|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

COVID-19 sẽ tiếp tục cản đường cao su Việt Nam mở rộng thị trường

09:01 | 06/06/2020
Chia sẻ
Xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19 lan khắp thế giới, mối lo ngại về sự suy thoái toàn cầu đang diễn ra, làm giảm cơ hội mở rộng thị trường của cao su Việt Nam.

Cục Chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) uớc tính xuất khẩu cao su tháng 5/2020 đạt 65.000 tấn với giá trị đạt 78 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su 5 tháng đầu năm 2020 đạt 335.000 tấn và 464 triệu USD, giảm 31,7% về khối lượng và giảm 30,4% về giá trị so với cùng năm 2019. 

Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020, chiếm thị phần lần lượt là 61,4%, 6,1% và 4%. Giá cao su xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2020 đạt 1.426 USD/tấn, tăng 6,3% so với cùng năm 2019.

Trên thị trường thế giới, giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa kì hạn Tokyo (Tocom) tiếp tục tăng trong tháng qua, mặc dù trong tháng có lúc thị trường đi xuống sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cảnh báo suy thoái Mỹ. 

Kết thúc phiên giao dịch 21/5, hợp đồng benchmark tháng 10/2020 tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất 2 tháng, khi các thương nhân đặt cược kì vọng nền kinh tế hồi phục từ khủng hoảng Covid-19. Giá cao su cuối phiên đạt 157,2 yên/kg, tăng 8,4 yên/kg (tương đương 5,6%) so với phiên đầu tháng. 

Tương tự, giá cao su physical trên thị trường châu Á diễn biến tăng cùng chiều với xu thế tăng trên thị trường kì hạn. 

Cụ thể, RSS3 Thái Lan ngày 20/5 ở mức 1,40 USD/kg, tăng 0,02 USD/kg; STR20 Thái Lan ở mức 1,17 USD/kg, tăng 0,02 USD/kg; SMR20 Malaysia ở mức 1,12 USD/kg, tăng 0,02 USD/kg; SIR20 Indonesia ở mức 1,13 USD/kg, tăng 0,02 USD/kg so với ngày 28/4. 

Tháng 1/2020, ANRPC dự đoán sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm nay tăng trưởng 3,8% lên 14,3 triệu tấn và nhu cầu tăng 2,7% lên 14 triệu tấn. Tuy nhiên, 3 tháng tiếp theo, các con số này liên tục bị điều chỉnh theo xu hướng giảm.

Trong báo cáo mới nhất công bố tháng 5/2020, ANRPC đã hạ dự báo về sản lượng cao su năm 2020 xuống 13,4 triệu tấn, thấp hơn 2,3% so với năm trước và thấp hơn 679.000 tấn so với con số đưa ra cách đây chỉ một tháng.

Sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu quí I/2020 đã giảm 3,6% so với cùng kì năm ngoái, chỉ đạt 2,9 triệu tấn. ANRPC ước tính sản lượng của các nước thành viên sẽ giảm tổng cộng 6,4% trong 6 tháng đầu năm 2020. 

ANRPC cũng hạ dự báo tiêu thụ thế giới trong năm nay xuống chỉ 13 triệu tấn, thấp hơn 5,1% so với năm ngoái và cũng thấp hơn 516.000 tấn so với dự báo đưa ra vào tháng 4/2020 (khi đó dự báo tiêu thụ sẽ đạt 13,5 triệu tấn trong năm 2020, thấp hơn 1,5% so với năm 2019). 

Cũng theo Cục Chế biến và phát triển thị trường quí II/2020 là giai đoạn bắt đầu mùa thu hoạch cao su tại các nước Đông Nam Á, nhu cầu cao su tự nhiên từ các nước tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu ở mức thấp và giá dầu thô giảm kỉ lục sẽ gây áp lực đối với giá cao su tự nhiên.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngắn hạn, xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19 lan khắp thế giới, mối lo ngại về sự suy thoái toàn cầu đang diễn ra, làm giảm cơ hội mở rộng thị trường của cao su Việt Nam. 

Bên cạnh đó do ngành sản xuất xe hơi suy giảm, dẫn đến sự đình trệ của sản xuất lốp xe, kéo theo nhu cầu về cao su giảm mạnh cùng với giá dầu trong xu thế giảm cũng gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu về cao su của thế giới.

Như Huỳnh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.