Từng sở hữu lượng đất đai nhiều nhất thế giới, đại gia bất động sản Trung Quốc chìm trong nợ nần, đứng trên bờ vực phá sản, phải bán đi nhiều mảng kinh doanh để trả nợ
Đối với tập đoàn bất động sản China Evergrande, những tháng gần đây thực sự rất khó khăn. Công ty của tỷ phú Hui Ka Yan đang ngập sâu trong vũng bùn nợ nần và nhanh chóng trở thành một mối lo tài chính lớn nhất tại Trung Quốc, Bloomberg đưa tin.
Dẫu cho hàng loạt cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đang bị bán tháo thu hút sự quan tâm của thế giới nhưng từ Hong Kong đến New York, mọi ánh mắt đều hồi hộp quan sát Evergrande và đặt câu hỏi: "Liệu chuyện này có thể tệ đến đâu?"
Tài sản của người đứng đầu bốc hơi 20 tỷ USD sau một năm
Theo tờ Bloomberg, câu trả lời là thực sự rất tệ. Cách đây ba năm, Evergrande vẫn là một ngôi sao trong làng bất động sản khi là công ty sở hữu nhiều đất đai nhất trái đất, điều giúp ông chủ của nó, tỷ phú Hui Ka Yan trở thành người giàu có thứ hai Trung Quốc với 42 tỷ USD, chỉ đứng sau tỷ phú Jack Ma.
Nhưng trong ba năm trở lại đây, mọi chuyện đã khác. Các dự án mở rộng và nhiều khoản nợ đã phần nào ảnh hưởng đến công ty này cùng tài sản của tỷ phú Hui Ka Yan. Chỉ trong 12 tháng, giá cổ phiếu lao dốc hơn 70% xuống đáy lịch sử. Điều này đã khiến tài sản của tỷ phú Hui bốc hơi 20 tỷ USD.
Nhưng tin xấu vẫn cứ tiếp tục đến. S&P Global Ratings đã hạ xếp hạng tín dụng của Evergrande hai bậc vào ngày 26/7. Hôm thứ ba, ngày 27/7, giá cổ phiếu của công ty tiếp tục giảm 13% sau khi Evergrande quyết định không trả cổ tức đặc biệt.
Tỷ phú Hui đã tìm mọi cách để ngăn chặn thảm họa, từ việc mua lại cổ phiếu và bán một số lĩnh vực kinh doanh của công ty nhằm xoa dịu nhà đầu tư. Tuy nhiên, một chuyên gia của Bloomberg nhận định việc này cần một động thái quyết định hơn, ví dụ như bán một lượng lớn cổ phần cho nhà nước.
Thời gian thực sự còn không nhiều. Chỉ còn 8 tháng từ bây giờ, 2 tỷ USD trái phiếu chưa thanh toán của Evergrande sẽ đến hạn và tháng sau đó là 1,45 tỷ USD tiếp theo.
Mặc dù Evergrande đã hoàn trả tất cả trái phiếu công khai trong năm nay, nhưng việc tái cấp vốn vào năm 2022 sẽ là một thách thức nếu quyền tiếp cận thị trường vốn không hồi phục kịp thời, S&P nhận định. Hiện tại, thị trường đang báo hiệu trái chủ có thể không được hoàn trả đầy đủ.
Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có cứu trợ cho China Evergrande nếu tỷ phú Hui "cạn ý tưởng" hay không. Giải cứu một công ty lớn như Evergrande sẽ ngăn chặn một sự sụp đổ tốn kém. Nhưng nó sẽ tạo tiền lệ xấu cho những công ty khác vay nợ một cách liều lĩnh, điều khiến Anbang Group Holdings hay HNA Group gặp rắc rối.
"Liệu các công ty chủ chốt của Trung Quốc có còn bị coi là quá lớn để phá sản hay không? Và điều gì sẽ xảy ra nếu không" - thắc mắc đã trở thành một câu hỏi hóc búa đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
David Loevinger, nhà phân tích tại TCW Group Inc kiêm cựu điều phối viên cấp cao về các vấn đề Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ, cho biết: "Họ thực sự muốn gửi một thông điệp rằng không ai quá lớn để thất bại nhưng rõ ràng, giảm thiểu rủi ro tài chính hệ thống là ưu tiên hàng đầu."
