Cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng triệu đô của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chiều ngày 9/12, Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ phối hợp với Sở Công Thương TP HCM, Ban Quản lí các Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp và Khu Công nghệ cao TP HCM tổ chức diễn đàn “Cơ hội kết nối và đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết diễn đàn là cầu nối cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam gặp gỡ, tiếp xúc và kết nối giao thương với các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI lớn.
Điển hình như Công ty TNHH Techtronic Industries (TTI) Việt Nam, doanh nghiệp đầu tư 650 triệu USD vào Khu Công nghệ cao TP HCM và đang có nhu cầu tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa Việt Nam để tăng tỉ lệ nội địa hóa nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, trong khuôn khổ sự kiện còn có các hoạt động kết nối giao thương, tư vấn trực tiếp giữa Công ty TTI Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nội địa hợp tác, nâng cao năng lực, mở rộng sản xuất và góp phần tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới.
Ông Jeff Nessom, Phó Chủ tịch phụ trách kĩ thuật Công ty TNHH Techtronic Industries (TTI) Việt Nam, cho biết năm 2019, TTI tại Việt Nam ghi nhận doanh số xuất khẩu 300 triệu USD và kì vọng năm 2020 sẽ đạt con số 1,5 tỉ USD.
Đại diện TTI thông tin doanh nghiệp này đang có sự chuyển dịch các nhà máy từ khu vực Bắc Mỹ sang những khu vực khác như châu Á và hiện tại TTI đã có một nhà máy tại khu công nghệ cao ở TP HCM
Đây không chỉ đánh dấu sự tham gia của TTI vào thị trường Việt Nam mà còn thể hiện sự gắn kết với doanh nghiệp địa phương và tìm kiếm nhà cung cấp nội địa. Hiện nay, nhà máy TTI Việt Nam đã triển khai đầu tư khu vực sản xuất, nghiên cứu và phát triển với mong muốn dịch chuyển thêm nhiều hoạt động vào Việt Nam
Theo đó, TTI Việt Nam kì vọng tăng thêm khoảng 1,5 tỉ USD/năm giá trị hàng hóa xuất khẩu tại Việt Nam. Do đó, TTI đang đẩy mạnh tìm kiếm khoảng 200 nhà cung ứng nội địa có thể làm nhà cung ứng cho doanh nghiệp này trong các lĩnh vực như kim loại, điện tử và nhựa.
Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban quản lí Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP), cho hay thời gian qua, đơn vị này có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với các doanh nghiệp FDI đầu cuối.
Cụ thể, SHTP hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các triển lãm, hội chợ chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ để tiếp cận thị trường, xây dựng và cập nhật dữ liệu nhu cầu dịch vụ, sản phẩm hỗ trợ của các nhà sản xuất công nghệ cao cũng như thông tin của các nhà cung ứng trong nước trên Cổng thông tin công nghiệp hỗ trợ của SHTP.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước kết nối, tiếp cận được với các doanh nghiệp FDI đầu cuối trong Khu Công nghệ cao TP HCM, đơn vị này dành quĩ đất 162.000 m2 cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đầu tư.
Đặc biệt, khi đầu tư tại SHTP nhà đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP HCM còn được hưởng ưu đãi hỗ trợ lãi suất theo chương trình kích cầu đầu tư dành cho công nghiệp hỗ trợ của TP HCM với thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa 7 năm, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 200 tỉ đồng cho một dự án.
Ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng quản lí đầu tư, Ban quản lí các khu chế xuất và khu công nghiệp TP HCM (HEPZA) cũng cho biết thành phố không ngừng nỗ lực tạo quĩ đất, cơ sở hạ tầng. Trong đó, qui hoạch ba khu công nghiệp tiếp nhận doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.
Riêng những khu chế xuất - khu công nghiệp còn ít quĩ đất, HEPZA khuyến khích nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ có thể phát triển sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, nguồn lực và sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng.
Cùng với đó, HEPZA tăng cường kết nối doanh nghiệp với đối tác, thị trường như cung cấp danh sách những đơn vị có thể cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho nhiều đơn vị xúc tiến tại tỉnh, thành trong cả nước và nước ngoài.
Thông qua phối hợp với Sở Công Thương, HEPZA cũng thúc đẩy đa dạng chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn, cơ chế chính sách ưu đãi, chương trình tư vấn...
Theo ông Hà, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, do năng lực của những doanh nghiệp này còn hạn chế, thiếu kết nối thị trường, nhất là bị gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch COVID-19 nên phải xoay xở để tìm kiếm khách hàng cũng như cơ hội thị trường mới
Vì vậy, ông Robert Greenan, Phó Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM, cho rằng doanh nghiệp cần linh hoạt hơn để tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Các tổ chức xúc tiến cũng phải thúc đẩy kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng.
Theo đó, USAID thông qua dự án LinkSME đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của Việt Nam cùng các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP HCM (CSID) nhằm thúc đẩy kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam với các doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng.
Đồng thời tăng cường kết nối và tham gia chuỗi cung ứng sẽ giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phục hồi sau những gián đoạn của chuỗi cung ứng do dịch COVID-19.
“USAID sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực và thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu”, ông Robert Greenan nhấn mạnh.