Công nghiệp hỗ trợ: Xuất khẩu hàng chục tỷ USD nhưng nhập tới 85% nguyên liệu
(Ảnh minh hoạ).
Tham luận tại hội thảo về tài chính diễn ra cuối tuần qua, TS. Nguyễn Thanh Bình - Khoa Quản trị kinh doanh (Học viện Ngân hàng) dẫn số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho biết, hiện nay nước ta có khoảng 30 ngành kinh tế - kỹ thuật cần đến công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Trong đó, nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm nhưng đang phải nhập khẩu tới 80 - 85% nguyên liệu. Tỷ lệ giá trị gia tăng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu sản phẩm.
Số liệu của Viện Chiến lược công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng cho biết, Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ có 200 doanh nghiệp đủ trình độ tham gia sản xuất cho nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực xe máy và điện tử. Công nghiệp ô tô, dệt may, cơ khí đặt mục tiêu nội địa hóa 60 - 70%, song đến nay vẫn chủ yếu phải nhập linh kiện, nguyên phụ liệu từ nước ngoài, giá trị gia tăng thấp.
Theo TS Nguyễn Thị Bình cho biết, Nhà nước đã có chủ trương bảo hộ cho các liên doanh sản xuất ô tô, các hãng cũng đưa ra cam kết ban đầu là sẽ nội địa hóa 40% sau khi đầu tư vào Việt Nam, nhưng trên thực tế tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 30%, khiến chi phí sản xuất ô tô tăng cao gần 20% so với các nước như Indonesia, Thái Lan.
TS Bình cho rằng, phần lớn các nhà sản xuất trong nước nhập linh kiện rồi tiến hành lắp ráp, khiến chi phí sản xuất tăng cao. Sự yếu kém của CNHT trong ngành sản xuất ô tô đang là trở lực lớn cho sự phát triển của ngành này. Ngay cả những liên doanh ô tô tên tuổi như Toyota, Ford... có hệ thống các nhà cung cấp linh kiện lớn cũng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.
Đối với lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp xe máy, Việt Nam hiện có trên 230 doanh nghiệp , trong đó có hơn 80 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành xe máy hiện đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, khoảng 70 - 75%. Tuy nhiên, đạt được tỷ lệ trên là do các doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi.
Đối với ngành công nghiệp dệt may, TS Bình cho biết, tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu ngành dệt may chỉ đạt 3 - 8%, còn chủ yếu là nhập nguyên liệu. Thậm chí nhập sản phẩm bán thành phẩm về gia công sau đó xuất khẩu để tận dụng nhân công giá rẻ và các ưu đãi chính sách thuế, đất đai của Nhà nước.
Còn với ngành điện tử, điện máy, hiện đã có hàng loạt hãng điện tử lớn đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng giá nhân công rẻ, lao động dồi dào, nhiều ưu đãi về chính sách tài chính, thuế, đất đai. Nhưng nhiều nhà đầu tư vào nước ta thường kéo theo các doanh nghiệp hỗ trợ từ nước ngoài, tỷ lệ doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi rất ít.
Đánh giá về ngành CNHT Việt Nam, phát biểu tại một hội thảo cách mới đây về công nghiệp hỗ trợ, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE) cho rằng: "Việt Nam có rất nhiều chính sách cho ngành công nghiệp hỗ trợ, đánh giá chính sách về lĩnh vực này, nhưng về mặt thực thi, chúng ta kém nhất thế giới".
"Các nước phát triển khi thực hiện CNHT đều chọn cái "đinh" nhất, đó là cải cách các trung tâm hỗ trợ cho các DN. Tại Nhật, họ lập hơn 600 trung tâm để trợ giúp các ngành nghề riêng. Trong khi đó, ở Việt Nam, các giải pháp đưa ra, cái nào cũng rất hay, nhưng không giải quyết được vấn đề. Nhìn lại Việt Nam, hiện các địa phương đều lập trung tâm hỗ trợ nhưng không đánh giá, kiểm tra khiến các hoạt động của các trung tâm này không hiệu quả. Có mô hình thành công nhưng không được nhân rộng, còn mô hình hạn chế thì không được cải thiện", GS Mại nhận xét.
TS Yoichi Sakurada, Viện Nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản) cũng cho rằng: Về phát triển CNHT, Việt Nam có đầy đủ văn bản pháp lý, cơ quan của Bộ, ngành và địa phương nhưng do thực thi hạn chế, nhân sự không có trình độ, đặc biệt chưa gắn với nhu cầu của DN, khiến ngành CNHT Việt Nam dù được đầu tư lớn, kỳ vọng nhiều vẫn dở dang.