Cổ phiếu tâm điểm 22/9: FCN, NTP, IMP
FCN - Kỳ vọng tăng giá
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS)
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Đồ thị tuần ghi nhận tín hiệu bứt phá SMA 20 - tín hiệu tin cậy thường kích hoạt các nhịp tăng ngăn trung hạn của FCN.
- Đà tăng của phiên 21/9 đã phủ nhận áp lực bán xuất hiện trong 2 phiên liền trước. Mẫu hình nến dạng Bullish Engulfing kèm thanh khoản cao cho thấy lực cầu đã quay lại và dẫn dắt chiều giá lên.
- Vùng đệm tạo bởi cặp EMA 20 & 60 phiên đã tái kiểm định thành công với vai trò hỗ trợ cho các biến động ngắn hạn của cổ phiếu.
- RSI tiệm cận ngưỡng cản 60 nhưng MFI đã đi sâu vào vùng quá mua. Điều này để ngỏ khả năng dòng tiền có thể sẽ kích hoạt giai đoạn “hưng phấn” hơn của xung lực giá.
- Mục tiêu gần cho FCN được xác định tại mốc giá 20.000 đồng, ngưỡng kháng cự tạo bởi mốc Fibonacci 38,2% hồi quy trên xu hướng trung hạn.
Phân tích:
Trong biến động ngắn hạn, FCN đang là một trong số ít những cổ phiếu có ghi nhận sức mạnh giá tương quan vượt trội so với biến động chung của thị trường. Đáng chú ý là kể từ đầu tháng 9/2022 đến nay, trong bối cảnh thị trường chung phát đi tín hiệu suy yếu thì đồ thị cổ phiếu lại cho tín hiệu sức mạnh giá tăng cường trên xu hướng ngắn hạn.
Hiện tại, đồ thị FCN đã quay lại vùng giá cao của giai đoạn tháng 8/2022 - tương ứng việc tiệm cận khu vực kháng cự 17.000 đồng. Sự hiện diện liên tục của các nến bullish engulfing kèm khối lượng giao dịch cao đang để ngỏ khả năng của phiên bứt phá kháng cự. Theo đó, FPTS khuyến nghị mua cổ phiếu FCN cho kỳ vọng tiếp diễn của xu hướng ngắn hạn.
NTP - Hưởng lợi theo xu hướng phát triển hạ tầng nước
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Phân tích:
Chứng khoán Yuanta Việt Nam công bố báo cáo nhận định cho CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (Mã: NTP) với khuyến nghị không đánh giá, nhóm phân tích cho rằng cổ phiếu NTP đang ở mức thấp hơn mức trung bình, còn nhiều dư địa tăng trưởng và nhà đầu tư có thể xem xét tích lũy cho mục tiêu trung hạn, dựa trên một số luận điểm sau:
(1) Kết quả kinh doanh quý II/2022 tăng trưởng tích cực nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm và doanh thu tăng trưởng trở lại. Xu hướng giá hạt nhựa giảm kỳ vọng sẽ tiếp tục nhờ Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu chống bán phá giá mặt hàng này. Kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2022 tiếp tục kỳ vọng khả quan.
(2) NTP đang hưởng lợi theo sự mở rộng của ngành cấp thoát nước nhờ lợi thế độc quyền mảng ống nhựa HDPE, vị thế dẫn đầu mảng ống nhựa cho hạ tầng nước và hệ thống phân phối số 1 trong ngành. Nhà máy mới vận hành từ 2020 chuyên về ống nhựa HDPE tạo động lực tăng trưởng. Công suất kế hoạch tăng thêm 30% đến 2024.
(3) Tiềm năng thoái vốn của SCIC. Cổ tức cao đều đặn.
(4) P/E thấp hơn mức trung bình ngành, trung bình lịch sử và còn nhiều dư địa tăng trưởng..
IMP nhà máy IMP4 sẽ đóng góp đáng kể vào doanh thu từ năm 2023
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Phân tích:
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của IMP lần lượt đạt 954 tỷ đồng (tăng 20,2% so với cùng kỳ) và 171,4 tỷ đồng (tăng 18,3%), tương ứng hoàn thành 65,8% và 62,3% kế hoạch năm. Kênh bán hàng nhà thuốc (OTC) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt 41,7% so với cùng kỳ, còn kênh bệnh viện (ETC) giảm 2,1% nhưng đã cho thấy tín hiệu phục hồi.
Nhà máy IMP4 chính thức được Bộ Y tế công bố đạt tiêu chuẩn EU – GMP vào tháng 9/2022. Đây là nhà máy có với tổng vốn đầu tư lớn nhất của IMP từ trước tới nay, mang giá trị 470 tỷ đồng sản xuất thuốc Non-betalactam mục đích giúp IMP gia nhập sâu hơn vào kênh ETC.
Về quả trúng thầu 8 tháng đầu năm 2022, IMP giành được các gói thầu thuốc trị giá 626 tỷ đồng (trong đó 74,5% là thuốc nhóm 2), tuy nhiên thấp hơn 50% so với mức 1.266 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước. VDSC cho rằng việc các bệnh viện đang chậm trễ trong quá trình lên kế hoạch đấu thầu tập trung gây nên sự sụt giảm mạnh về tổng giá trị của thị trường ETC và các gói thầu của IMP nói riêng.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.