|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

COVID-19 chưa phải vấn đề lớn nhất với thị trường lao động Trung Quốc

12:44 | 12/07/2020
Chia sẻ
Giữa lúc chính phủ Trung Quốc phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp gia tăng và tăng trưởng chững lại, một số chuyên gia nhận định nếu cách thức tuyển dụng của doanh nghiệp không thay đổi, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khó có thể cải thiện.
Trung Quốc đang đối mặt với một nỗi lo còn lớn hơn đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

Các thách thức mang tính hệ thống đang bộc lộ rõ nét tại Trung Quốc. Chẳng hạn, trong chương trình truyền hình thực tế Sisters Who Make Waves của đất nước tỉ dân, các ngôi sao nữ trong độ tuổi 30 - 50 phải tranh tài để được chọn ra mắt trong một nhóm nhạc nữ 5 thành viên.

Chương trình Sisters Who Make Waves và câu chuyện về những người phụ nữ muốn chứng minh tuổi tác chỉ là một con số thu hút sự đồng cảm từ nhiều khán giả vì sự nghiệp của họ có thể gặp trở ngại do nhà tuyển dụng thường thích nhân viên trẻ tuổi hoặc nam giới hơn.

Một số vị trí tuyển dụng ở Trung Quốc thậm chí còn thẳng thừng yêu cầu ứng viên phải trẻ hơn 30 hoặc 35 tuổi. Dù thể hiện rõ hay ngầm định, nếu các yêu cầu này không thay đổi, ngày càng nhiều người lao động sẽ không thể tìm được việc làm.

Khi dân số Trung Quốc già đi trong thập kỉ tới, độ tuổi 40 - 45 sẽ chiếm tỉ lệ lớn nhất, theo dự báo Liên Hợp Quốc do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Trung Quốc tổng hợp.

Bà Roseann Lake - tác giả cuốn "Leftover in China: The Woman Shaping the World's Next Superpower" (Tạm dịch: "Sót lại ở Trung Quốc: Người phụ nữ định hình siêu cường tiếp theo của thế giới"), cho hay: "Doanh nghiệp muốn tuyển nhân viên nữ trẻ trung vì họ có thể trả lương ít hơn, buộc cấp dưới làm nhiều hơn và có những gương mặt trẻ trung khắp văn phòng".

"Đây là một vấn đề rất nguy hiểm, thậm chí còn khiến một số phụ nữ sợ thay đổi công việc vì họ lo lắng mình đã quá lớn tuổi để có thể tìm một công việc mới, sau cùng họ quyết định mình nên ở lại thì hơn", bà Lake lí giải, đồng thời nhấn mạnh nỗi sợ này sẽ cản trở sự thăng tiến nghề nghiệp và thu nhập của người lao động nữ.

Cần thay đổi chính sách để củng cố thị trường việc làm

Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt việc làm làm ưu tiên quốc gia sau khi mức tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chững lại trong một vài năm trở lại đây. Quí I năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc giảm 6,8% do phân nửa đất nước phải phong tỏa để chống đại dịch COVID-19.

Tuy công chúng thường nghi ngờ về độ chính xác nhưng chỉ số thất nghiệp chính thức ở khu vực thành thị của Trung Quốc đã đạt mức cao kỉ lục 6,2% trong tháng 2. Không chỉ mất hàng triệu việc làm do đại dịch, đất nước tỉ dân dự kiến tiếp nhận thêm 8,7 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học trong năm nay - một cao số cao kỉ lục khác.

Ở cấp độ cao nhất, chính phủ Trung Quốc đã nhận ra họ cần giải quyết nhiều vấn đề nếu muốn tiếp tục phát triển ổn định.

Trong báo cáo chung công bố hồi tháng 9 năm ngoái, World Bank và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc (tức cơ quan điều hành hàng đầu nước này) cho hay phân bổ lao động là một trong các vấn đề trọng điểm.

CNBC dẫn báo cáo trên chỉ ra ba thay đổi cần thiết để giải quyết tình trạng sụt giảm lực lượng lao động trong tương lai như sau: giúp nông dân sống ở khu vực nông thôn tham gia vào hệ thống lao động thành thị; tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động nữ; và cho phép người lớn tuổi tiếp tục làm việc cống hiến.

"Nếu bạn đang suy nghĩa 'Làm thế nào để tăng năng suất làm việc?' thì bạn cần phải tạo cơ hội để mọi người chuyển đến nơi có những công việc năng suất cao", ông Martin Raiser - Giám đốc quốc gia khu vực Trung Quốc, Mông Cổ và Hàn Quốc của World Bank, cho hay.

