Cơ hội nào cho công ty xếp hạng tín nhiệm?
Công ty định hạng tín nhiệm giúp chuẩn hóa định hạng tín nhiệm các tổ chức vay vốn trên thị trường; cung cấp cho thành viên thị trường thông tin độc lập, minh bạch. Ảnh minh họa: TTXVN
Đánh giá về việc thành lập hãng xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng, công ty xếp hạng tín nhiệm ra đời vào thời điểm này là cần thiết, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển minh bạch, hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, việc thành lập hãng xếp hạng tín nhiệm vẫn chưa được như mong muốn.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), công ty định hạng tín nhiệm sẽ giúp chuẩn hóa định hạng tín nhiệm các tổ chức vay vốn trên thị trường; cung cấp cho thành viên thị trường thông tin độc lập, minh bạch và tương đối đáng tin cậy về các chủ thể huy động vốn. Từ đó, khuyến khích sự tham gia của các chủ thể tham gia thị trường, kể cả các tổ chức phát hành và giới đầu tư.
Thực tế, cơ cấu thị trường đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Năm 2018, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường sơ cấp đạt tới 224.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm 2017 và cao hơn khối lượng phát hành của thị trường trái phiếu Chính phủ, chỉ đạt 197.000 tỷ đồng.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho rằng, với quy mô thị trường trái phiếu hiện nay, việc xây dựng các hãng xếp hạng tín nhiệm là cần thiết nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 88/2014/NĐ - CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Theo đó, khung pháp lý cho sự ra đời của công ty định hạng tín nhiệm đã hình thành. Nhà đầu tư trên thị trường căn cứ vào khung pháp lý, đánh giá cơ hội để thành lập công ty.
“Theo tôi được biết, đã có nhiều nhà tổ chức cũng muốn xem xét góp vốn thành lập công ty định hạng tín nhiệm”, ông Quỳnh chia sẻ.
Theo ông Quỳnh, đầu năm 2018, có 12 tổ chức thành viên của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam mong muốn góp vốn thành lập công ty định mức tín nhiệm CRA (tiểu ban CRA) và đã có buổi họp về xin giấy phép hoạt động, điều lệ, thỏa thuận đầu tư, mô hình quản trị, vận hành tiểu ban.
Đến giữa năm 2018, sau buổi họp với đoàn đại diện từ Rating Agency of Malaysia (RAM), bản kế hoạch kinh doanh chi tiết và thỏa thuận hỗ trợ của tiểu ban CRA được RAM hoàn thiện và gửi lại cho Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam.
Tiểu ban CRA đã tích cực trao đổi với các đối tác khác như tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s), Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) và Fitch về khả năng hợp tác thành lập CRA.
"Việc chưa thể ra đời công ty định mức tín nhiệm trong năm 2018 là do về mặt pháp lý VBMA không thể tham gia góp vốn và việc lựa chọn đối tác vẫn trong quá trình thương thảo. Do đó, việc triển khai kết nối thành viên và đối tác chiến lược có thể thực hiện trong năm 2019 này", Tổng thư ký VBMA Đỗ Ngọc Quỳnh chia sẻ.
Hiện hầu hết các nước trong khu vực có thị trường trái phiếu phát triển hơn Việt Nam đều có công ty định hạng tín nhiệm. Việt Nam đã ban hành được khung pháp lý đối với công ty định hạng tín nhiệm nhưng cần có cơ chế để khuyến khích được các nhà đầu tư sẵn sàng tham gia bỏ vốn để thành lập công ty này.
Thực tế, tại Việt Nam, khách hàng chưa có thói quen trả phí. Tổ chức phát hành chưa có định hạng và nhà đầu tư mua cũng chưa có văn hóa dùng định hạng định giá trái phiếu.
“Câu hỏi đặt ra là mở công ty định hạng tín nhiệm bán dịch vụ cho ai và việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm định hạng tín nhiệm như thế nào. Có lẽ nhà đầu tư vào công ty định hạng tín nhiệm còn e ngại rủi ro cao nên dù đã có khung pháp lý hoạt động cho các công ty định hạng tín nhiệm nhưng đến nay vẫn chưa có công ty nào hoạt động”, vị chuyên gia nêu quan điểm.
Theo vị chuyên gia này, có thể học hỏi các nước trong khu vực có thị trường trái phiếu phát triển hơn. Đơn cử như Malaysia đưa quy định về định hạng tín nhiệm bắt buộc từ năm 1992 và đến tháng 1/2017, Malaysia mới bỏ quy định này và để cho thị trường tự quyết định.
Như vậy, từ năm 1992 đến năm 2017, tại thị trường trái phiếu Malaysia đã hình thành văn hóa định hạng chung cho thị trường. Rõ ràng, các thị trường phát triển đã hình thành văn hóa định hạng thì tính chuẩn mực của thị trường rất cao.
Nhìn từ kinh nghiệm của các nước, Tổng thư ký VBMA cho rằng, đối với thị trường Việt Nam, trong giai đoạn đầu khi xây dựng công ty định hạng tín nhiệm cần hình thành văn hóa định hạng cho thị trường. Sau 5 năm hoặc 10 năm khi thị trường phát triển tốt và đã hình thành thói quen định hạng thì có thể bỏ quy định này cho thị trường tự quyết định.
Ngoài ra, theo ông Quỳnh, thị trường Việt Nam đang thiếu tổ chức có kinh nghiệm và có năng lực nghiệp vụ trong việc hình thành công ty định hạng tín nhiệm. Vì vậy, các nhà đầu tư trong nước cũng muốn tìm kiếm các tổ chức định hạng tín nhiệm nước ngoài có uy tín, giàu kinh nghiệm, ví dụ như Moody’s, S&P và Fitch hoặc những tổ chức có uy tín trong khu vực để có được hỗ trợ và chuyển giao các kỹ thuật, từ đó có thể vận hành được. Bởi, đây là những tổ chức có tính chuyên biệt và có chuyên môn sâu.
Theo đại diện Bộ Tài chính, sau khi định hình khung pháp lý, Bộ Tài chính sẽ nỗ thúc đẩy sự ra đời của công ty định mức tín nhiệm.
Bà Phạm Thanh Tâm, Trưởng phòng Thị trường tài chính, Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) thông tin, Luật Chứng khoán sửa đổi gắn phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với xếp hạng tín nhiệm. Việc tách biệt về quy trình, điều kiện hồ sơ giữa phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với phát hành cổ phiếu để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận kênh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu ra công chúng.
Trong năm 2019, trên cơ sở quy định tại Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tăng cường và thúc đẩy các tổ chức xếp hạng tín nhiệm bao gồm tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và các tổ chức xếp hạng trong nước trên thị trường trái phiếu; khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, rà soát hoàn thiện quy định và phân biệt chính sách đầu tư trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm và không có xếp hạng tín nhiệm để thúc đẩy cầu đầu tư vào trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm. Từ đó, từng bước hình thành và phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.
“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có kế hoạch làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu trên thế giới để trao đổi khả năng tham gia cung cấp dịch vụ cho thị trường Việt Nam. Gần đây nhất chúng tôi cũng đã có buổi làm việc với Fitch và sắp tới có kế hoạch làm việc với Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s cũng như là tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service liên quan tới nội dung này”, bà Tâm thông tin./.