|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty cổ phần phim Giải Phóng: Kiện tụng và nợ nần

11:00 | 08/10/2017
Chia sẻ
Nếu Hãng phim truyện Việt Nam ở phía Bắc đã hoàn thành tiến trình cổ phần hóa thì quá trình cổ phần tại Hãng phim Giải Phóng ở phía Nam còn khá ì ạch. Sau khi lên sàn giao dịch, dù trở thành Công ty cổ phần phim Giải Phóng, nhưng nhà nước vẫn giữ 99,7% cổ phần.
cong ty co phan phim giai phong kien tung va no nan

Trụ sở Công ty cổ phần phim Giải Phóng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Vì thế, công ty tiếp tục xác định lại tài sản đưa lên sàn giao dịch đợt 2, nhằm tìm nhà đầu tư. Trong khi tiến trình này còn khá chậm, công ty phải đối mặt với nhiều lùm xùm, kiện tụng và nợ nần.

Những khoản nợ khổng lồ

Năm 2015, khi ông Nguyễn Thái Hòa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc Hãng phim Giải Phóng, nghỉ hưu, ban lãnh đạo mới tiếp quản khi trong két sắt chỉ còn khoảng 90 triệu đồng và khoản nợ 23 tỷ đồng. Bỏ qua những xì xầm bàn tán về việc ông Nguyễn Thái Hòa vừa “hạ cánh” thì cái “ghế to nhất” lại về tay em ruột ông Hòa là ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần phim Giải Phóng. Và toàn bộ nhân viên hãng phim phải đối diện với việc hết tiền làm phim và tiền trả lương cho CBCNV.

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, trong các khoản nợ nần, có những khoản nợ ông không thể hiểu nổi, như: hơn 1 tỷ đồng nợ tiền phạt vì đóng thuế chậm; hơn 20 tỷ đồng nợ tiền thuế đất... Vậy trong bao nhiêu năm làm giám đốc đương nhiệm, ông Nguyễn Thái Hòa đã không đóng những khoản này, để rồi nợ chồng nợ!

Trong khi đó, theo giấy tờ chứng minh, trong giai đoạn 2013 - 2015, Hãng phim Giải Phóng đã có những khoản thu lớn: 29 tỷ đồng Công ty Bắc-Nam 79 bồi thường mặt bằng 15 Thi Sách; hơn 16 tỷ đồng nhà nước tài trợ bộ phim Đường xuyên rừng; hơn 16 tỷ đồng nhà nước tài trợ phim Mỹ nhân và 46 tỷ đồng bộ phim Cao hơn bầu trời (dài 50 tập, trong đó ngân sách nhà nước cấp hơn 38 tỷ đồng, phần còn lại xã hội hóa). Vậy vì sao khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Thái Hòa để lại những khoản nợ kếch xù trên?

Đó là chưa kể, bộ phim Cao hơn bầu trời đã được chi ngân sách 80% (nhà nước giữ lại 20% ngân sách, sau khi nghiệm thu phim, sẽ chi trả nốt), nhưng phim không đạt chất lượng, phải sửa đi sửa lại nhiều lần, phát sinh thêm chi phí sửa chữa, làm kỹ xảo gần 300 triệu đồng. Số tiền này theo ban giám đốc mới cho biết, phải đi vay mượn để hoàn thành xong bộ phim này. Hiện nay, phim đã hoàn chỉnh 50 tập và đã được Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân duyệt nội dung, Hội đồng Duyệt phim quốc gia duyệt, nên đã có giấy phép phát hành.

Cũng trong thời gian đương nhiệm (năm 2012), ông Nguyễn Thái Hòa có hợp đồng vay 500 triệu đồng của bà Đặng Thị Vạn (mẹ ruột của 2 ông Hòa và Hưng). Hiện nay, ông Nguyễn Thái Hòa và anh ruột thay mặt mẹ đòi tiền công ty và được tổng giám đốc Đặng Phúc Yên ký giấy hẹn nợ trả trong 2 tháng (đến tháng 9-2017), nhưng đến nay công ty chưa có tiền trả bà Vạn.

cong ty co phan phim giai phong kien tung va no nan
Bên trong phim trường của Công ty cổ phần phim Giải Phóng Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Theo ông Nguyễn Thái Hòa, khi ông còn đương nhiệm, tiền thu từ việc cho thuê mặt bằng (212 Lý Chính Thắng) trên 800 triệu đồng/tháng nhưng nay Công ty cổ phần phim Giải Phóng cho thuê gần 3 tỷ đồng, nên không thể nói là không có tiền trả mẹ của ông! Không biết số tiền thật sự công ty cho thuê là bao nhiêu, nhưng hiện nay, công ty đang cho thuê phim trường dài hạn - tòa nhà 11 tầng chỉ giữ lại tầng 4 cho hãng phim, tầng 2 làm phòng dựng và phòng âm thanh, còn lại các tầng khác đều cho thuê.

