Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba hữu danh vô thực
“Mồi nhử” từ cam kết sinh lợi
Trước khi bị Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vạch trần tính phi pháp của việc tự xưng là chủ đầu tư của Dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII - 3, có diện tích 97,58 ha thuộc Khu đô thị Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP HCM, Công ty Alibaba đã từng làm mưa làm gió tại thị trường bất động sản Long Thành (Đồng Nai) bằng mánh khóe dùng đất trồng cây để vẽ nên hàng loạt “dự án” mang tên Alibaba Long Phước 1 đến Alibaba Long Phước 14 bán cho khách hàng.
Chẳng hạn, theo một trong số rất nhiều tài liệu mà phóng viên Đầu tư Bất động sản thu thập được, Dự án Alibaba Long Phước 9 đã được Công ty Alibaba phân thành 239 nền bán cho khách hàng. Mảnh đất này do bà Trần Phương Hạnh đứng tên sổ đỏ có diện tích 22.075m2, nhưng mục đích sử dụng đất ở chỉ 250m2, phần diện tích 21.825m2 còn lại là đất trồng cây lâu năm.
Để đẩy mạnh tiếp cận khách hàng, Công ty Alibaba đã tuyển nhân viên môi giới một cách ồ ạt. Tại nhiều diễn đàn, công ty này hãnh diện tuyên bố: “Từ đội ngũ chỉ 5 chuyên viên, Địa ốc Alibaba đã phát triển không ngừng lên 100 chuyên viên và hiện nay là vượt mốc hơn 1.500 chuyên viên sale. Trước lộ trình phát triển đầy hy vọng như thế, hơn 1.000 “tân binh sale” mới gia nhập hứa hẹn sẽ ‘càn quét sôi nổi’ thị trường bất động sản tiềm năng, mang lại ngàn lợi nhuận cho nhà đầu tư”.
Không chỉ tuyển nhân viên sale ồ ạt để “càn quét sôi nổi”, Alibaba còn sử dụng hình thức cam kết lợi nhuận để “nhử” khách hàng. Theo đó, Alibaba cam kết mức lợi nhuận 28%/năm trên số tiền mà khách hàng đầu tư vào dự án. Với lợi nhuận này, nếu so với lãi suất ngân hàng, thậm chí so với nhiều kênh đầu tư khác, rõ ràng quá hấp dẫn với rất nhiều người, trong đó có những người già và người lao động nghèo, hầu hết chưa có kinh nghiệm đầu tư.
Tuy nhiên, trong bản “hợp đồng mẫu” mà phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản được nhân viên Công ty Alibaba cung cấp không hề có bất cứ điều khoản nào liên quan tới việc cam kết lợi nhuận. Thực tế, công ty này sử dụng một bản phụ lục tách rời hợp đồng. Bản phụ lục này cũng có dấu đỏ và chữ ký của ông Nguyễn Thái Lĩnh với chức vụ Giám đốc Công ty.
Trong phụ lục hợp đồng nói trên chỉ có một số thông tin cơ bản về Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, người đại diện Công ty và nội dung “Công ty cam kết thu mua lại lợi nhuận 28%/12 tháng trên số tiền đầu tư, khi khách hàng đầu tư vào dự án Alibaba Long Phước 5 - Nơi đầu tư chắc ăn”.
Phân tích về căn cứ pháp lý, luật sư Lê Ngô Trung, Đoàn luật sư TP HCM cho rằng, về nguyên tắc, phụ lục hợp đồng này không có hiệu lực pháp lý. Bởi lẽ, với một bản phụ lục hợp đồng, ít nhất phải thể hiện rõ là phụ lục của hợp đồng nào (“phụ lục số… của hợp đồng số…”), chỉnh sửa hay bổ sung phần nào của hợp đồng đó…
“Ở phụ lục hợp đồng nói trên, không thể hiện là phụ lục thuộc hợp đồng nào, chỉnh sửa hay bổ sung phần gì của hợp đồng, nên nếu có xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng cũng không thể có căn cứ để giải quyết do phụ lục không có hiệu lực pháp lý. Khách hàng vì thế mà cũng không thể đòi được quyền lợi”, luật sư Trung nói.
Bản phụ lục không biết dành cho hợp đồng nào |
Theo tiết lộ của một cựu nhân viên môi giới của Công ty Alibaba, trong trường hợp khách hàng mua đất nhưng sau đó không giữ đất mà muốn lấy lại vốn và tiền lợi nhuận cam kết, công ty này vẫn sẽ thu lại lô đất và chấp nhận trả lãi với điều kiện khi Công ty bán lại được lô đất này cho một người khác.
“Tuy nhiên, việc khi nào bán lại được lô đất này chỉ có công ty mới biết hoặc muốn, vì không hề có thời gian cụ thể ràng buộc, đây chính là ‘yếu huyệt’ của khách hàng”, một chuyên gia bất động sản cảnh báo.
