|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

\"Cơn khát” mặt bằng tổ chức hội chợ, triển lãm tại Hà Nội

19:46 | 27/10/2016
Chia sẻ
Sau khi Triển lãm Giảng Võ chính thức bị phá dỡ, Hà Nội đang thiếu mặt bằng tổ chức hội chợ, triển lãm quy mô lớn, chuyên nghiệp.

Vừa qua, Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) đã chính thức động thổ dự án Trung tâm hội chợ Triển lãm Quốc gia với quy mô lớn nhất châu Á tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia được lãnh đạo UBND TP. Hà Nội kỳ vọng có thể đáp ứng được nhu cầu cho cả các sự kiện trong nước lẫn quốc tế, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thủ đô, đất nước trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Lễ động thổ diễn ra chỉ 2 tháng sau khi Tổ hợp Trung tâm Thương mại, vui chơi, giải trí mới được khởi công tại đúng vị trí cũ của Triển lãm Giảng Võ cùng với những “tiếc nuối” của người Hà Nội sau khi công trình hơn 40 tuổi này bị phá bỏ. Được thành lập năm 1974 với nhiệm vụ tổ chức triển lãm thành tựu kinh tế - kỹ thuật của đất nước, các sự kiện văn hóa, xã hội của thủ đô Hà Nội và các Bộ, ngành Trung ương, Triển lãm Giảng Võ là điểm đến yêu thích của đông đảo người dân Hà Nội và các vùng lân cận trong mỗi dịp như thế.

con khat mat bang to chuc hoi cho trien lam tai ha noi

Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội tại địa chỉ 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm cũng là một trong những địa điểm quen thuộc với những doanh nghiệp đang tìm mặt bằng tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên nghiệp tại Hà Nội

Cùng với Triển lãm Giảng Võ, Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội tại địa chỉ 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm cũng là một trong những địa điểm quen thuộc với những doanh nghiệp đang tìm mặt bằng tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên nghiệp tại Hà Nội. Tuy nhiên, trước sự di dời của Triển lãm Giảng Võ thì hiện nay, Trung tâm Triển lãm Quốc tế tại các sự kiện lớn gần đây đang bị quá tải mà gần đây nhất là tại Triển lãm Vietnam Motors Show 2016.

Là triển lãm ôtô có quy mô lớn thu hút nhiều thương hiệu xe hơi nhập khẩu và các loại xe trong nước, nhưng không gian trưng bày tại triển lãm này lại quá nhỏ, các gian hàng thu hẹp gần như hết mức. Các doanh nghiệp tham gia trưng bày tại triển lãm cố tận dụng ngay cả những khoảng không gian chật hẹp nhất vì mục tiêu giới thiệu sản phẩm của công ty mình. Điều này khiến cho việc đi lại của khách tham quan gặp nhiều khó khăn.

Việc tìm kiếm mặt bằng cho các sự kiện tổ chức hội chợ, triển lãm tại Hà Nội vốn đã không có nhiều sự lựa chọn giờ đây lại càng trở nên khan hiếm khi các trung tâm triển lãm đang bị xuống cấp như I.C.E hay tạm ngưng hoạt động để di dời như Triển lãm Giảng Võ.

Do vậy, Hoàng Thành Thăng Long là nơi được các đơn vị tổ chức sự kiện, hội chợ tìm đến trong thời gian gần đây. Một loạt các hội chợ vừa diễn ra như: Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM), Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ 2016 và Hội sách Hà Nội 2016 vừa mới được tổ chức hồi đầu tháng 10. Mặc dù có vị trí trung tâm, diện tích mặt bằng rộng nhưng địa điểm này lại thiếu hạ tầng, thiết bị chuyện nghiệp cho các hội chợ quy mô lớn.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hội chợ triển lãm là kênh quan trọng trong xúc tiến thương mại, có vai trò dẫn dắt tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm. Do vậy, hoàn thiện hệ thống địa điểm tổ chức hội chợ triển lãm theo hướng chuyên nghiệp là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hội nhập.

Giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội chuyên tổ chức các sự kiện hội chợ, triển lãm từng chia sẻ tại một cuộc họp báo rằng Việt Nam đang thiếu nhiều khu trưng bày, hội chợ, triển lãm có quy mô lớn mang tầm quốc tế. “Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc hợp tác, giao thương giới thiệu sản phẩm của các thị trường trong nước cũng như nước ngoài”, vị Giám đốc này cho hay.

Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu diện tích và yếu kém về hạ tầng tổ chức các hội chợ, triển lãm quy mô lớn đã được phản ánh từ nhiều năm qua. Nhiều đơn vị tổ chức đã phải tìm đến mặt bằng của các nhà thi đấu, sân vận động, công viên..., nhưng do những mặt bằng này không phải chuyên dụng cho triển lãm, hội chợ nên công việc tổ chức cũng như sự tham gia của doanh nghiệp triển lãm gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện.

Nhưng vị Giám đốc trên cũng bày tỏ lo ngại, thay vì xây dựng tại Mễ Trì như dự tính ban đầu, nếu Trung tâm hội chợ Triển lãm quốc gia được xây dựng tại Đông Anh, Hà Nội - một vị trí khá xa trung tâm thành phố thì khách thăm quan liệu còn “mặn mà” với các hội chợ, triển lãm hay không?

Tuy nhiên, chủ đầu tư của dự án đánh giá, với vị trí cách trung tâm Hà Nội 15 km, phía Đông Nam giáp tuyến đường nối từ cầu Tứ Liên đi vành đai 3; phía tây bắc giáp tuyến đường quy hoạch dọc theo trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa và phía đông bắc giáp tuyến đường quốc lộ 5 kéo dài, dự án có vị trí đắc địa và kết nối giao thông thuận tiện, sẽ là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực bắc sông Hồng.

Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia mới có diện tích quy hoạch trên 90ha với các phân khu chức năng chính như khu triển lãm trong nhà và ngoài trời, trung tâm xúc tiến thương mại, khách sạn 5 sao 52 tầng, trung tâm thương mại, cùng với không gian cây xanh, mặt nước, công viên và đô thị…

Với kỳ vọng xây dựng một “Thành phố Triển lãm”, chủ đầu tư khẳng định Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia mới tại Đông Anh sẽ thu hút các hoạt động kết nối, giao lưu, hội chợ và trưng bày sau khi dự án này hoàn thành vào quý IV/2018.

Thu Trang