|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng đang ở mức định giá hấp dẫn, lợi nhuận ngành dự kiến tăng 29% trong năm 2022

16:31 | 07/06/2022
Chia sẻ
Theo các chuyên gia của VNDirect, tăng trưởng tín dụng cao, thu nhập từ phí ổn định và kiểm soát tốt chi phí tín dụng sẽ là động lực tăng trưởng chính cho các ngân hàng trong năm 2022. Đồng thời, việc thị trường điều chỉnh trong thời gian gần đây đã đưa giá cổ phiếu ngân hàng về vùng hấp dẫn.

Lợi nhuận ngân hàng kỳ vọng tăng 29% trong năm 2022

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán VNDirect nhận định ngành ngân hàng sẽ hưởng lợi trong bối cảnh nền kinh tế sẽ tăng tốc trở lại trong giai đoạn 2022-2023 nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu phục hồi và các chính sách tài khóa hỗ trợ.

Các chuyên gia dự báo các ngân hàng sẽ vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao 29% và tỷ suất sinh lời ROE 22% trong hai năm nhờ tăng trưởng tín dụng cao, thu nhập từ phí ổn định và kiểm soát tốt chi phí tín dụng.

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I/2022, VNDirect cho rằng tăng trưởng tín dụng hệ thống sẽ tiếp tục tăng tốc và đạt ít nhất 14% trong năm nay. Nguyên nhân là nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi mạnh mẽ, lãi suất cho vay thấp để kích thích nhu cầu vay vốn của người mua nhà và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao hơn.

Theo các chuyên gia phân tích, Việt Nam được bình thường hóa sau đại dịch cùng với các gói hỗ trợ hiện hành của Chính phủ và lãi suất cho vay thấp sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hồi phục và nhận các khoản vay mới, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

 

Thực tế cho thấy, tín dụng hệ thống đã tăng 8% tính đến 31/5. Nhu cầu tín dụng tăng mạnh nhờ nhu cầu vay lớn đáp ứng hoạt động kinh doanh phục hồi sau đại dịch và tăng trưởng từ các ngành nghề sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. 

Trong đó, ba ‘ông lớn’ Vietcombank, BIDV, Vietinbank chiếm 33,5% thị phần cho vay cả nước. Tổng dư nợ cho vay của 15 ngân hàng niêm yết chiếm 62% tín dụng hệ thống, tăng 6,7% tính đến hết quý I/2022.

Sau ba tháng đầu năm, tổng cho vay của 15 ngân hàng niêm yết tăng 6,7% so với đầu năm trong khi nợ xấu tăng 11,4%. 5 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất gồm Techcombank (9,67%), Vietcombank (0,81%), ACB (0,82%) và MB Bank (0,99).

Chi phí tín dụng bình quân của 15 ngân hàng niêm yết giảm về 1,48% trong kỳ, từ mức 1,84% trong năm 2021 và 1,51% trong quý I/2021. Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí dự phòng/lợi nhuận trước dự phòng giảm nhẹ về mức 28,9% trong quý I/2022 từ mức 31,4% cùng kỳ năm ngoái.

Cổ phiếu ngân hàng có định giá hấp dẫn

Theo số liệu tổng hợp từ VNDirect, việc thị trường điều chỉnh gần đây đã đưa định giá ngành ngân hàng xuống 1,46 lần P/BV dự phóng năm 2022, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 3 năm là 2 lần.

Ngành ngân hàng đã phải đối mặt với không ít khó khăn do lo ngại về lạm phát, NIM thu hẹp và nợ xấu gia tăng khi Thông tư 14 kết thúc. Hơn nữa, tâm lý dè chừng đối với cổ phiếu ngân hàng còn đến từ việc Chính phủ có những động thái quản lý và giám sát chặt chẽ hơn đối với thị trường vốn và bất động sản, dù việc này sẽ giúp cải thiện tính minh bạch và bền vững của thị trường trong dài hạn.

"Tuy vậy, những sự kiện nói trên sẽ không đem lại hệ quả nghiêm trọng lên toàn ngành và chúng tôi tự tin rằng ngân hàng sẽ có thể vượt qua rủi ro chất lượng tài sản nhờ vào bộ đệm dự phòng dày dặn và sự kiểm soát chặt chẽ khi giải ngân vào phân khúc bất động sản có rủi ro cao; và đợt bán tháo ồ ạt trên thị trường vừa qua đã đưa định giá của các ngân hàng về mức rất hấp dẫn", báo cáo viết. 

Hầu hết các ngân hàng đều đang được định giá dưới mức P/BV trung bình 3 năm

 Nguồn: VNDirect.

Huyen Vi

ĐHĐCĐ Vinhomes: Tiếp tục phát triển siêu đại dự án, có thể ra mắt dự án tại Đông Anh và Đan Phượng năm nay khi hoàn tất pháp lý
Trong năm 2024, ban lãnh đạo Vinhomes (Mã: VHM) trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng; tăng lần lượt 16% và hơn 4% so với thực hiện năm 2023.