Công ty dược phẩm Mỹ di dời nhà máy từ Trung Quốc đến Indonesia
Indonesia đang chuẩn bị một khu công nghiệp rộng 4.000 ha tại huyện Brebes, tỉnh Trung Java, cho một công ty dược phẩm Mỹ chuyển đến từ Trung Quốc, sau cuộc thảo luận vào tháng trước giữa Tổng thống Joko Widodo và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Sanny Iskandar, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Công nghiệp (JKI), đã xác nhận thông tin trên với tờ “Investor Daily” cuối tuần qua. Theo đó, khu công nghiệp Kawasan Industri Wijayakusuma thuộc sở hữu của nhà nước sẽ sớm đón công ty chưa được đặt tên này.
Theo ông Sanny, công ty này vẫn chưa quyết định sẽ đầu tư bao nhiêu tiền vào nhà máy mới tại Indonesia.
Bộ Doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 51,09% cổ phần của Kawasan Industri Wijayakusuma, trong khi chính quyền tỉnh Trung Java và quận Cilacap lần lượt sở hữu 40,19% và 8,52% cổ phần còn lại.
Ông Sanny nhấn mạnh: “Đây sẽ không phải là một quá trình nhanh chóng, song vì đây là đất thuộc sở hữu nhà nước nên sẽ dễ giải quyết hơn.” Ông cho biết thêm dự án di dời nhà máy vẫn đang trong giai đoạn lập quy hoạch cảnh quan, trước khi tiến hành nghiên cứu khả thi. Việc này có thể mất 6-12 tháng trước khi nhà máy bắt đầu được xây dựng. Do vậy, ông Sanny cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ không làm chậm quá trình này.
Hồi tháng trước, Tổng thống Widodo đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Donald Trump nhằm thảo luận hợp tác Indonesia-Mỹ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và tăng cường quan hệ đối tác thương mại và đầu tư.
Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan mới đây đã thông báo về kế hoạch của công ty dược phẩm Mỹ muốn chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Indonesia. Phát biểu với báo giới hôm 10/5, Bộ trưởng Luhut tiết lộ Tổng thống Widodo đã yêu cầu thảo luận về vấn đề này với một phụ tá của Tổng thống Trump.
Bộ trưởng Luhut nhấn mạnh dự án nói trên mang lại “giá trị chiến lược” cho Indonesia - quốc gia hiện đang phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu thô để sản xuất thuốc. Theo thống kê chính thức, 60% nguyên liệu thô sản xuất thuốc đang được nhập khẩu từ Trung Quốc, và 30% đến từ Ấn Độ.
Bà Shinta Kamdani, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin), cho rằng việc di dời nhà máy của Mỹ sẽ cho phép các công ty dược phẩm địa phương sử dụng công suất nhàn rỗi của mình.
Theo bà Shinta, hiện các nhà sản xuất thuốc của Indonesia chỉ hoạt động với 55-60% công suất do phải phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.