|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Con người đang ăn hạt vi nhựa mỗi ngày

20:28 | 14/12/2019
Chia sẻ
Rác thải nhựa đổ ra các ao hồ, sông suối và đại dương sẽ phân hủy thành những hạt vi nhựa. Chất vi nhựa này được các loài thủy hải sản ăn vào, tích lại trong cơ thể. Con người ăn những loài hải sản này sẽ bị tích lũy vi nhựa trong cơ thể, ẩn chứa nguy cơ đối với sức khỏe.

Mỗi năm có thêm 10 triệu tấn rác thải nhựa ra biển

TS Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, khối lượng sản phẩm nhựa sản xuất hàng năm đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới, dự báo năm 2050, toàn cầu có thể sản xuất tới gần 1.124 triệu tấn nhựa.

Đáng chú ý, chỉ có khoảng 14% chất thải nhựa được thu hồi để tái chế hoặc tái sử dụng. Trong các nước châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa, Việt Nam đứng hàng thứ 4, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. 

Đây là một thách thức lớn cho môi trường, bởi với đặc tính rất bền trong môi trường tự nhiên nên phải mất một thời gian rất lâu, có thể lên tới hàng trăm năm rác thải nhựa này mới có thể phân hủy được.

“Chính do thời gian phân hủy quá chậm, thời gian sử dụng ngắn, khả năng lưu giữ các thành phần độc hại lâu nên rác thải nhựa có thể gây tác động xấu với môi trường và sức khỏe cộng đồng. 

Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đất, nước và đại dương. Nếu lạm dụng quá mức, việc thu gom, tái chế, tái sử dụng không tương thích, chất thải nhựa sẽ tràn lan trong môi trường gây nên “ô nhiễm trắng”, TS Đặng Kim Chi cảnh báo.

Con người đang ăn hạt vi nhựa mỗi ngày - Ảnh 1.

Vịnh Vân Phong, một địa điểm đẹp nổi tiếng của Việt Nam bị bao vây bởi rác thải nhựa. Ảnh: Việt Hùng.

Chuyên gia môi trường này cũng cho biết, một trong những vấn đề mà con người cần phải giải quyết sớm chính là lượng rác thải khổng lồ được thải ra đại dương mỗi năm, trong đó có tới hàng triệu tấn là rác thải nhựa. 

Theo ước tính, lượng rác thải nhựa trên biển vào khoảng 140 triệu tấn, mỗi năm có thêm 10 triệu tấn đổ ra đại dương.

Rác thải nhựa khi trôi ra biển có thể tồn tại hàng trăm năm. Do bị cọ xát, dưới tác động của nước biển, tia cực tím, rác nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và có thể bị các loài hải sản ăn vào để rồi lại có mặt trong chuỗi thức ăn của con người.

Đe dọa sức khỏe con người

Vi nhựa là những mẩu, mảnh nhựa nhỏ có kích thước khác nhau, gây ra ô nhiễm môi trường. Nhiều hải sản, loài thủy sinh khác nhầm lẫn những hạt vi nhựa là thực phẩm nên đã ăn vào. 

Vì đặc tính không tan và khó phân hủy, nên có hàng nghìn phân tử hạt vi nhựa bị tích lại trong cơ thể các loại hải sản. Khi con người ăn phải những loài này thì sẽ bị tích lũy vi nhựa trong cơ thể.

Sự hiện diện của vi nhựa trong đại dương đã được phát hiện vào đầu những năm 1970, nhưng mãi đến năm 2004, các nhà khoa học mới tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về sự phân bố và tác động của hạt vi nhựa.

Ô nhiễm hạt vi nhựa được gây ra chủ yếu do sự phân hủy rác thải nhựa và tình trạng này đang diễn ra trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu tìm thấy hạt vi nhựa ở mọi nơi: Trong không khí, đất, sông hồ và kể cả những vùng biển sâu nhất trên thế giới.

Nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 90% các loài chim được tìm thấy có các hạt vi nhựa trong dạ dày và chúng đã ăn những con hàu, tích tụ hạt vi nhựa trong cơ thể.

Không những vậy, vi nhựa còn tìm thấy trong nhiều thực phẩm khác như muối biển, nước mưa và mật ong hay những sản phẩm chăm sóc sức khỏe con người như sữa rửa mặt, mỹ phẩm, kem đánh răng...

Theo các nhà khoa học, cứ mỗi hạt vi nhựa vỡ ra sẽ sản sinh nhiều chất độc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. 

Khi đó, chúng ta có thể bị mất cân bằng hoóc-môn, mắc các căn bệnh về thần kinh, hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác.

Theo TS Dương Thanh Nghị, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, rác thải nhựa, trong đó có hạt vi nhựa, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch, cảnh quan môi trường và những tác động trong hệ sinh thái biển. 

Để giảm thiểu rác thải nhựa nói chung và hạt vi nhựa nói riêng, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa. Tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chủ chốt về lĩnh vực ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

Còn theo TS Đặng Kim Chi, để bảo vệ môi trường trước tác hại của chất thải nhựa, cần có những biện pháp quản lý tổng hợp, hướng dẫn và khuyến khích thay thế, giảm thiểu và sử dụng hợp lý vật liệu nhựa (đặc biệt là các loại túi nilon), áp dung các biện pháp công nghệ, kỹ thuật, đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng sản phảm nhựa, hướng tới một xã hội tiết kiệm nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trước thảm họa do chất thải nhựa khó phân hủy gây ra đối với toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những giải pháp tích cực, nhằm hạn chế phát sinh chất thải nhựa. 

Đó là áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, không khuyến khích sản xuất các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với các bao bì nhựa. 

Từng bước hạn chế tiến tới cấm sử dựng bao bì nhựa, thay thế bằng các loại bao bì thân thiện môi trường, có thể phân hủy nhanh trong điều kiện tự nhiên.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.

Theo đó, đến năm 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010, giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010, thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

Bên cạnh đó, theo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon sẽ tăng lên 50.000 đồng/kg. Đây được cho là giải pháp góp phần hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon không thân thiện môi trường.

Thu Trang