|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu tâm điểm 6/1: MBB, STB, DPM

18:05 | 05/01/2023
Chia sẻ
Một số cổ phiếu đáng chú ý được các công ty chứng khoán đưa ra gồm: MBB (MBBank), STB (Sacombank) và DPM (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP).

DPM - Ưu tiên nắm giữ  

CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Phân tích:

Chỉ số danh mục đầu tư của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YS30) đóng cửa phiên 4/1 giảm nhẹ và thay đổi không đáng kể so với phiên trước đó với khối lượng giao dịch giảm nhẹ và vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên.

Đồng thời, đồ thị giá của chỉ số này vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên đồ thị giá có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh đường trung bình 20 và 50 phiên với khối lượng giao dịch ở mức thấp. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của chỉ số YS30 vẫn duy trì ở mức trung tính.

Độ rộng danh mục chưa có chuyển biến tích cực thêm. DPM là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong phiên 4/1 và tiến sát mức kháng cự 45,3, điểm tích cực là đồ thị giá của DPM có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy đồ thị giá có thể sẽ sớm vượt kháng cự ngắn hạn cho nên các nhà đầu tư có thể cân nhắc tiếp tục ưu tiên nắm giữ trong ngắn hạn.

Đồ thị kỹ thuật cổ phiếu DPM. (Nguồn: TradingView). 

MBB - Tăng trưởng cho vay năm 2023 được dự báo đạt mức 19%

 (Ảnh: Thu Thảo).

CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Phân tích:

Chứng khoán Yuanta Việt Nam nâng dự báo tăng trưởng cho vay năm 2023 thêm 2 điểm phần trăm, đạt 19% do nhóm phân tích cho rằng ngân hàng nhà nước sẽ cấp hạn mức tín dụng cho MBB cao hơn mức trung bình ngành nhờ có sức khỏe tài chính vững chắc và việc tham gia tái cấu trúc Ocean Bank.

Do đó, tăng trưởng cho vay được dự báo sẽ đạt mức 19% so với cùng kỳ cho năm 2023. Tính đến cuối quý III/2022, tổng tăng trưởng tín dụng của MBB là 17%.

Nguồn: Dữ liệu doanh nghiệp, Yuanta Việt Nam.  

STB - Tích cực xử lý tồn đọng giúp NIM bật tăng 

CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research)

Phân tích:

Chứng khoán SSI nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu STB lên mua, với giá mục tiêu 1 năm mới là 29.500 đồng/cổ phiếu (tương ứng với tiềm năng tăng giá là 25%).

Điều này nhằm phản ánh sự cải thiện về chất lượng tài sản nhờ việc trích lập dự phòng đầy đủ đối với các khoản nợ xấu (đưa NIM tăng gấp đôi trong quý III/2022 lên 4,43%), cũng như việc giải quyết nợ xấu và tài sản có vấn đề một cách tích cực. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể 37 điểm cơ bản xuống 0,9% trong quý III/2022, đây là mức thấp nhất trong những năm gần đây.

Mặt khác, một trong những điểm khác biệt chính giữa STB và các ngân hàng thương mại khác là STB không có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp kể tại thời điểm quý III/2022 và dư nợ cho vay chủ đầu tư bất động sản ở mức khá thấp (chỉ 2,1% tổng dư nợ cho vay).

Nhóm phân tích nhận thấy STB là một trường hợp đặc biệt trong ngành ngân hàng trong những năm sắp tới khi đây là một trong những ngân hàng cuối cùng đang phải xử lý nợ xấu còn lại của chu kỳ tín dụng trước.

"Trong những năm qua, STB đã nâng cao chất lượng tài sản một cách ấn tượng và không cho vay trái phiếu doanh nghiệp cũng như chỉ duy trì dư nợ cho vay bất động sản ở mức thấp. Nếu ngân hàng có thể duy trì hiệu quả hoạt động tốt từ quý III/2022 trở đi, STB có thể sớm gia nhập câu lạc bộ các ngân hàng thương mại top 1, với NIM ấn tượng và bảng cân đối kế toán vững chắc", báo cáo của SSI Research cho hay.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. 

Thu Thảo