Vào tháng 5, tỉ lệ thất nghiệp thành thị chính thức của Trung Quốc hiện đang ở gần mức cao kỉ lục trong lịch sử, cụ thể là 5,9%. Dữ liệu kinh tế quí II dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới, theo CNBC.

Hiện tại, doanh nghiệp tại Trung Quốc đang rất thận trọng về vấn đề mở rộng qui mô hoạt động cho nên cần làm sao để thúc đẩy nhu cầu đối với sản phẩm của doanh nghiệp để tăng lượng việc làm, ông Liu Xiangdong - Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (Bắc Kinh), nhận định hồi tháng trước.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc không chính thức qui định về yêu cầu độ tuổi trong tuyển dụng, người trẻ lại dễ dàng thích nghi với các công nghệ mới hơn, ông Liu Xiangdong nói thêm.

Tuy nhiên, ông Liu nhận thấy đào tạo người lao động lớn tuổi có thể giúp giải quyết một số lỗ hổng kĩ năng nhất định, đồng thời vị chuyên gia này còn lưu ý rằng chính sách của Bắc Kinh cũng nên hỗ trợ người dân đứng ra kinh doanh hơn.

Xã hội phân cấp

Trái ngược với xu hướng ưu tiên người trẻ tuổi, một số doanh nghiệp Trung Quốc lại đòi hỏi người lớn tuổi với nhiều kinh nghiệm.

Năm 2009, chuyên gia đào tạo nhân sự Ranee Long cho biết cô trở về Trung Quốc sau khi lấy bằng thạc sĩ từ Trường Kinh doanh Kedge ở Pháp và làm công việc quản lí tại nhiều tập đoàn lớn trong nhiều năm.

Khi tìm kiếm công việc ở các công tư vấn và đạo tạo quốc tế ở Bắc Kinh, cô Long bị từ chối vì chưa đủ thâm niên trong ngành, còn thiếu khoảng 10 năm so với yêu cầu.

Văn hóa doanh nghiệp và thực tế trên khác biệt hoàn toàn so với tại Mỹ, Pháp và Anh, cô Long nói. "Kinh nghiệm và tiềm năng là chưa đủ để người lao động giành được sự tín nhiệm và công nhận trong thị trường việc làm cũng như xã hội Trung Quốc", CNBC dẫn lời chuyên gia nhân sự Ranee Long lí giải.

Trong báo cáo ra năm ngoái, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) - một cơ quan của Liên Hợp Quốc, cho biết khi văn hóa danh nghiệp tôn trọng khác biệt của từng cá nhân và nhóm nhân viên cũng như có sẵn chính sách hòa nhập cho người lao động, xác suất doanh nghiệp này có năng suất lao động và lợi nhuận cải thiện là 62,6%.

Trong khi các công ty tìm cách tăng trưởng hậu COVID-19, một số chuyên gia nhận định tính bất ổn và nhu cầu đang thay đổi từ phía người lao động có thể tạo động lực để doanh nghiệp Trung Quốc đổi mới qui trình tuyển dụng.

"Cơ hội phát triển quan trọng hơn bất kì yếu tố nào khác, kể cả lương. Đây là lí do số một mà nhân viên gia nhập một công ty tại Hong Kong", bà Vicki Fan - CEO công ty tư vấn tuyển dụng Mercer Hong Kong, cho hay. "Trong quá khứ, mức lương thường là lí do thúc đẩy người lao động", bà Fan chia sẻ thêm.

Dù Trung Quốc vẫn còn mang nhiều khía cạnh của một xã hội truyền thống, bản chất đang phát triển của nền kinh tế này cũng tạo ra nhiều cơ hội khác biệt.

"Trung Quốc thực chất là một đất nước mà miễn là bạn làm việc chăm chỉ và cam kết với gắn bó với công ty, tôi nghĩ mọi người có thể thăng tiến dễ dàng hơn so với ở nơi khác", bà Irene Hong - đối tác sáng lập của ngân hàng đầu tư CEC Capital cho hay.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Hong cho biết quyết định đầu tư nguồn lực vào một cá nhân nên được đưa ra ngay từ đầu. "Chúng tôi đầu tư rất nhiều thời gian và công sức vào đào tạo nhân viên, chúng tôi không thể từ bỏ nhân viên chỉ vì họ đã lớn tuổi", bà Hong nhấn mạnh.

Khả Nhân