|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CPTPP tác động thế nào đến xuất nhập khẩu Việt Nam?

13:57 | 02/11/2018
Chia sẻ
Việt Nam sẽ đạt được lợi ích từ xuất khẩu từ CPTPP với tổng mức tăng thêm về kim ngạch xuất khẩu là trên 4%, tương đương 4,09 tỉ USD so với không có TPP. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng sẽ tăng thêm ở mức 3,8-4,6% tương đương 4,93 tỉ USD.
cptpp tac dong the nao den xuat nhap khau viet nam Thách thức với Việt Nam khi thực thi CPTPP

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả phân tích từ việc sử dụng mô hình GTAP cho thấy CPTPP về tổng thể vẫn có lợi cho Việt Nam so với trường hợp không tham gia, tuy nhiên thấp hơn khá nhiều so với trường hợp TPP12.

cptpp tac dong the nao den xuat nhap khau viet nam
CPTPP tác động thế nào đến xuất nhập khẩu Việt Nam?

Cụ thể, do tác động của cắt giảm thuế quan, CPTPP có thể giúp GDP tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỉ USD (trong TPP12, con số này là khoảng 6,7 %). Tác động này có thể sẽ lớn hơn nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ (2,01%).

Việt Nam cũng đạt được lợi ích từ xuất khẩu với tổng mức tăng thêm về kim ngạch xuất khẩu là trên 4%, tương đương 4,09 tỉ USD so với không có TPP. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng sẽ tăng thêm ở mức 3,8-4,6% tương đương 4,93 tỉ USD. Do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nguy cơ thâm hụt thương mại có thể được kiềm chế theo thời gian. Mức tăng thêm về xuất, nhập khẩu thấp hơn rất nhiều so với trường hợp của TPP12. Theo đó, xuất khẩu tăng thêm 15% và nhập khẩu tăng thêm trên 10%.

Việc tăng xuất khẩu sẽ chủ yếu là sang các nước trong CPTPP. Tốc độ tăng xuất khẩu sang các nước trong CPTPP sẽ tăng thêm ở mức 14,3% (giả định lũy tiến đến năm 2035), tương đương với 2,61 tỉ USD, trong khi xuất khẩu sang các nước ngoài TPP tăng thêm 1,7% (tương đương 1,4 tỉ USD).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định điều này cho thấy TPP có tác động chuyển hướng thương mại khá lớn và việc tham gia CPTPP có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, đối với nhập khẩu, mức độ nhập khẩu tăng thêm do CPTPP từ các nước trong khối là không lớn, và việc tăng thêm nhập khẩu sẽ chủ yếu là từ các nước ngoài TPP (tăng thêm 3,8 tỉ USD, chiếm 83% tổng nhập khẩu tăng thêm).

Mặc dù tốc độ tăng nhập khẩu nội khối có tăng cao hơn so với ngoại khối nhưng không nhiều. Theo kết quả này, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một số nước hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc ngay cả khi có CPTPP. Điểm này rất đáng chú ý do việc nhập khẩu ngoài TPP có thể làm cho Việt Nam không được hưởng lợi nhiều vì quy định nguồn gốc xuất xứ trong TPP.

Xem thêm

Đức Quỳnh