|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CPI tháng 4 giảm 0,04%, nguyên nhân chính do giá lương thực, thực phẩm giảm

16:02 | 29/04/2021
Chia sẻ
Giá lương thực, thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá điện, nước sinh hoạt giảm theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 1,27% so với tháng 12/2020 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
CPI tháng 4 giảm 0,04%, nguyên nhân chính do giá lương thực, thực phẩm giảm - Ảnh 1.

(Nguồn: GSO. Biểu đồ: A.Đ.)

Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 0,04% so với tháng trước và tăng 2,70% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Lạm phát cơ bản 4 tháng tăng 0,74%.

Trong mức giảm 0,04% của CPI tháng 4/2021 so với tháng trước, khu vực thành thị giảm 0,08%; khu vực nông thôn tăng 0,01%. Khu vực thành thị có tốc độ CPI tháng 4 giảm so với tháng trước trong khi khu vực nông thôn tăng nhẹ chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực của khu vực thành thị giảm 0,06%; khu vực nông thôn tăng 0,03%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 4/2021 có 4 nhóm giảm giá so với tháng trước, gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm bưu chính, viễn thông; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch.

6 nhóm tăng giá thì nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất, do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng, giảm giá xăng, dầu vào ngày 27/3/2021, 12/4/2021 và 27/4/2021.

CPI tháng 4 giảm 0,04%, nguyên nhân chính do giá lương thực, thực phẩm giảm - Ảnh 1.

Giá lương thực, thực phẩm giảm là nguyên nhân chính kéo CPI tháng 4 giảm 0,04%. (Ảnh minh họa: PLO).

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. 

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân làm tăng CPI trong 4 tháng đầu năm 2021 là do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp, gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao, làm cho giá gạo 4 tháng đầu năm 2021 tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước. Điều này góp phần làm CPI chung tăng 0,2 điểm phần trăm.

Cơ quan thống kê cũng cho biết nguyên nhân làm giảm CPI trong 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước là do Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID0-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II và quý IV năm 2020.

Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, lạm phát cơ bản tháng 4/2021 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2021 lạm phát cơ bản tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 0,89%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Anh Đào

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.