Công ty mũ lớn nhất Mỹ duy trì vị thế hàng đầu với máy móc và công nghệ từ thế kỉ 19
Vào một ngày nọ trong năm 1960, các trường học ở thị trấn Adamstown, bang Pennsylvania đều đóng cửa, người dân nô nức tràn ra đường phố. Roy Rogers – chàng ca sĩ cao bồi nổi tiếng đã đến thị trấn để cảm ơn những người tốt bụng đã làm mũ cho anh.
Công ty mũ Bollman sở hữu một số thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới, bao gồm những cái tên như Kangol và Helen Kaminski.
Máy móc, công nghệ không thay đổi trong 151 năm
Gần đây, nhu cầu mua mũ cao bồi tăng cao. Nhà máy sản xuất mũ chiếm không gian trên 8 tòa nhà được kết nối bởi sàn diễn thời trang và đường hầm vẫn hoạt động nhộn nhịn như thời điểm chàng cao bồi Rogers ghé qua thăm năm xưa.
Một mũ rộng vành do công ty Bollman sản xuất. Ảnh: INC
Trên thực tế, qui trình sản xuất mũ hầu như không thay đổi kể từ năm 1868, thời điểm mà con trai của một người nhập cư Đức - ông George Bollman - thiết lập cửa hàng trong một nhà máy chưng cất rượu whisky trên phố Main.
Nếu như trước đây một con lạch gần đó cung cấp điện để vận hành máy móc, tạo ra những chiếc mũ nam mà thương nhân bán tại các cửa hàng mang thương hiệu riêng của họ thì nay nhà máy đã kết nối với lưới điện. Cũng giống như mẫu xe Model T, bạn có thể biến mũ nguyên bản từ màu đen sang mọi màu nào bạn thích.
Ba thế hệ dòng họ Bollman đã mở rộng kinh doanh trước khi bán công ty cho một nhóm các nhà quản lí vào năm 1974. Năm 1985, Bollman đã thông qua quyền sở hữu cổ phần của nhân viên.
Sự thay đổi để phù hợp với thời đại
Ngày nay, sau khi vượt qua cuộc đại suy thoái, suýt phá sản trong thập niên 60 cùng giai đoạn sàng lọc trong ngành may mặc những năm 80 và vượt qua mọi đối thủ đến từ Trung Quốc, Bollman đã trở thành nhà sản xuất mũ lớn nhất nước Mỹ.
Số lượng thợ trong nhà máy lên tới 121 người, thời gian gắn bó công việc ở nơi đây của họ trung bình từ 21 năm tới nửa thế kỉ.
Máy móc có thời hạn làm việc lâu hơn so với con người. Tuy nhiên, các công ty chế tạo robot không phải là mối đe dọa tới hoạt động kinh doanh của những người thợ trong cơ sở sản xuất nhỏ bé này.
Một công nhân tạo dáng cho mũ lông cừu của Bollman bằng tay. Ảnh: INC
Don Rongione - người gia nhập công ty vào năm 1982 và trở thành CEO vào năm 2002 - đã thực hiện chiến lược mua lại các thương hiệu khác song song với việc giữ vững thương hiệu riêng.
Ông đa dạng hóa sản phẩm và phát triển thương mại điện tử để phục hồi tình hình kinh doanh. Bollman cũng đã chấp nhận toàn cầu hóa không chỉ riêng về thị trường mà còn cả nguồn cung ứng. Ngày nay, 70% mũ của Bollman được sản xuất ở nước ngoài.
Bollman sản xuất mũ cao bồi với nhiều chất liệu khác nhau như len nỉ, rơm và mũ đan nhưng sản phẩm đặc trưng nhất là mũ cao bồi len. Hệ thống vận hành để sản xuất những mũ bao gồm nước và gỗ, giấy nhám, hơi nước, với bàn tay thợ kéo và tạo khuôn cho mũ.
Những chiếc mũ từ lông cừu
Quá trình làm mũ của Bollman bắt đầu ở Texas, nơi có những đàn cừu cung cấp len được chuyển tới nhà máy của công ty ở San Angelo để lấy lông.
Len sẽ được vận chuyển đến nhà máy ở thị trấn Adamstown, bang Pennsylvania, nơi công nhân sẽ tạo thân mũ thô bằng cách chải đều máy chải len từ trong ra ngoài với mục đích tăng độ căng trên các sợi len, làm cho các sợ len bền chặt để phù hợp cho quá trình xử lí tiếp theo. Mũ co lại 2/3 trong quá trình chải len.
Máy tạo dáng mũ của Bollman từ thế kỉ 19. Khí đốt nóng từ trên và dưới sẽ kết hợp với nhau để định hình mỗi chiếc mũ. Ảnh: INC
Hầu hết mũ được tạo ra từ nỉ ướt, sau đó chúng sẽ được sấy khô bằng lò. Một số mẫu mũ cao bồi chưa hoàn thiện có chứa rất nhiều shellac, một loại chất giúp làm cứng mũ khi tiếp xúc với nhiệt. Sau đó mũ sấy khô trong không khí để tạo hình.
Bollman nhập khẩu thân mũ rơm được dệt thủ công từ Ecuador. Trước đó, chiếc mũ đã được xử lí qua nhiều công đoạn độc quyền nên nó sẽ giữ hình dạng đúng chuẩn và không thấm nước.
Những chiếc mũ phớt mềm mại dành cho phụ nữ mang thương hiệu Betmar của Bollman đã trải qua một công đoạn tạo khối được gọi là ép kiểu Pháp. Trong công đoạn này, khí đốt nóng từ trên và dưới sẽ kết hợp với nhau để định hình mỗi chiếc mũ.