|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 16/21 mã tăng giá, thanh khoản VCB và MBB gây chú ý

16:30 | 15/11/2020
Chia sẻ
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, SHB tiếp tục là mã có mức tăng giá mạnh nhất ngành ngân hàng. Trong khi, VCB và MBB gây chú ý với khối lượng giao dịch gấp hơn 2 lần tuần trước.
0_uirh.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietcombank)

16/21 mã ngân hàng tăng giá

Tiếp diễn xu hướng trước đó, số cổ phiếu ngân hàng tăng giá vẫn chiếm áp đảo trong tuần qua (9/11 - 13/11) với 16/21 mã niêm yết và giao dịch trên UPCoM. 

Tính chung trong 5 ngày giao dịch, SHB tiếp tục là cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành (+7,5%). Đây là tuần thứ hai liên tiếp SHB dẫn đầu về mức tăng giá, trước đó mã này đã tăng 4,5% trong tuần 2/11 - 6/11.

Ngoài SHB, một loạt mã ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng giá tốt như MBB (+7,2%), TCB (+6,5%), CTG và ACB (+5,6%), VPB (+4,3%), STB (+4,1%),...

Ngược lại, chỉ có 5 mã ngân hàng giảm giá trong tuần với NVB và NAB giảm sâu nhất (-3,4%). 

Xu hướng tăng giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng được nối dài trong bối cảnh thị trường chung tiếp tục duy trì được đà hưng phấn.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 28 điểm (+2,98%), lên 966,29 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 29,4% lên 39.299 tỉ đồng, khối lượng tăng 31,7% lên 2.027 triệu cổ phiếu.

HNX-Index tăng 5,43 điểm (+3,9%), lên 144,74 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 73,5% lên 4.642 tỉ đồng, khối lượng tăng 65,9% lên 329 triệu cổ phiếu.

125073363_2825644541089576_3609369152573701296_n.png

Biến động giá 21 mã ngân hàng trong tuần 9/11 - 13/11.

Vốn hóa toàn ngành tăng gần 37.900 tỉ đồng

Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua, giá trị vốn hóa của 21 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM dừng ở xấp xỉ 1,067 triệu tỉ đồng, tăng gần 37.900 tỉ so với mức chốt tuần trước, tương ứng tăng 3,7%. 

Đóng góp chính cho sự gia tăng vốn hóa của ngành ngân hàng trong tuần đến từ ba "ông lớn" Vietcombank, BIDV và VietinBank. Trong đó, vốn hóa Vietcombank tăng hơn 7.000 tỉ đồng lên hơn 322.301 tỉ đồng; vốn hóa VietinBank tăng hơn 6.300 tỉ đồng, đạt 118.963 tỉ đồng; vốn hóa BIDV tăng 5.000 tỉ đồng, lên 162.087 tỉ đồng;...

Bên khối ngân hàng TMCP tư nhân, Techcombank ghi nhận vốn hóa tăng gần 5.000 tỉ đồng, trong khi MB tăng hơn 3.600 tỉ đồng và ACB tăng hơn 3.000 tỉ đồng.

125144775_1726610317506598_3929616446376620721_n.png

Vốn hóa 21 ngân hàng chốt ngày 13/11. (Nguồn: QT tổng hợp)

Hơn 88 triệu cp TCB được giao dịch trong tuần

Tuần qua có tổng cộng hơn 487,5 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 10.177 tỉ đồng; tăng 29,2% về khối lượng và tăng 28,5% về giá trị so với tuần trước.

Trong tuần, TCB tiếp tục sở hữu thanh khoản cao nhất ngành với khối lượng giao dịch đạt hơn 88 triệu đơn vị. Đây là tuần thứ tư liên tiếp TCB dẫn đầu thanh khoản ngành ngân hàng.

MBB, ACB, STB, SHB và LPB đứng phía sau với mức thanh khoản dao động từ 45 đến 50 triệu đơn vị.

Mặt khác, TCB cũng sở hữu giá trị giao dịch cao nhất ngành với hơn 1.967 tỉ đồng. Cùng với TCB, giá trị giao dịch của CTG và ACB cũng đạt hơn 1.200 tỉ đồng trong tuần qua

Tính từ đầu tháng 10 đến nay, đã có tổng cộng gần 751 triệu cổ phiếu TCB được trao tay giữa các nhà đầu tư với giá trị giao dịch đạt gần 17.100 tỉ đồng (tương đương gần 23,5 triệu cp/ngày). Đỉnh điểm, trong ngày 14/10, gần 75 triệu cổ phiếu TCB được giao dịch với giá trị đạt gần 1.704 tỉ đồng, mức cao nhất kể từ khi lên niêm yết tại HOSE.

125346308_366479467952196_1120484190821560065_n (1).png

Khối lượng giao dịch 21 mã ngân hàng trong tuần giao dịch 9/11 - 13/11. (Nguồn: QT tổng hợp)

Thanh khoản SHB, VCB và MBB tăng mạnh

Tuần qua ghi nhận sự gia tăng thanh khoản của 16/21 mã ngân hàng. Trong đó, khối lượng giao dịch của nhiều mã tăng rất mạnh so với tuần trước như SHB (gấp 3,8 lần), VBB (gấp 3,2 lần), EIB (gấp 2,7 lần), VCB (gấp 2,2 lần) và MBB (gấp 2,1 lần).

Ngoài ra, LPB và VIB cũng đã bắt đầu được giao dịch trên HOSE từ ngày 9/11 và 10/11.

Ngược lại, chỉ 5 mã ngân hàng có khối lượng giao dịch giảm. Trong đó, thanh khoản HDB chỉ đạt gần 14,8 triệu đơn vị, giảm 41,8 so với tuần trước. 

Cùng với HDB thì KLB, TCB, SGB và BVB là bốn mã ngân hàng có khối lượng giao dịch giảm trong tuần.

125170321_2453513141621944_2148002717767867206_n.png

Thay đổi khối lượng giao dịch so với tuần trước. (Nguồn: QT tổng hợp).

Hơn 103 triệu cp KLB được giao giao dịch thỏa thuận

Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 408,5 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 8.830 tỉ đồng, chiếm hơn 84% về khối lượng và hơn 87% về giá trị.

Gần 79 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.347 tỉ đồng. Trong đó, KLB của Kienlongbank tiếp tục sở hữu khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với hơn 31,1 triệu đơn vị, chiếm 99,6% tổng số cổ phiếu ngân hàng được mua bán trong tuần.

Lũy kế từ ngày 30/10 đến nay, đã có tổng cộng hơn 103 triệu cổ phiếu KLB được giao dịch thỏa thuận với giá trị đạt hơn 1.401 tỉ đồng.

Ngoài KLB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra "sôi động" tại SHB với gần 24,5 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này. Đây là nhân tố chính giúp thanh khoản SHB tăng mạnh trong tuần qua.

125198430_773600089886767_7561602913690156143_n.png

(Nguồn: QT tổng hợp)

Quốc Thụy

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.