|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu VietinBank nổi sóng

11:54 | 14/10/2020
Chia sẻ
Giá và thanh khoản của cổ phiếu CTG đạt mức cao nhất hơn hai năm sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 121/2020, tạo cơ sở pháp lí giúp VietinBank có thể tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Cổ phiếu VietinBank bùng nổ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VietinBank).

Giá và thanh khoản lên đỉnh hơn 2 năm

Sau thông tin về việc tăng vốn điều lệ, cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã có hai ngày giao dịch thăng hoa và trở thành tâm điểm của cả thị trường.

Đóng cửa ngày 13/10, thị giá CTG dừng ở 30.550 đồng/cp, tăng gần 10,5% so với mức chốt tuần trước và đạt mốc cao nhất kể từ tháng 5/2018. Trong hai ngày qua, CTG là mã tích cực nhất nhóm VN30  khi kéo chỉ số VN – Index tăng tổng cộng 3,15 điểm.

Cùng với sự bùng nổ về giá, thanh khoản CTG cũng liên tục ở mức cao. Theo đó, chỉ trong hai ngày đã có gần 33 triệu cổ phiếu VietinBank được trao tay giữa các nhà đầu tư với trị giao dịch đạt hơn 968 tỉ đồng. Riêng trong ngày 12/10, khối lượng giao dịch đạt hơn 16,8 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ tháng 3/2018.

Cổ phiếu VietinBank bùng nổ - Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu CTG trong kể từ năm 2010 đến nay. (Nguồn: VnDirect)

Theo SSI Research, diễn biến tại cổ phiếu CTG tiếp tục phản ánh kì vọng của nhà đầu tư về khả năng tăng vốn điều lệ, trong bối cảnh Nghị định 121/2020 điều kiện pháp lí giúp VietinBank có thể thực hiện kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu

Trước đó, ngày 9/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015 ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lí, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Cụ thể, Nghị định 121/2020/NĐ-CP mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trường hợp được bổ sung vốn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Với việc sửa đổi nghị định trên, Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lí, giúp các ngân hàng như VietinBank, Vietcombank và BIDV có thể tăng vốn điều lệ từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trước đó, VietinBank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế và trích lập các quĩ năm 2017-2018. Năm 2020, ngân hàng tiếp tục đề nghị để lại toàn bộ lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có đáp ứng yêu cầu phát triển. Phương án cụ thể về cổ tức thực hiện theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Nút thắt tăng vốn đã được gỡ

Vốn điều lệ của VietinBank đã không thay đổi kể từ năm 2013 tới nay. Ban lãnh đạo ngân hàng từng chia sẻ hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của VietinBank vẫn nằm ở mức qui định của NHNN tuy nhiên ngân hàng vẫn đứng trước thách thức lớn để vừa có thể bơm vốn ra nền kinh tế và bảo đảm hệ số CAR theo chuẩn mực Basel II.

Chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020, ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT VietinBank nhấn mạnh, áp lực tăng vốn tự có, đặc biệt là vốn điều lệ của VietinBank trong giai đoạn 2016-2020 là rất lớn.

"Là một trong những ngân hàng thương mại có vốn nhà nước lớn nhất, giữ vị tạo lập thị trường. Song để giữ được vị thế này, VietinBank phải khẩn trương tăng vốn điều lệ. 

Nếu không tăng được vốn điều lệ, VietinBank sẽ phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tác động trực tiếp đến khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành và theo đó tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế", ông Huân cho biết.

Vấn đề tăng vốn của VietinBank khó khăn và phức tạp hơn so với hai "ông lớn" khác là Vietcombank và BIDV. Ngân hàng không thể thực hiện tăng vốn thông qua giải pháp phát hành thêm cho nhà đầu tư do bị ràng buộc bởi các giới hạn tỉ lệ sở hữu Nhà nước tại các NHTM cổ phần có vốn nhà nước không thấp hơn 65% và tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30%.

Đồng thời, phương án phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 cũng không thể tiếp tục thực hiện do đã phát hành tới hạn mức trái phiếu để tăng vốn cấp 2.

Do vậy, giải pháp khả thi duy nhất cho VietinBank hiện nay là sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quĩ để tăng vốn điều lệ thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phần.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ cho biết việc tăng vốn điều lệ là một nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình phát triển của VietinBank. Ngân hàng đã xây dựng phương án tăng vốn và đến thời điểm hiện tại đã được Chính phủ, NHNN, Bộ Tài Chính chấp thuận chủ trương và đang hoàn tất các thủ tục pháp lí.

VietinBank dự kiến thực hiện kế hoạch tăng vốn trước hết là tăng vốn tự có bằng nguồn lợi nhuận để lại năm 2017 - 2018 thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, ước tính mức tăng vốn khoảng 7.000 - 8.000 tỉ đồng.

Quốc Thụy