|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu công ty sản xuất linh kiện cho Samsung, Toyota tăng 55% sau gần hai tháng

07:03 | 09/11/2023
Chia sẻ
Trái ngược với diễn biến điều chỉnh mạnh của thị trường chung, thị giá cổ phiếu NHH của CTCP Nhựa Hà Nội (HPC) tăng 55% sau gần hai tháng giao dịch.

Theo đó, cổ phiếu NHH của CTCP Nhựa Hà Nội (HPC) có nhịp tăng mạnh từ ngày 20/9 đến nay. Đóng cửa phiên 8/11, cổ phiếu NHH tăng hết biên độ lên 22.400 đồng/cp, tăng 54,5% giá trị sau hơn một tháng rưỡi giao dịch. Cùng với giá tăng, thanh khoản của NHH cũng được cải thiện đáng kể, dao động từ hàng trăm nghìn đến hàng triệu đơn vị mỗi phiên.

Cổ phiếu NHH có nhịp tăng mạnh trong hơn một tháng rưỡi vừa qua. (Nguồn: VNDirect).

Ai đang sở hữu Nhựa Hà Nội?

Theo cáo bạch, CTCP Nhựa Hà Nội (HPC, mã: NHH) tiền thân là Xí nghiệp Nhựa Hà Nội trực thuộc Sở Công nghiệp Hà Nội được thành lập năm 1972. Tháng 10/2008, công ty chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần và trở thành công ty đại chúng nửa năm sau đó. Cuối năm 2018, HPC trở thành công ty thành viên thuộc An Phát Holdings – Tập đoàn nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường.

Tháng 9/2017, cổ phiếu NHH đăng ký giao dịch tại thị trường UPCoM. Đến tháng 12/2019, cổ phiếu NHH chuyển sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).

Hoạt động chính của HPC là sản xuất các sản phẩm linh kiện nhựa, khuôn mẫu thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ như phụ tùng ô tô, xe máy, linh kiện điện – điện tử; cung cấp các hộp nhựa, pallet công nghiệp cho các ngành sản xuất công nghiệp trong nước; chế tạo khuôn mẫu, cung cấp các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng khuôn. Sau 50 năm hoạt động, HPC có mạng lưới khách hàng gồm Honda, Toyota, Piaggio, Daikin, Canon, LG, Panasonic, Sony, Housetec, Shoden… cho đến các doanh nghiệp trong nước như VinFast, Hòa Phát, Thaco…

Hiện hội đồng quản trị của Nhựa Hà Nội có 5 thành viên, bao gồm Chủ tịch HĐQT Phạm Đỗ Huy Cường (sinh năm 1983); và 4 thành viên HĐQT là ông Ngô Văn Thụ, bà Hoà Thị Thu Hà, ông Cho Yoon và bà Đỗ Thị Hương Giang.

Về cơ cấu cổ đông tại ngày 30/6, hai cổ đông lớn nhất của HPC là CTCP Nhựa An Phát Xanh với số lượng cổ phiếu nắm giữ 34,57 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 47,44%; và CTCP Tập đoàn An Phát Holding nắm giữ 20,16 triệu đơn vị, chiếm 27,66% vốn.

(Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ BCQT 6 tháng đầu năm 2023).

Nhựa Hà Nội đang kinh doanh ra sao?

Về kết quả hoạt động , doanh thu thuần của Nhựa Hà Nội trong hai năm vừa qua tăng mạnh, đạt trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể, doanh thu năm 2021 đạt 2.084 tỷ đồng và năm 2022 ghi nhận 2.383 tỷ đồng. Cùng chiều với doanh thu, lợi nhuận sau thuế HPC cũng tăng từ 72 tỷ đồng năm 2021 lên 112 tỷ đồng năm 2022.

Sang đến năm 2023, kết quả kinh doanh của Nhựa Hà Nội lại sụt giảm. Cụ thể, HPC ghi nhận doanh thu thuần quý III hợp nhất 488,8 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế quý III gần 17 tỷ đồng, giảm 50,9%. Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần HPC đạt 1.525 tỷ đồng, giảm 11,6% so với 9 tháng đầu năm 2022; lợi nhuận ròng 57,8 tỷ đồng, giảm 22,5%.

(Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ các BCTC hợp nhất đã kiểm toán).

Tại ngày 30/9, tổng giá trị tài sản HPC đạt 2.047 tỷ đồng, giảm 8% so với thời điểm cuối quý II và giảm 14,2% so với đầu năm. Trong đó, tiền, các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn ghi nhận 286,6 tỷ đồng, giảm 12,2% so với cuối quý II; hàng tồn kho 229,5 tỷ đồng, giảm 21,8%. Thời điểm cuối quý III, tổng nợ phải trả của Nhựa Hà Nội là 712,5 tỷ đồng, giảm 21,5% so với cuối quý II và chiếm 34,8% tổng nguồn vốn.

Giải trình về kết quả lợi nhuận sau thuế quý III sụt giảm, Nhựa Hà Nội cho biết dù giảm chi phí bán hàng 49,2% so với kỳ trước, tuy nhiên doanh thu thuần giảm 24,2%, giá vốn giảm 21,2% khiến lợi nhuận gộp giảm 39,9% so với cùng kỳ.

Năm 2023, Nhựa Hà Nội đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm đạt 2.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2023 dự kiến 15%. Cuối tháng 6 vừa qua, HPC đã thực hiện trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 5% (một cổ phiếu nhận được 500 đồng).

Về phương hướng hoạt động, HPC sẽ tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; chuẩn bị các nguồn lực tài chính để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con, đặc biệt trong lĩnh vực khuôn mẫu; duy trì và khai thác thêm tệp khách hàng trong lĩnh vực phụ tùng ô tô, xe máy, link kiện điện – điện tử như Toyota, Honda, VinFast, Panasonic, LG, Piaggio, Samsung, Foxconn…

Diệu Nhi

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.