|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Công bố giá xăng A95: Bộ Công Thương không thể đùn đẩy

06:53 | 16/01/2018
Chia sẻ
Liên quan tới quản lý và công bố giá xăng A95, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, Nghị định 83/2014 đã quy định Nhà nước công bố giá xăng nói chung, nhưng Bộ Công Thương lại đùn đẩy lên Thủ tướng.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Nghị định 83 quy định tất cả giá xăng, dầu nói chung nhà nước đều điều tiết giá. Nghị định không quy định Liên Bộ Công Thương - Tài chính chỉ công bố giá cơ sở với xăng A92 (RON 92), mà đề cập giá xăng dầu chung, gồm cả xăng A92 và A95. “Như vậy quy định đã có, cứ vậy làm, việc công bố cả giá xăng A95 vừa phù hợp quy định, vừa phù hợp thực tiễn, yêu cầu quản lý và công khai để người tiêu dùng giám sát. Công bố giá cơ sở xăng A95 là bắt buộc và đúng thẩm quyền của Bộ Công Thương chủ trì, không cần phải hỏi Thủ tướng. Thế nhưng Bộ Công Thương lại đùn đẩy trách nhiệm và đưa lên Thủ tướng”, ông Thỏa nói.

cong bo gia xang a95 bo cong thuong khong the dun day
Dù xăng E5 đã thay toàn bộ xăng A92, nhưng giá xăng A95 lại bị thả nổi gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ảnh: Như Ý

Lâu nay giá xăng A95 không được công bố giá cơ sở, theo ông Thỏa, đó là chưa đúng quy định. Theo vị chuyên gia này, xăng A92 vẫn phổ biến hơn, còn giá xăng A95 cũng chỉ cao hơn 3% so với xăng A92, nên giá cơ sở xăng A95 có thể không công bố cũng được (dù quy định phải công bố). Tuy nhiên, nay xăng A92 đã được thay thế bằng xăng E5, chỉ còn xăng khoáng A95 không còn cơ sở so sánh giá, việc công bố giá cơ sở với xăng A95 là bắt buộc, theo quy định. “Khi bỏ xăng A92, Bộ Công Thương lại chậm trễ công bố giá cơ sở xăng A95, dẫn tới giá loại xăng này tăng mất kiểm soát, đây là trách nhiệm Bộ Công Thương”, ông Thỏa nói.

Theo Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, xăng dầu là tên chung, bao gồm: Xăng động cơ, dầu dieselen, dầu hỏa, dầu madút, nhiên liệu bay; nhiên liệu sinh học và các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu. Như vậy, Nghị định 83 không có quy định nào nói Liên Bộ Công Thương - Tài chính chỉ được công bố giá cơ sở xăng A92, không phải công bố giá cơ sở xăng A95. Do đó, việc Bộ Công Thương trình Thủ tướng xin chỉ đạo để công bố giá cơ sở xăng A95 là không cần thiết, khi quy định đã rõ.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì họp với liên Bộ Công Thương - Tài chính về điều hành giá xăng dầu. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong quý I/2018, phải công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu phù hợp với thị trường và theo quy định của pháp luật.

Dù lộ trình sử dụng xăng E5 đã được Chính phủ công bố từ lâu, nhưng tới nay khi xăng E5 thay thế xăng A92, trong nước chỉ có 1 công ty duy nhất (Cty TNHH Tùng Lâm) cung cấp ethanol để pha chế xăng E5. Điều này dẫn tới vị thế độc quyền cho Cty TNHH Tùng Lâm, gây ra những lo ngại về giá cả và nguồn cung. Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, để xảy ra tình trạng độc quyền ethanol trong nước cũng là trách nhiệm của Bộ Công Thương. Vì theo ông Thỏa, lộ trình dùng xăng E5 đã có từ lâu và công bố rõ ràng, việc chuẩn bị về nguồn cung nguyên liệu đã được giao Bộ Công Thương thực hiện.

Về đề xuất giảm thuế cho ethanol nhập khẩu (hiện là 17%), ông Thỏa tỏ ra không đồng tình, vì hiện trong nước đã chuẩn bị các vùng nguyên liệu, đầu tư nhà máy chế biến, nên bước đầu cũng cần bảo hộ. Tuy nhiên, các nhà máy đang xây dựng cần sớm đưa vào hoạt động để tăng nguồn hàng, tạo cạnh tranh, và cần giải pháp để hạ giá thành ethanol, đặc biệt là kiểm soát giá khi chỉ có một đơn vị cung ứng. Còn tương lai, theo chuyên gia này, vẫn phải mở cửa để cạnh tranh sòng phẳng giữa nguyên liệu nội địa và nhập khẩu, không thể bảo hộ mãi được.

Lê Hữu Việt