|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

COVID-19 không giết chết tiền mặt mà giúp tiền mặt được ưa chuộng hơn

19:51 | 02/07/2020
Chia sẻ
Một số ý kiến cho rằng COVID-19 sẽ đẩy nhanh quá trình chấm dứt sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, nghiên cứu của hai nhà kinh tế Anh cho thấy tiền mặt vẫn rất được ưa chuộng với tư cách là phương tiện cất trữ.
COVID-19 thúc đẩy người dân các nước phát triển tích trữ tiền mặt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Bloomberg

Theo nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Charles Goodhart và Jonathan Ashworth, mọi người dường như có xu hướng tích trữ tiền mặt trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Ông Charles Goodhart từng là nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Anh.

Theo Bloomberg, mục tiêu của cuộc nhiên cứu là làm sáng tỏ quan điểm cho rằng đại dịch COVID-19 đẩy nhanh sự sụp đổ của tiền mặt do sự lên ngôi của thương mại điện tử hoặc những lo ngại về khả năng lây nhiễm.

Một số bằng chứng mang tính chất chủ quan tại các nền kinh tế phát triển gợi ý rằng người tiêu dùng đang ngày càng chuyển đổi sang hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt. Các lệnh phong tỏa khiến cho doanh số bán hàng trực tuyến tăng vọt và ngày càng nhiều cửa hàng chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ.

Nhưng dữ liệu được trích dẫn bởi hai ông Goodhart và Ashworth cho thấy sự gia tăng đáng kể của tiền mặt trong lưu thông tại Mỹ, Canada, Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Australia.

Một số nhà phân tích lập luận rằng loại bỏ hoàn toàn tiền mặt sẽ giúp nền kinh tế toàn cầu trở nên hiệu quả hơn, nhưng việc chấm dứt thanh toán bằng tiền mặt đột ngột sẽ gây tổn hại tới những người không có khả năng tiếp cận hệ thống ngân hàng. Sự chuyển đổi hoàn toàn sang tiền kĩ thuật số cũng là thách thức với những doanh nghiệp nhỏ do chi phí có thể rất đắt đỏ.

COVID-19 thúc đẩy người dân các nước phát triển tích trữ tiền mặt - Ảnh 2.

Mốc 100 điểm được lấy vào ngày 31/12/2019.

"Dù việc đóng cửa nền kinh tế và tăng cường mua hàng trực tuyến đang làm giảm chức năng phương tiện trao đổi truyền thống của tiền mặt, dường như xu hướng này bị lép vế trước cơn hoảng loạn tích trữ tiền mặt", ông Goodhart and Ashworth viết trong nghiên cứu gửi Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế.

"Thực tế, tiền mặt trong lưu thông đang tăng mạnh", hai ông chỉ ra.

Phát hiện này trái ngược với quan điểm của cựu cố vấn kinh tế Nhà Trắng Gary Cohn. Mới đây, ông Cohn đã khẳng định rằng COVID-19 đang tăng tốc cho sự biến mất của tiền mặt.

Quan điểm của ông Cohn có thể được nhiều người đồng tình. Tiền mặt đang ngày càng trở nên kém thông dụng tại một số quốc gia trong nhiều năm nay, do sự phổ biến của thẻ tín dụng và sự trỗi dậy của ví điện tử.

Báo cáo tháng 4 của HSBC viết rằng việc người tiêu dùng ngày càng quay lưng với tiền mặt chỉ là "sự tăng tốc của xu hướng đã diễn ra từ trước".

Tháng trước, bà Michele Bullock, quan chức cấp cao tại ngân hàng trung ương Australia nói rằng dù tiền mặt vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng COVID-19 có thể sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản đến hệ thống thanh toán. Số tiền rút từ ATM tại Australia trong tháng 4 giảm 30% so với tháng trước đó, bà Bullock cho biết.

Nhưng dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) lại hỗ trợ cho quan điểm của ông Goodhart and Ashworth, cho thấy rằng sự gia tăng của giao dịch điện tử trong đại dịch không thực sự khiến tiền mặt mất đi vị thế của mình.

Nghiên cứu của hai ông viết: "Trong một số nền kinh tế, người dân đã tăng cường nắm giữ tiền mặt để phòng ngừa, dù việc sử dụng tiền mặt cho các giao dịch thường ngày sụt giảm". 

Giang