Cổ phiếu 'vua' dẫn dắt trở lại, VN-Index đứng trước cơ hội vượt 1.200 điểm năm Quý Mão
Mức điểm chốt phiên 5/2 của VN-Index là cao nhất kể từ ngày 25/9/2023. Sau nhịp điều chỉnh sâu và đánh mất mốc 1.200 điểm tuần cuối tháng 9/2023, chỉ số thường xuyên giao dịch dưới ngưỡng này kể từ đó.
Kể từ đầu năm 2024, nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN-Index bứt khỏi vùng xình xình 1.090 – 1.130 điểm thiết lập trong tháng 11 – 12/2023. Sau đó thị trường tiến lên vùng sideway mới (1.160 – 1.180 điểm). Hai lần chỉ số không thể chinh phục ngưỡng cản 1.180 điểm nhờ thiếu động lực dẫn dắt rõ ràng.
Khi thị trường chỉ còn 3 phiên giao dịch nữa là khép lại năm Âm lịch 2023, VN-Index bất ngờ tăng mạnh và vượt qua ngưỡng cản trên một cách thuyết phục. Theo dõi diễn biến trong phiên 5/2, chỉ số rung lắc quanh mốc tham chiếu đầu phiên và số điểm liên tục tăng lên, có phần mạnh hơn trong phiên chiều. Có thời điểm VN-Index tiến lên vùng 1.190 điểm. Nếu trạng thái giao dịch tích cực tiếp diễn, không ngoại trừ khả năng chứng khoán Việt Nam đóng cửa năm Quý Mão trên mốc 1.200 điểm.
Khả năng trên phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VN30, ngân hàng, bất động sản. Theo dõi trong phiên đầu tuần (5/2). Trong 10 mã tác động tích cực nhất đến đà tăng của VN-Index có đến 8 đại diện từ nhóm cổ phiếu “vua”, hai mã không cùng ngành là GVR và FPT. Chiều ngược lại, sắc đỏ của mã chứng khoán vốn hóa lớn nhất thị trường VCB đã kìm hãm đà tăng của VN-Index.
Trong phiên hôm nay, dòng tiền thị trường tập trung ở các cổ phiếu ngân hàng như MBB, ACB, CTG khi cả ba mã này đều có tỷ lệ tăng giá trên 5%. Cổ phiếu CTG của VietinBank đóng cửa tại mức giá trần (33.900 đồng/cp). Khối lượng khớp lệnh và giá đóng cửa của mã ngân hàng này cao nhất trong hai năm gần đây.
Cổ phiếu ACB thiết lập đỉnh lịch sử mới tại mức 27.800 đồng/cp, tăng 5,9% so với phiên cuối tuần trước. Sau phiên tăng gần 6%, thị giá cổ phiếu MBB còn cách đỉnh lịch sử thiết lập đầu năm 2024 khoảng 7%.
Ngoài ba mã tâm điểm trên, những cổ phiếu ngân hàng khác ghi nhận tỷ lệ tăng giá trong khoảng 2 – 5% như VIB, TCB, BID, TPB, OCB, SGB, MSB, SHB, STB, LPB, VPB. Sau phiên tăng giá 2,2%, cổ phiếu LPB của LPB thiết lập đỉnh lịch sử mới tại mức 18.200 đồng/cp. Đây không phải trường hợp hiếm gặp.
Mặc dù VN-Index còn cách mức điểm đỉnh cao hơn 300 điểm nhưng nhiều mã ngân hàng lần lượt vượt đỉnh lịch sử ghi nhận đầu năm 2022, có thể kể đến một số cái tên như VCB, ACB, BID, LPB. Ngoài ra còn có nhiều cái tên đứng trước cơ hội bứt phá vùng đỉnh.
Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng, theo quan sát, rổ VN30 giữ vai trò lực đỡ phiên hôm nay khi tăng điểm 1,92%, cao hơn mức 1,15% của VN-Index. Trong phiên hôm nay rổ VN30 có 21 mã tăng giá, 6 mã giảm giá và 3 mã đứng giá tham chiếu. Cổ phiếu ngân hàng là điểm sáng của rổ chỉ số.
Nhờ hiệu ứng từ nhóm ngân hàng, thanh khoản rổ VN30 khởi sắc hôm nay, giá trị giao dịch đạt gần 8.100 tỷ đồng. Quy mô này vượt gần 2.000 tỷ đồng so với phiên trước đó và cao hơn 30% mức bình quân 1 tháng.
Về thị trường chung, tổng giá trị mua bán trên HOSE hôm nay đạt gần 19.200 tỷ đồng, thấp hơn phiên cuối tuần trước (20.028 tỷ đồng) nhưng vẫn cao hơn gần 16% giá trị trung bình một tháng trở lại đây.