Cơ sở sản xuất tôm giống: Đủ lượng, thiếu chất
Cơ sở sản xuất tôm giống: Đủ lượng, thiếu chất. Ảnh minh họa (Nguồn: Tintuc24h) |
Hạn chế của các cơ sở sản xuất tôm giống
Tất cả các cơ sở đều có hai đặc điểm hạn chế chung, ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty N.G Vietnam cho biết trong tọa đàm trực tuyến "Những vấn đề đặt ra trong sản xuất và cung ứng tôm giống diễn ra vào sáng nay (9/5).
"Thứ nhất, nguồn tôm bố mẹ hầu hết được lấy từ hai nguồn. Một là khai thác, đánh bắt ngoài biển, đối với Việt Nam chúng ta là đánh bắt tại Vịnh Thái Lan. Hai là, nguồn tôm bố mẹ, như tôm thẻ chân trắng, được nhập khẩu 100%. Có một số đối tượng trong nước đã tiến hành cung cấp ra tôm bố mẹ đã được gia hóa. Tuy nhiên, nguồn tôm có uy cũng đều là tôm nhập từ nước ngoài về.
"Đặc điểm hạn chế thứ hai là vấn đề tổ chức sản xuất. Tất cả cở sản xuất tôm giống hiện nay đều có hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, chưa đồng bộ. Hạ tầng phần mềm, tức là khả năng tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất con giống cũng hạn chế, dẫn đến việc chúng ta chưa chủ động sản xuất ra được tôm giống chất lượng cao" ông Xuân nói.
Ông Xuân nhận định, việc chỉ đủ về số lượng cơ sở sản xuất mà thiếu về mặt chất lượng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành tôm Việt Nam.
Đề cập đến giải pháp cho những rào cản trên, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết cần phải kiểm soát tốt đối với tôm bố mẹ nhập về nhằm đảm bảo yều cầu về chất lượng. Mặt khác, Nhà nước cần nghiêm túc đầu tư nghiên cứu sản xuất tôm bố mẹ để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào công tác này.
Yều cầu đối với tôm giống và cơ sở sản xuất tôm giống
Theo ông Xuân, một cơ sở sản xuất tôm giống tốt phải đáp ứng đủ 5 yếu tố.
Trong đó, nguồn tôm bố mẹ tốt, đảm bảo khả năng sản xuất tốt. Trại giống đảm bảo điều kiện an toàn sinh học; nguồn nước trước, trong và sau quá trình sản xuất được xử lý nhiều cấp, đảm bảo an toàn môi trường. Ngoài ra, cơ sở sản xuất sử dụng thức ăn chất lượng cao, có sử dụng vi sinh, enzym và không sử dụng chất kháng sinh.
Ngoài ra theo ông Luân, các cơ sở sản xuất tôm giống phải đảm bảo hồ sơ để truy xuất nguồn gốc tôm bố mẹ, như sản xuất ngày nào, sản xuất đi đâu, sản xuất bán cho ai,...
Vì chất lượng tôm bố mẹ quyết định chất lượng tôm giống nên để chọn được tôm bố mẹ đúng quy cách, người dân và doanh nghiệp cần phải tuân thủ hai chỉ tiêu cơ bản.
Thứ nhất, tôm bố mẹ phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tôm bố mẹ phải chứng minh được tôm giống sản xuất từ đó ra phải có tốc độ tăng trưởng nhanh và có khả năng hạn chế được bệnh, ông Xuân cho biết.
Ngoài ra, bản thân tôm bố mẹ không sinh bệnh và phải được kiểm tra về các bệnh như, đốm trắng, đầu vàng,...
Ông Xuân nhấn mạnh vai trò của quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ người dân mua được giống tôm chất lượng, không bệnh mà không bị đội giá. Ông cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải tăng cường kiểm tra, phân loại các cơ sở sản xuất. Theo đó, người dân mới có thể phân biệt được cơ sở sản xuất giống tốt.
Mặt khác, người dân cần liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung cấp giống, hoặc thành lập các hợp tác xã để hạn chế các khâu trung gian, giúp hạ giá nguyên liệu đầu vào, ông Luân bổ sung.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá thành xét nghiệm giống tôm cao, nhiều nơi quá trình xét nghiêm chưa chuẩn hóa, dẫn đến kết quả không chính xác đôi khi gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất giống.
Phản hồi ý kiến này, ông Xuân cho biết chi phí xét nghiệm do Bộ Tài chính quy định và tùy thuộc vào số lượng mẫu đem đi xét nghiệm.
Để giảm chi phí này, các công ty sản xuất giống nên chủ động xét nghiệm trước khi đưa đến tay người dân. Đồng thời người dân nên sử dụng mô hình hợp tác xã để mua được tôm giống có chất lượng và số lượng lớn.