|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu lên đỉnh lịch sử và những kì vọng trong năm 2020 của BIDV

17:00 | 08/01/2020
Chia sẻ
Cổ phiếu của BIDV đã xác lập mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết trong bối cảnh các nền tảng của ngân hàng được cải thiện mạnh mẽ sau thương vụ bán vốn cho KEB Hana Bank.

Đóng cửa ngày giao dịch 8/1, cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dừng ở 47.100 đồng/cp và xác lập mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết (theo giá điều chỉnh).

Ước tính từ đầu tháng 6/2019 đến nay thị giá cổ phiếu BID đã tăng 59% và là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất trong 6 tháng cuối năm 2019, bỏ xa mã VCB của Vietcombank (tăng khoảng 32%) và gấp nhiều lần mức tăng của chỉ số chung VN-Index.

Cùng với đà tăng của thị giá, vốn hóa thị trường của BIDV cũng liên tục tăng và xác lập mức kỉ lục 189.440 tỉ đồng (tương đương 8,17 tỉ USD) khi chốt phiên giao dịch ngày 8/1.

Cổ phiếu lên đỉnh lịch sử và những kì vọng trong năm 2020 của BIDV - Ảnh 1.

Diễn biến tương quan giữa BID, VCB và Vn - Index trong 6 tháng qua (Nguồn: VnDirect).

Lũy kế từ đầu tháng 6 đến nay đã có tổng cộng hơn 168 triệu cổ phiếu BID được các nhà đầu tư trao tay với giá trị tương ứng đạt hơn 6.400 tỉ đồng.

Trong đó, gần 162 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn (chiếm 96%), tương ứng với giá trị 6.180 tỉ đồng và chỉ có hơn 6 triệu cổ phiếu được giao dịch theo hình thức thỏa thuận (chiếm 4%), giá trị hơn 228 tỉ đồng.

Cùng trong thời gian trên, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tổng cộng hơn 18,6 triệu cổ phiếu BID, tương ứng với giá trị mua ròng là 718 tỉ đồng. 

Những kì vọng sau thương vụ bán vốn cho KEB Hana Bank

Xu hướng tăng giá của cổ phiếu BID diễn ra trong thời gian trước và sau khi BIDV tiến hành bán 603 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank (giá 33.640 đồng/cổ phiếu). Với hơn 20.200 tỉ đồng thu được từ thương vụ này, vốn điều lệ của BIDV đã tăng lên 40.220 tỉ đồng, trở thành ngân hàng lớn nhất về vốn điều lệ trong hệ thống.

Lượng vốn tăng thêm đã giúp tình hình tài chính và các chỉ số an toàn vốn của BIDV được cải thiện tích cực. Theo ước tính của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hệ số CAR theo Basel I của ngân hàng tăng lên 10,5% và CAR theo Basel II tăng lên trên 9% nhờ lượng tiền thu về từ thương vụ bán vốn này. 

Trên thực tế, ngay sau khi BIDV hoàn tất thương vụ bán vốn cho KEB Hana Bank, nhà băng này cũng đã chính thức được NHNN phê duyệt áp dụng chuẩn Basel II vào cuối tháng 11/2019.

Ngoài ra, vào ngày 12/12, BIDV đã chi ra gần 4.800 tỉ đồng để chi trả cổ tức năm 2017, 2018 bằng tiền mặt cho cổ đông với tỉ lệ chi trả 14%. Động thái này cho thấy phần nào tiềm lực tài chính của BIDV sau khi có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Trong hoạt động kinh doanh, giới phân tích kì vọng thương vụ phát hành chiến lược cho KEB Hana Bank sẽ giúp cải thiện nền tảng cơ bản của BIDV.

Một mặt, biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới khi áp lực huy động giảm bớt, ngân hàng ít phải phụ thuộc hơn vào việc huy động nguồn vốn vay từ tiền gửi và trái phiếu kì hạn dài.

Hơn nữa, với việc đáp ứng chuẩn Basel II, BIDV khả năng cao sẽ được NHNN cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm 2020. Qua đó, giúp nhà băng này gia tăng thu nhập lãi thuần, nguồn thu chiếm gần 80% tổng thu nhập hoạt động.

KEB Hana Bank là thành viên của Tập đoàn Hana Financial, 1 trong 4 nhóm tập đoàn tài chính cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan lớn nhất tại Hàn Quốc.

