|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Cởi trói' để doanh nghiệp vượt khó

09:17 | 25/03/2020
Chia sẻ
Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng với các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh

205 điều kiện kinh doanh tập trung trong lĩnh vực điện, ôtô, xăng dầu, hóa chất, bia, thuốc lá, an toàn thực phẩm… vừa được Bộ Công Thương chính thức cắt giảm, đơn giản hóa từ ngày 22-3 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp (DN) và người dân.

Thông thoáng hơn rất nhiều

Trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô, Bộ Công Thương đã bãi bỏ một số điều kiện như yêu cầu người phụ trách kỹ thuật các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ôtô phải có trình độ đại học trở lên, thuộc ngành cơ khí, ôtô và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô tối thiểu 5 năm. 

Hoặc điều kiện có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cũng đã được cắt bỏ.

Bên cạnh đó, quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô cũng đã thuận lợi hơn cho DN khi các điều kiện về nhân lực, an toàn vệ sinh lao động hay các hồ sơ về bảo vệ môi trường đều đã được bãi bỏ và sửa đổi theo hướng thông thoáng hơn rất nhiều. 

Bộ Công Thương cũng bãi bỏ nhiều điều kiện cấp giấy phép tư vấn giám sát thi công công trình nhà máy thủy điện, công trình nhà máy nhiệt điện cũng như điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của bộ.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, cơ quan này đã rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đối với cơ sở sản xuất. Nếu như trước đây các cơ sở sản xuất phải đáp ứng các điều kiện về địa điểm, môi trường, thiết kế và bố trí nhà xưởng, hệ thống chiếu sáng thì nay đã được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, thuận lợi cho DN. 

Về điều kiện đối với người trực tiếp sản xuất thực phẩm, trước đây Bộ Công Thương quy định chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo chương trình do bộ quy định. Kể từ ngày 22-3, bộ đã bỏ quy định này, thay vào đó người trực tiếp sản xuất phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và chỉ cần chủ cơ sở xác nhận.

Với điều kiện cấp Giấy phép hoạt động phát điện, ngành công thương bãi bỏ 2 quy định về các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật cũng như quy định liên quan hệ thống phòng cháy và chữa cháy của nhà máy điện được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận các điều kiện kinh doanh được cắt bỏ, đơn giản hóa theo hướng thông thoáng, đỡ phức tạp và bớt rườm rà cho DN, nhờ đó mà thời gian làm thủ tục nhanh hơn, tiết giảm được chi phí, thời gian, tăng cơ hội cho cộng đồng DN.

Cởi trói để doanh nghiệp vượt khó - Ảnh 1.

Lắp ráp, kinh doanh ôtô là lĩnh vực chịu ảnh hưởng khá mạnh từ dịch Covid-19 thời gian qua. Ảnh: TẤN THẠNH

Tạo nền tảng phục hồi sản xuất - kinh doanh

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng các giải pháp về cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo sự thông thoáng trong sản xuất - kinh doanh là việc cần làm ngay để tiếp sức cho DN trong "cơn bão" Covid-19.

Theo phân tích của ông Doanh, "trong nguy có cơ" nên không ít DN sẽ tìm kiếm được cơ hội, đơn hàng trong đợt dịch bệnh, do đó cơ quan quản lý cần giảm bớt điều kiện, thủ tục cần nhanh gọn, thay vì phải chờ đợi hằng tuần, hằng tháng như trước đây. Việc chủ động cắt giảm điều kiện kinh doanh trong thời điểm này như Bộ Công Thương là rất cần thiết, kịp thời.

Theo TS Lê Đăng Doanh, thể chế phải thích ứng với những biến động do dịch Covid-19 gây ra, trong thời điểm khó khăn này, cần hỗ trợ DN tối đa để biến thách thức thành cơ hội. Bản thân DN đang gồng mình để vượt khó thì cơ quan quản lý cần cải cách thực chất, mạnh dạn cắt bỏ các rào cản để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.

Đánh giá việc tháo gỡ các rào cản trong sản xuất - kinh doanh cho DN là rất quan trọng trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đề nghị các bộ, ngành cần sớm nhận diện các vướng mắc, cắt giảm điều kiện kinh doanh phải đi vào thực chất. 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương nên theo sát tiến trình thực thi để bảo đảm các điều kiện kinh doanh được cắt bỏ mang lại hiệu quả thiết thực cho DN.

Bên cạnh việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương còn tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống khi dịch Covid-19 đang tác động đến nhiều lĩnh vực.

"Tiếp tục tạo thuận lợi hóa thủ tục hành chính trong hoạt động xuất khẩu thông qua hoạt động khai C/O (xuất xứ) điện tử; xây dựng kế hoạch hỗ trợ các DN địa phương trong hoạt động khởi tạo mã truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (QR Code) trên hệ thống truy xuất nguồn gốc" - đại diện Bộ Công Thương cho hay. 

Minh Chiến