|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cổ phiếu chiếm hơn 1/10 vốn hóa toàn thị trường rung lắc mạnh, chứng khoán Indonesia nổi sóng lớn

17:02 | 02/07/2024
Chia sẻ
Nhà sản xuất năng lượng địa nhiệt PT Barito Renewables Energy của Indonesia có vốn hóa khoảng 85 tỷ USD. Kể từ khi chào sàn vào tháng 10 năm ngoái đến nay, giá cổ phiếu này đã tăng hàng chục lần.

Tượng con bò tại Sàn Giao dịch Chứng khoán Indonesia. (Ảnh: Bloomberg). 

Cổ phiếu lớn

PT Barito Renewables Energy là doanh nghiệp lớn nhất Indonesia tính theo giá trị thị trường. Nhà sản xuất năng lượng địa nhiệt có vốn hóa 85 tỷ USD này hiện do ông Prajogo Pangestu - một trong những tài phiệt giàu có nhất quốc gia - kiểm soát.

Đáng chú ý, quy mô của thị trường chứng khoán Indonesia vào khoảng 735 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là Barito Renewables chiếm 11,6% vốn hóa toàn thị trường.

Theo tờ Bloomberg, biểu đồ giá cổ phiếu của Barito Renewables rất giống với cổ phiếu penny trên một thị trường chứng khoán mới nổi. Chỉ trong chưa đầy 9 tháng, giá Barito Renewables đã tăng gần 1.200%, xen kẽ bởi hai cú trượt dốc hơn 40%.

Barito Renewables là cổ phiếu tăng giảm cực đoan nhất dựa trên mức biến động 30 ngày trong số các cổ phiếu có vốn hóa 50 tỷ USD hoặc hơn trên thế giới.

Sự biến động dữ dội của Barito Renewables khiến các chuyên gia phân tích bối rối, nhà đầu tư nhỏ lẻ phấn khích và thách thức nỗ lực của các nhà chức trách Indonesia để quản lý thị trường chứng khoán ngày càng khó lường.

Không có nhiều thông tin có thể lý giải vì sao cổ phiếu của Barito Renewables lại biến động mạnh như vậy. Các nhà chức trách Indonesia cũng không tiết lộ nguyên nhân cụ thể đằng sau các biện pháp hạn chế giao dịch được áp dụng vào cuối tháng 5.

Một chuyên gia chỉ trích rằng những biện pháp nói trên đã làm trầm trọng thêm mức độ biến động của cổ phiếu Barito Renewables.

 

Tranh cãi nổ ra vào tháng 6, khi Sàn Giao dịch Chứng khoán Indonesia công bố danh sách theo dõi gồm các cổ phiếu nhiều biến động và gặp khó khăn.

Theo quy định, doanh nghiệp có thể bị đưa vào danh sách theo dõi dựa trên một số lý do, bao gồm doanh thu không tăng trưởng, cổ phiếu có thanh khoản thấp và giao dịch dưới 51 rupiah/cp (tương đương khoảng 0,0031 USD) trong ba tháng.

Vào tháng 3, sàn Indonesia tăng áp lực lên những công ty này bằng cách áp dụng phương thức “khớp lệnh định kỳ hoàn toàn” lên mọi cổ phiếu bị theo dõi.

Khớp lệnh định kì thường được các sàn giao dịch trên khắp thế giới sử dụng để xác định giá mở cửa và đóng cửa của chứng khoán. Tuy nhiên, thay vì chuyển tiếp sang khớp lệnh liên tục, các cổ phiếu bị theo dõi sẽ được khớp lệnh định kỳ 4 - 5 lần mỗi ngày.

Vào cuối tháng 5, sàn Indonesia cho Barito Renewables vào danh sách theo dõi mà không nêu lý do cụ thể gì ngoài “đà tăng đáng kể” của giá cổ phiếu.

Phản ứng của thị trường rất kịch liệt. Trong hai tuần tiếp theo, Barito Renewables lao dốc gần một nửa, xóa sổ khoảng 700.000 tỷ rupiah (khoảng 43 tỷ USD) vốn hóa và khiến chỉ số Jakarta Stock Exchange Composite sụt gần 5%.

Biến cố này còn dẫn đến việc FTSE Russell trì hoãn bổ sung Barito Renewables vào chỉ số cổ phiếu vốn hóa lớn của họ - khiến Barito Renewables lỡ cơ hội nhận được dòng vốn mới từ nhà đầu tư nước ngoài.

Việc Barito Renewables được đưa vào danh sách theo dõi cũng khiến các nhà đầu tư Indonesia tức giận. Họ cho rằng quyết định này làm tổn hại sự ổn định của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận.

Tỷ phú Prajogo Pangestu. (Ảnh: Bloomberg). 

Nhà tài phiệt đằng sau Barito Renewables 

Kể từ đó, tỷ phú Prajogo - chủ sở hữu Barito Renewables - đã mua khoảng 48 triệu cổ phiếu. Thư ký cho biết giao dịch này phản ánh niềm tin của ông Prajogo đối với triển vọng công ty.

Sau làn sóng phản đối kịch liệt, cơ quan quản lý đã loại Barito Renewables khỏi danh sách theo dõi mà không giải thích thêm vào cuối tháng trước.

Kể từ khi chào sàn vào tháng 10 năm ngoái, giá Barito Renewables có lúc đã tăng tới 1.342%.

Tỷ phú Prajogo là chủ sở hữu đa số của PT Barito Renewables Pacific và PT Barito Renewables Pacific lại sở hữu đa số Barito Renewables Renewables.

Cổ phiếu Barito Renewables đang được giao dịch với giá gấp 637 lần thu nhập dự phóng trong 12 tháng tới.

Hồi đầu năm nay, sàn chứng khoán Indonesia đã kiểm tra xem liệu hành vi thao túng giá cổ phiếu có diễn ra tại một công ty khác do ông Prajogo sở hữu hay không. Giá cổ phiếu đó tăng hơn 6.000% kể từ khi niêm yết.

Giới phân tích cho biết sự không chắc chắn trên thị trường chứng khoán sẽ đẩy nhanh làn sóng tháo chạy của vốn ngoại ra khỏi Indonesia.

Tháng trước, các lo ngại về chính sách tài khoá và đồng rupiah yếu đã khiến Morgan Stanley và HSBC hạ xếp hạng cổ phiếu Indonesia. 

 

Giang

DATA TALK: 'Đầu tư vào vàng, chứng khoán hay bất động sản nửa cuối năm?' sẽ diễn ra vào 15h ngày 5/7
Cập nhật các chuyển biến vĩ mô, các chuyên gia sẽ cùng phân tích và đưa ra dự dự báo về triển vọng các kênh đầu tư nửa cuối 2024 gồm thị trường chứng khoán, bất động sản và vàng, kèm các khuyến nghị phân bổ nguồn vốn vào các lớp tài sản như thế nào để đảm bảo an toàn và hiệu quả tối ưu.