Tính đến cuối năm 2018, qui mô tài sản của tập đoàn này đạt 385.000 tỉ won, tương đương gần 310 tỉ USD. KEB Hana Bank cũng đã hiện diện tại thị trường Việt với 2 chi nhánh ở TP HCM và Hà Nội.

Mặt khác, năng lực cạnh tranh của BIDV trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, SME, FDI, ngân hàng số và quản lí chất lượng tài sản cũng được kì vọng sẽ cải thiện nhờ vào sự tham gia quản lí của KEB Hana.

Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai bên, BIDV nhận được chương trình hỗ trợ kĩ thuật dài hạn từ KEB Hana, bao gồm nhưng không giới hạn trên 6 lĩnh vực: quản trị chiến lược phát triển ngân hàng; quản lí hệ thống công nghệ và ngân hàng số; tăng cường phát triển ngân hàng bán lẻ; đa dạng hóa danh mục tài sản sinh lời; quản trị rủi ro; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Dư địa tăng vốn của BIDV vẫn còn lớn

Tiềm năng tăng trưởng của BIDV được giới phân tích đánh giá cao nhờ dư địa tăng vốn của ngân hàng. Cụ thể, trong nhóm ba ngân hàng có vốn nhà nước lớn, BIDV hiện đang có tỉ lệ sở hữu của nhà nước cao nhất ở mức 81% trong khi Vietcombank là 74,8% và VietinBank (64,46%).

Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉ lệ sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng này sẽ giảm xuống 51% trong giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, dư địa để BIDV tăng vốn thông qua các đợt phát hành riêng lẻ là lớn hơn nhiều so với VietinBank và Vietcombank.

Trong báo cáo mới đây, VDSC cho biết BIDV có kế hoạch phát hành thêm khoảng 10% vốn điều lệ nhằm đưa tỉ lệ sở hữu nhà nước xuống mức 65%, bắt đầu ngay từ năm 2020.

Liên quan đến vấn đề tăng vốn, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020 vừa qua, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cũng đã đề xuất Chính phủ và NHNN sớm xem xét cấp vốn điều lệ thông qua cấp vốn trực tiếp bằng phát hành cổ phiếu để chia cổ tức.

Đồng thời, ông Tú cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền giảm các thủ tục hành chính trong việc xét duyệt bán cổ phẩn cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động.

Phản hồi về vấn đề này, theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 91/2015, sau đó sẽ sớm giải quyết vấn đề tăng vốn cho ba ngân hàng Vietcombank, BIDV và VietinBank.

Vẫn còn nhiều thách thức

Mặc dù đã hoàn tất được thương vụ hợp tác chiến lược và thu về hơn 20.000 tỉ đồng nhưng kết quả kinh doanh của BIDV trong năm 2019 dự báo khó có khả năng tăng trưởng mạnh so với năm trước. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ngân hàng chỉ đạt hơn 7.000 tỉ đồng, giảm 3% so với cùng kì 2018 và chỉ mới hoàn thành 68% kế hoạch (10.300 tỉ đồng).

Lợi nhuận của BIDV trong những năm qua luôn bị chi phối rất mạnh bởi chi phí dự phòng rủi ro và trong năm 2019 cũng không phải ngoại lệ. Trong 9 tháng đầu năm, nhà băng này đã phải trích tới hơn 16.500 tỉ để dự phòng rủi ro, chiếm tới 70% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và cao hơn nhiều mức trích lập 56% của VietinBank và 21% của VietcomBank.

Trong thời gian tới, dự kiến BIDV vẫn sẽ phải trích lập mạnh dự phòng khi tỉ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng chỉ vào khoảng 78%, thấp hơn nhiều so với Vietcombank (185%) hay VietinBank (118%).

Ngoài ra, bước sang năm 2020, Thông tư 22 chính thức có hiệu lực, mức trần qui định tỉ lệ LDR (dư nợ cho vay/tổng tiền gửi) của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước như BIDV giảm từ 90% xuống mức 85%, đây cũng là một thách thức của ngân hàng.

Cổ phiếu lên đỉnh lịch sử và những kì vọng trong năm 2020 của BIDV - Ảnh 3.

Kết quả hoạt động kinh doanh của BIDV trong 9 tháng đầu năm 2019 (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC BIDV)


Quốc Thụy