|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty chứng khoán vừa bị đưa vào diện kiểm soát làm ăn ra sao?

09:14 | 27/08/2019
Chia sẻ
Trong 6 tháng đầu năm 2019, hai mảng kinh doanh chính của Chứng khoán Globalmind Capital không mang lại doanh thu, trong khi hơn 81% tài sản đang nằm tại các khoản phải thu khác.

Thành viên HĐQT thoái vốn và từ chức ngay sau khi công ty bị đưa vào diện kiểm soát

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh Chứng khoán, ngày 19/8 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có quyết định đưa Công ty cổ phần Chứng khoán Globalmind Capital (GMC) vào tình trạng kiểm soát.

Thời hạn kiểm soát sẽ duy trì trong vòng một năm từ ngày 19/8/2019 đến 19/8/2020. Nguyên nhân đưa GMC vào diện kiểm soát không được nêu rõ, tuy nhiên công ty này đã bị kiểm tra tình hình hoạt động kinh doanh chứng khoán vào ngày 19/7.

Điều đó cho thấy bản thân công ty chứng khoán này đang có các vấn đề "trục trặc" trong hoạt động kinh doanh. Đáng chú ý, ngay sau khi Globalmind Capital bị đưa vào trình trạng kiểm soát, Thành viên HĐQT Huỳnh Đăng Khoa công bố đã chuyển nhượng thành công 4,13 triệu cổ phần của công ty.

Giao dịch được thực hiện vào ngày 22/8, chỉ ba ngày sau khi GMC bị đưa vào tình trạng kiểm soát. Người nhận chuyển nhượng cổ phiếu là ông Lê Minh Quang, tuy nhiên thông tin về cá nhân này không được tiết lộ.

Sau giao dịch, ông Khoa giảm tỉ lệ sở hữu từ 91,16% xuống còn 64,52%, tương ứng với tròn 10 triệu cổ phiếu còn nắm giữ.

Song song với việc thoái vốn, ông Khoa cũng có đơn xin thôi giữ chức vụ Thành viên HĐQT của GMC. Cùng với ông Khoa, một Thành viên HĐQT khác là bà Huỳnh Thị Thu Trang cũng muốn từ nhiệm chức vụ tại công ty. 

Việc miễn nhiệm hai Thành viên HĐQT sẽ được trình cổ đông thông qua trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường tổ chức vào ngày 25/9 tới đây.

Những khoản đầu tư "ngoài luồng"

Chứng khoán Globalmind Capital tiền thân là CTCP Chứng khoán Hoàng Gia được thành lập ngày 29/12/2006. Công ty mới được đổi tên thành CTCP Chứng khoán Globalmind Capital từ ngày 5/3 năm nay.

Tại thời điểm mới thành lập năm 2006, Globalmind Capital có vốn điều lệ ban đầu là 20 tỉ đồng. Tháng 3/2019, công ty chứng khoán này thực hiện tăng vốn điều lệ từ 55 tỉ đồng lên 155 tỉ đồng thông qua chào bán riêng lẻ 10 triệu cổ phiếu. 

Người đứng ra mua toàn bộ số cổ phiếu trên chính là Thành viên HĐQT Huỳnh Đăng Khoa. Sau đợt chuyển nhượng ngày 22/8, ông Khoa còn nắm giữ đúng 10 triệu cổ phần từ đợt phát hành thêm do chưa hết thời gian một năm hạn chế chuyển nhượng.

Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, Globalmind Capital cũng dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 150 tỉ đồng nửa trong năm nay bằng việt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. 

gmc

Nguồn: ST tổng hợp

Đối với số tiền 100 tỉ đồng huy động từ đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 3, công ty chứng khoán này cho biết đã sử dụng 38,5 tỉ đồng để đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở đối với hai căn hộ liền kề tại Chung cư Carillon (do TTC Land làm chủ đầu tư) cho ông Huỳnh Minh Hiếu (người có liên quan Thành viên HĐQT) với mục đích dùng làm trụ sở hoạt động. 

Đáng chú ý, Globalmind Capital đặt cọc 61 tỉ đồng còn lại cho 4 cá nhân để mua cổ phần tại các công ty thành viên của CTCP Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), mặc dù chưa được cấp phép hoạt động mảng tự doanh chứng khoán.

Trong khi đó, tại BCTC bán niên 2019 đã soát xét, tất các các khoản tiền đặt cọc trên đều được chuyển thành phải thu khác do các hợp đồng đều bị hủy bỏ. Số tiền thu hồi được cũng phát sinh sau thời điểm lập báo cáo soát xét.

gmc

Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2019.

