Công ty đằng sau ứng dụng hoàn tiền IBG chính thức giải thể
Theo Cổng đăng kí Doanh nghiệp Quốc gia, Công ty TNHH IBG Việt Nam đã chính thức giải thể. IBG Việt Nam được biết đến là công ty đứng đằng sau ứng dụng IBG nổi lên cách đây vài tháng. Trang chủ công ty tại ibg.zone cũng đã sập.
Thời điểm đó, ứng dụng MyAladdinz hoàn tiền 80% đã bị Bộ Công An cảnh báo là ứng dụng hoạt động đa cấp trá hình. Trong khi đó, mô hình hoạt động của IBG gần tương tự MyAladdinz với việc cũng hoàn tiền cho người dùng mua sắm trên nền tảng.
Số tiền hoàn lại cho người dùng sẽ được chia nhỏ thành các phần, và trả dần theo từng ngày. Đáng chú ý, tiền người dùng nạp vào là tiền thật, nhưng tiền giao dịch trên nền tảng của các ứng dụng hoàn tiền kể trên là một loại tiền do những người điều hành ứng dụng qui định. Đây là những loại tiền tệ chưa được pháp luật Việt Nam chấp nhận.
Trên kho ứng dụng CH Play, app IBG Loyalty Point vẫn tồn tại và tính tới hiện tại, ứng dụng đã vượt mốc 10.000 lượt tải. Dù tài khoản phát hành ứng dụng mang tên gọi IBG USA nhưng hầu hết các tương tác, bình luận đều bằng tiếng Việt.
Đại diện pháp luật của IBG Việt Nam là ông Nguyễn Thanh Bình. Ông Bình đồng thời là đại diện pháp luật của hai công ty khác là CTCP Tập đoàn Onesgroup và Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Global.
CTCP Tập đoàn Onesgroup ra đời năm 2007 với tên gọi Công ty TNHH Bất động sản Phú Gia Hân. Tới đầu năm nay, công ty chuyển thành mô hình tập đoàn và đổi tên.
Dẫu là một doanh nghiệp bất động sản, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của Onesgroup không quá cao.
Theo thông tin chúng tôi có được, trong 2 năm 2018 và 2019, doanh thu thuần của Onesgroup đạt chưa tới 500 triệu đồng. Năm 2018 công ty lãi sau thuế 9,8 triệu đồng và năm 2019 lỗ 11,3 triệu đồng.
Trong khi đó ra đời năm 2019, Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Global có vốn điều lệ đăng kí 50 tỉ đồng. Tới tháng 3/2020, công ty đăng kí tăng vốn lên 1.050 tỉ đồng, với 2 cổ đông chính là ông Nguyễn Thanh Bình (nắm 80,95% vốn) và CTCP Tập đoàn Onesgroup (nắm 19,05% vốn, tương đương 200 tỉ đồng).
"Thị trường Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế, đặc biệt đây là một thị trường rất màu mỡ khi xu hướng người trẻ ngày càng nhanh chóng kết nối các thành tựu công nghệ hiện đại, nền kinh tế cũng tăng trưởng nhanh và các tầng lớp trung lưu cũng tăng vọt. Điều này đã giúp lĩnh vực Fintech nhanh chóng tiếp cận và trở thành một xu hướng tất yếu của xã hội", ông Bình từng khẳng định trong một bài viết trên trang chủ công ty.
Thời điểm đó, IBG cho rằng hoàn tiền trên ứng dụng chính là xu thế, giúp người tiêu dùng tiết kiệm một khoản chi phí lớn. Đây cũng là lí do ông Bình nói ông đã kết nối với các đối tác tại Mỹ, phát triển ứng dụng IBG giúp người dùng thanh toán sản phẩm, dịch vụ trong hệ sinh thái, liên kết khách hàng thân thiết của doanh nghiệp.
Cách đây 2 tháng, IBG đặt mục tiêu kết nối 5.000 doanh nghiệp trong hệ sinh thái tại Việt Nam. Công ty cũng từng mong muốn sẽ phát triển ứng dụng IBG tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong tương lai xa.