉ rất nhỏ so với nhà đầu tư cá nhân.
Tạm tính, Chứng khoán MB (MBS) là các đơn vị dẫn đầu khi giá trị giao dịch cổ phiếu tự doanh của công ty chiếm 6,74% toàn giá trị giao dịch cổ phiếu. Những công ty khác có tỷ lệ cao, đạt trên 2% như SHS, VIX, ACBS. Hai công ty chứng khoán khác có giá trị danh mục tự doanh cao nhưng không công bố chi tiết về giao dịch của công ty và nhà đầu tư trong quý I là HSC và Bản Việt.
Dữ liệu trong năm 2021, giá trị giao dịch cổ phiếu của chính Chứng khoán HSC chiếm đến 12,79% quy mô giao dịch cổ phiếu của chính công ty này, nhà đầu tư cá nhân chiếm 87,21%. Mảng tự doanh đem lại lợi nhuận khủng cho Chứng khoán HSC. Lợi nhuận trước thuế từ mảng tự doanh trong năm 2021 là hơn 630 tỷ đồng.