Cảnh “nồi da xáo thịt”

Từ năm 2015 đến 2017, Công ty cổ phần phim Giải Phóng không có bất cứ một phim nhà nước đặt hàng nào. Anh chị em nghệ sĩ phải ra ngoài làm phim cho tư nhân để vừa được làm nghề, vừa thêm thu nhập. Công ty sống chủ yếu bằng tiền cho thuê mặt bằng, cho thuê thiết bị máy móc và làm gia công phim truyền hình cho các đài truyền hình và công ty quảng cáo. Mới đây, Công ty cổ phần phim Giải Phóng nhận được kế hoạch đặt hàng từ nhà nước cho 5 phim tài liệu, 1 phim truyện video phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa, 1 phim hoạt hình và phim điện ảnh Hợp đồng bán mình (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: Trần Ngọc Phong). Tình hình có dấu hiệu khả quan, anh em hãng phim có thể thở phào, nhưng đúng lúc này, đơn thưa kiện Công ty cổ phần phim Giải Phóng bắt đầu được gửi đi khắp nơi.

Người đứng đơn chính là anh ruột của ông Nguyễn Tiến Hưng và đơn thưa của bà Nguyễn Như Ngọc Quyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Dịch vụ quảng cáo và phát hành Công ty cổ phần phim Giải Phóng, hiện đang chung sống như vợ chồng với ông Nguyễn Thái Hòa. Anh trai của ông Nguyễn Tiến Hưng thưa kiện về số tiền 500 triệu đồng mà hãng đã vay. Bà Nguyễn Như Ngọc Quyên thưa kiện vì ban lãnh đạo mới giải tán trung tâm dịch vụ quảng cáo và phát hành còn bà bị buộc thôi việc.

Được biết, bà Nguyễn Như Ngọc Quyên được ông Nguyễn Thái Hòa nhận vào Hãng phim Giải Phóng, sau đó ông lập trung tâm dịch vụ quảng cáo và phát hành rồi giao bà làm giám đốc. Điều lạ là trung tâm này chỉ có bà Quyên, không có ai khác.

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Công ty cổ phần phim Giải Phóng đang khó khăn, không thể để bộ máy cồng kềnh và việc trung tâm chỉ có bà Quyên là rất lãng phí, nên ông xin Bộ VH-TT-DL cho giải thể trung tâm này. Trong thời gian đó, bà Quyên cũng tự ý nghỉ không xin phép, nên lãnh đạo công ty cho bà thôi việc (Quyết định Xử lý kỷ luật lao động số 55/QĐ-PGP ngày 15-9-2017 do ông Nguyễn Tiến Hưng ký).

Trong thời gian ông Nguyễn Thái Hòa lãnh đạo Hãng phim Giải Phóng, ông Hòa giao cho gia đình bà Quyên thầu bãi giữ xe của hãng phim. Nhưng khi ông Nguyễn Tiến Hưng về tiếp quản, bãi giữ xe được chuyển sang con rể ông Hưng là ông Nguyễn Văn Dũng thầu bãi giữ xe này đến nay. Công ty cổ phần phim Giải Phóng cũng vay của vợ ông Hưng 6,5 tỷ đồng mà theo ông Hưng, số tiền này được dùng vào việc trả nợ một số đơn vị đã cho Hãng phim Giải Phóng vay trước đây với lãi suất cao và một phần dùng vào việc gia công sản xuất phim.

Vậy là, cán bộ - công nhân viên Công ty cổ phần phim Giải Phóng chưa kịp mừng khi lại được nhà nước đặt hàng làm phim, có thể tiếp tục làm nghề, cải thiện thu nhập; đã phải chứng kiến việc kiện cáo ì xèo từ nội bộ gia đình của chủ tịch hội đồng quản trị. Các đơn thư tố cáo này hiện được thanh tra bộ và các cơ quan thẩm quyền thanh tra, làm rõ. Dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền, nhưng việc kiện tụng này đã ảnh hưởng không ít đến tâm lý của người lao động công ty.

Sài Gòn Giải Phóng