Cụ thể, do chậm trễ trong quá trình bàn giao căn hộ, Globalmind Capital và ông Huỳnh Minh Hiếu đã thống nhất thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đến ngày 31/7, Globalmind Capital đã thu lại được 10,5 tỉ đồng.

Đối với khoản đặt cọc chuyển nhượng cổ phần tại các công ty thành viên của TTC Group, do Globalmind Capital chưa được phép thực hiện hoạt động đầu tư nên các thỏa thuận cũng bị hủy bỏ. Theo đó, công ty cho biết thu hồi 39,6 tỉ đồng từ hoạt động này.

Theo đó, mặc dù thông báo đã thu được 100 tỉ đồng từ đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 3, tuy nhiên, với những hoạt động trên khiến dòng tiền thuần của công ty vẫn âm gần 20 tỉ đồng; tiền và tương đương tiền tại ngày 30/6 chỉ còn 1,1 tỉ đồng, giảm 95% so với thời điểm đầu năm.

Hai mảng hoạt động chính không có doanh thu trong nửa đầu 2019

Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Globalmind Capital đã giảm 84,4% so với cùng kì năm trước, xuống còn 884 triệu đồng. Trong đó, hai mảng kinh doanh chính là tư vấn đầu tư chứng khoán và tư vấn tài chính không phát sinh doanh thu, trong khi cùng kì năm trước đạt lần lượt 3 tỉ đồng và 1,8 tỉ đồng.

Globalmind Capital cho biết, các khách hàng truyền thống của công ty chưa có nhu cầu về dịch vụ này trong năm 2019, bên cạnh đó công ty cũng đang trong giai đoạn tập trung xây dựng và hoàn thiện phần mềm giao dịch chứng khoán mới để phát triển hoạt động môi giới nên mảng này bị suy giảm.

gmc

Hai mảng kinh doanh chính không đem lại doanh thu cho Globalmind Capital trong nửa đầu 2019. (Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2019)

Trong khi đó, chi phí quản lí tăng gấp đôi lên 4,2 tỉ đồng, chủ yếu do tăng chi phí nhân viên dịch vụ mua ngoài. Công ty cho biết việc di dời văn phòng, tái cấu trúc và mua sắm nhiều thiết bị và hoàn thiện hệ thống giao dịch làm phát sinh nhiều chi phí liên quan.

Kết quả, GMC lỗ sau thuế gần 6 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, qua đó nâng mức lỗ lũy kế lên đến 24,7 tỉ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 113 tỉ đồng.

Cánh tay nối dài của TTC Group 

Ngoài khoản đặt cọc mua cổ phần tại các công ty thành viên của TTC Group, Globalmind Capital cũng cho thấy có những mối liên hệ khăng khít với TTC Group.

Cụ thể, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Globalmind Capital là ông Thái Văn Chuyện, nhân vật gắn liền với hàng loạt doanh nghiệp thành viên của TTC Group.

Thời điểm được bầu làm Chủ tịch của Globalmind Capital, ông Thái Văn Chuyện đang giữ chức Tổng giám đốc TTC Group. Trước đó, ông từng làm Chủ tịch CTCP Đường Biên Hòa, doanh nghiệp đã sáp nhập vào CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (Mã: SBT).

Ngoài ra, ông Chuyện cũng từng nắm giữ những vị trí then chốt tại hàng loạt doanh nghiệp, phần lớn cũng có liên quan với TTC Group như Chủ tịch CTCP Thương Tín Bảo Gia, Chủ tịch CTCP Đầu tư Xây dựng Hùng Anh, Chủ tịch CTCP Du lịch Bến Tre, Chủ tịch CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), Chủ tịch CTCP Bất Động Sản Sài Gòn Thương Tín - Tân Thắng, Chủ tịch CTCP Điện Gia Lai (GEC - Mã: GEG).

Ngoài ra, Tổng Giám đốc Tiền Vĩ Diệp của Globalmind Capital cũng từng là người của TTC Group. Cụ thể, ông Tiền Vĩ Diệp (sinh năm 1990), từng có thời gian làm Chuyên viên phân tích đầu tư tài chính của TTC Group, trước khi sang làm làm chuyên viên môi giới rồi lên chức Tổng giám đốc tại Globalmind Capital.

Trước đây, TTC Group cũng có một công ty thành viên mang tên tương tự với Global Capital là CTCP Globalmind Việt Nam, công ty chuyên quản lý vốn của TTC Group. Tuy nhiên, công ty này đã được sáp nhập vào một đơn vị thành viên khác của TTC Group là CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) kể từ năm 2017.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Sơn Tùng

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.