Quá lớn để phá sản
Ba ngân hàng đã cho Evergrande vay tổng cộng 7,1 tỷ USD đã quyết định không gia hạn một số khoản vay khi chúng đáo hạn trong năm nay. Các chủ nợ lớn ở Trung Quốc, bao gồm China Minsheng Banking Corp., đang lên kế hoạch họp lại để thảo luận về khoản vay của Evergrande và chờ hướng dẫn từ chính quyền.
Và chỉ trong tuần trước, ít nhất bốn ngân hàng lớn của Hong Kong đã ngừng gia hạn thế chấp cho hai dự án căn hộ Evergrande, do lo ngại rằng tập đoàn này thiếu thanh khoản để hoàn thành việc xây dựng.
Điều này khiến nhiều người mua nhà cảm thấy lo lắng. Lily Chan đã mua một căn hộ một phòng ngủ ở Emerald Bay II, một trong những dự án phát triển của Evergrande ở Hong Kong.
Theo Bloomberg, China Evergrande có thể thu nhỏ quy mô của mình. Để giảm bớt tình trạng khủng hoảng, tỷ phú Hui đã bán cổ phần trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau và có khả năng sẽ còn bán được nhiều hơn nữa.
Theo Agnes Wong, nhà phân tích tại BNP Paribas SA, công ty có khoảng 80 tỷ USD vốn chủ sở hữu trong các lĩnh vực kinh doanh phi bất động sản. Evergrande đã huy động được gần 8 tỷ USD trong năm nay, từ việc bán cổ phần trong đơn vị xe điện, hoạt động internet, công ty bất động sản Hàng Châu và nền tảng trực tuyến FCB Group.
Điều đó đã giúp công ty cắt giảm khoản nợ khoảng 20% xuống còn 570 tỷ nhân dân tệ (88 tỷ USD) vào cuối tháng 6. Evergrande cũng đang đàm phán với các đối thủ cạnh tranh để bán các dự án bất động sản trên toàn quốc.
Cuối cùng, số phận của đại gia bất động sản Trung Quốc sẽ phải dựa vào chính quyền Bắc Kinh hoặc các chính quyền địa phương. Đầu tháng 7, chính quyền tỉnh Quảng Châu, nơi Evergrande đặt trụ sở chính đã có một cuộc họp để tìm hướng giải quyết cho các khoản nợ của tập đoàn này.
Tuy vậy, bất cứ cuộc giải cứu hoặc tái cơ cấu nào cũng có thể khiến tỷ phú Hứa phải trả giá lớn. Bởi Trung Quốc đang tìm cách giảm thiệt hại và hạn chế ảnh hưởng của các nhà tài phiệt. Đầu tháng 7, sau gói cứu trợ trị giá 1,36 tỷ USD của nhà nước, tỷ phú Zhang Jindong đã mất quyền kiểm soát đơn vị bán lẻ hoạt động yếu kém của mình.
Theo Bloomberg, vẫn có lý do để tin rằng chính quyền Bắc Kinh, các tỉnh địa phương, hoặc những doanh nghiệp quốc doanh không để Evergrande sụp đổ hoàn toàn. Tuần trước, phó thị trưởng của một thành phố ở Trung Quốc đã thúc giục các doanh nghiệp đẩy mạnh cổ phần trong Shengjing Bank. Evergrande giữ 36% cổ phần tại đây.
Bloomberg nhận định tập đoàn đã tự biến mình trở nên "quá lớn để phá sản". Theo cựu giám đốc quỹ đầu cơ Marc Rubinstein, tập đoàn Trung Quốc nắm giữ lượng đất đai khổng lồ, cùng với bất động sản hiện chiếm đến 13% nền kinh tế (tăng từ 5% hồi năm 1995).