Cơ hội nào cho nhà đầu tư có thể ‘về bờ’ sau mùa World Cup?
Nhà đầu tư cần chấp nhận "mùa hoa đẹp nhất" đã qua
Trong 22 năm qua VN-Index đã có 12 lần tăng điểm trong những tháng cuối cùng của năm với nhiều lần tăng mạnh trên 10%. Hai năm gần nhất chỉ số này đều tăng trong tháng 12. Nhiều người hay nói mùa World Cup là cơ hội “về bờ” cuối cùng cho các nhà đầu tư, vậy chúng ta có cơ sở nào cho niềm tin này hay không?
Tại chương trình “Bí mật đồng tiền” của VTV Digital, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Đầu tư CTCP Đầu tư Finpros cho rằng việc có thể “về bờ” năm nay chỉ trong 1 tháng cuối năm là rất khó. Nếu có thể, nhà đầu tư phải rất may mắn hay chịu một rủi ro rất lớn để có thể thực hiện điều này.
Nhiều nhà đầu tư lúc này tài sản đã bốc hơi trên 50% giá trị, để có thể "về bờ" nhà đầu tư phải nhân 3 hay ít nhất là nhân đôi giá trị tài khoản hiện có. Để làm được điều này, họ phải đặt kỳ vọng vào những danh mục rủi ro hoặc thậm chí phải sử dụng margin.
Theo ông Tùng, nhà đầu tư không nên đặt mục tiêu “về bờ” ngay, cần chấp nhận rằng một “mùa hoa đẹp nhất” đã qua rồi cho nên cơ hội để quay lại là rất khó. Thay vào đó chúng ta có thể quay về thời “sức khỏe tốt”, nghĩa là gỡ được một chút lỗ và không nên kỳ vọng “về bờ” và lại "cháy" tài khoản.
“Tôi hy vọng là trong tháng 12 cuối năm sẽ có một nhịp hồi phục của thị trường chứng khoán vì thống kê chỉ ra hầu hết tháng cuối năm diễn biến của thị trường đều tốt. Đặc biệt năm nay khi thị trường đã giảm mạnh thì các quỹ lớn hay các ETF có thể sẽ để cho VN-Index kết thúc quanh 900 điểm”.
Học được gì sau những pha để ‘cháy’ tài khoản?
Thông tin thêm, theo chia sẻ của ông Tùng, với danh mục đầu tư cá nhân, đại đa số mọi người bị “cháy” tài khoản khi họ nghĩ về khoản lỗ trước đó nhiều quá.
Với một người đầu tư 1 tỷ, sau đó lỗ khoảng 400 triệu còn 600 triệu, người ta không thể dừng nghĩ về con số 400 triệu đã mất đi được, đó có thể là mồ hôi nước mắt nhiều năm tháng tích lũy nên tâm lý này có thể hiểu được. Còn với kịch bản tệ hơn là cũng đầu tư 1 tỷ, nhưng chỉ còn 100 triệu nghĩa là đã lỗ 900 triệu.
“Đối với bản thân tôi 1.000 đồng cũng là tiền, nhưng mọi người khi nghĩ đến số lỗ nhiều quá họ sẽ tìm những cơ hội đánh cược để gỡ lại số lỗ đấy. Mà những cửa đặt cược đó sẽ không phải là 50 – 50 nữa mà phải là những cửa 1 ăn 2 hay 1 ăn 3, 4, 5 và xác suất để thắng được sẽ rất thấp. Nghĩa là tâm lý nhà đầu tư khi thua 900 triệu, còn 100 triệu thì phần lớn sẽ nghĩ mất hết rồi và tìm đến những phương án giống như mua Vietlott với tỷ lệ trúng rất thấp”.
Ông Tùng khẳng định: “Tiền thì vẫn là tiền, rõ ràng lỗ là đau thương nhưng nó cũng là bài học. Chúng ta nên coi như nó là học phí mà chúng ta phải trả để đầu tư vững chắc hơn. Lợi nhuận trung bình kỳ vọng của thị trường chỉ khoảng 20%/năm và nhà đầu tư cũng nên chọn những mã cổ phiếu có thể mang lại lợi nhuận tương xứng với những gì bạn bỏ ra.
Nghĩa là cửa thắng, thua ít nhất phải 50 – 50 hay 60 – 40. Vì khi bạn đặt cược những cửa có thể giúp nhân 3 hay nhân 5 tài khoản thì xác suất thắng cũng phải tương xứng với mức lợi nhuận đó, là rất thấp.
Đó là hiện tượng chung của các nhà đầu tư, đầu tiên họ chỉ lỗ một phần nhưng chỗ còn lại họ lại mang đi đặt cược nốt vào may rủi và kết quả cháy hết tài khoản là khó tránh khỏi.
Chuyên gia cho rằng nếu tình huống quá tệ thì mọi người có thể rút số tiền còn lại ra, đầu tư với số tiền thật nhỏ và khi chúng ta bình tĩnh lại, có lãi, lấy được sự tự tin thì có thể quay trở lại. Lấy ví dụ như câu chuyện lỗ 900 triệu còn 100 triệu, đơn giản nhất là nhà đầu tư có thể rút 90 triệu ra, còn 10 triệu tiếp tục tham gia đầu tư lấy kinh nghiệm. Khi nào lấy lại được niềm tin vời thị trường thì có thể tiếp tục cầm 100 triệu đó đi đầu tư.