“Bán vịt trời” ở Củ Chi
Khi hoạt động bán dự án ma ở Long Thành của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba bị truyền thông phanh phui, bên cạnh việc phản ứng kịch liệt, đơn vị này còn tổ chức một số hội nghị khách hàng để trấn an. Tuy nhiên, chỉ đến khi chính quyền sở tại khẳng định, trên địa bàn không có bất kỳ dự án nào của chủ đầu tư mang tên Alibaba thì mọi chuyện mới “hai năm rõ mười”.
Cụ thể, ông Trương Văn Phương, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Long Thành xác nhận: “Tôi khẳng định tính đến thời điểm này, huyện không giao bất kỳ dự án nào cho doanh nghiệp có tên Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư”.
Một trong các buổi mở bán đất nền Long Thành của Alibaba. |
Vị này còn cho biết, chính quyền huyện Long Thành nhiều lần phát hiện và ngăn chặn các đơn vị giả chủ đầu tư mua bán đất nền. Thế nhưng, các đơn vị này hoạt động khá tinh vi khi lợi dụng các ngày nghỉ để lén lút chở khách đến chào bán.
Không chỉ chào bán dự án trái phép tại Long Thành như lời khẳng định của lãnh đạo chính quyền sở tại, Công ty Alibaba còn lên kế hoạch làm “một trận đánh lớn” tại Củ Chi, TP HCM. Hai công ty thuộc “dòng họ” Ali là Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc TP HCM và Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII - 3 (TP HCM) để tiến hành nhận đặt chỗ của khách hàng.
Cần nói thêm là Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba từng có lộ trình tăng vốn chóng mặt từ 1 tỷ đồng vốn điều lệ theo bản đăng ký kinh doanh lần 1 ngày 5/5/2016, lên đến con số 1.600 tỷ đồng vốn điều lệ, góp bằng tiền mặt khi đăng ký thay đổi lần thứ ba ngày 26/9/2017. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc TP HCM còn hoành tráng hơn khi chỉ mới đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12/10/2017, nhưng vốn điều lệ đã lên đến 12.000 tỷ đồng, hoàn toàn góp bằng tiền mặt. Những con số vốn điều lệ này được HoREA đánh giá là “lớn đến mức phi lý, không bình thường”.
Về việc “tiến quân” lên Củ Chi của Alibaba, theo thông tin mà HoREA cảnh báo khẩn cấp với người tiêu dùng và báo cáo với cơ quan chức năng, Dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII - 3 có diện tích 97,58 ha thuộc Khu đô thị Tây Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (TP HCM). Việc Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc TP HCM và Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án này là trái luật.
HoREA cho biết, Dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII là một trong 133 dự án được công bố tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP HCM năm 2017, nhưng hiện tại khu đất này vẫn chưa tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa có hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, hạ tầng giao thông kết nối với các dự án đang được kêu gọi đầu tư và bên mời thầu là Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc.
“Dự án Khu nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị tại Khu VIII - 3 thuộc Khu đô thị Tây Bắc đang được mời gọi đầu tư. Dự án này chưa có quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 nên chưa thể có bản đồ phân lô nền nhà để chào bán”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA khẳng định và cho rằng, cho đến nay, dự án này vẫn chưa thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, chưa có văn bản của Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện để được huy động vốn khi bán nền nhà hình thành trong tương lai.
"Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc TP HCM không có quyền công bố dự án, không có quyền huy động vốn kể cả hình thức đặt cọc, giữ chỗ", ông Châu nói và cho biết, đã có văn bản kiến nghị gửi Ủy ban Nhân dân TP HCM chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi theo chức năng và thẩm quyền, phối hợp kiểm tra các vụ việc trên địa bàn TP HCM có liên quan đến các công ty nêu trên để xử lý hoạt động huy động vốn trái phép theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến Dự án Khu đô thị Tây Bắc, ngày 14/11/2017, Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị Tây Bắc có Văn bản số 358/BQL-KHĐT báo cáo Ủy ban Nhân dân TP HCM với nội dung, như sau: "Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc nhận được một số thông tin của các cơ quan truyền thông báo chí về dự án đầu tư của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba tại Khu đô thị Tây Bắc.
Theo đó, Ban Quản lý kính báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố một số nội dung liên quan đến thông tin nêu trên như sau: Ngày 2/11/2017, Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc nhận được văn bản đề xuất thực hiện dự án của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba tại Khu đô thị Tây Bắc.
Tuy nhiên, dự án do Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba đề xuất chưa được Ủy ban Nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Vì vậy, trong thời gian qua việc Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án Khu đô thị Tây Bắc theo thông tin của các cơ quan truyền thông báo chí như trên là trái với các quy định của pháp luật hiện hành".
HoREA: Địa ốc Alibaba Tây Bắc TP HCM vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng là rất bất thường
Theo HoREA, Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP HCM - một công ty khởi nghiệp lại đăng ký vốn điều lệ tới 12.000 ... |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/