|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Có hay không việc người bán bảo hiểm phải có bằng đại học?

08:30 | 17/07/2019
Chia sẻ
Kể từ ngày 1/11/2019, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực. Khi văn bản Luật này ban hành vào tháng 6/2019, có thông tin đăng tải cho rằng, “theo luật mới trên, người bán bảo hiểm tối thiểu phải có bằng đại học chuyên ngành bảo hiểm”.
shutterstock_1032685333_smgu

Ảnh shutterstock.

Thông tin trên đã khiến không ít người bán bảo hiểm hoang mang. Nhiều người bán bảo hiểm hiện tại lẫn các ứng viên tương lai thì lo ngại mình sẽ dần bị “loại” trên sân chơi này bởi không đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp. 

Bản thân các chuyên gia bảo hiểm cũng chưa có cách hiểu thống nhất về điều kiện người bán bảo hiểm. Có người đánh giá rằng, tấm bằng đại học sẽ góp phần chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh tư vấn bảo hiểm trong lĩnh vực nhân thọ.

Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Ðức Thắng cho biết: “Với quy định mới kể trên, các tư vấn viên có thể yên tâm, không có chuyện “người bán bảo hiểm tối thiểu phải có bằng đại học chuyên ngành bảo hiểm”.

Ðiều 93b, Luật số 42/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải có đủ các điều kiện sau: “Từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm.

Trường hợp không có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm do cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp ở trong nước hoặc nước ngoài cấp”.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, đây là điều luật dành cho các cá nhân làm dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Ðiều này đồng nghĩa với việc, các cá nhân phải thỏa mãn điều kiện theo Ðiều 93b kể trên mới được tư vấn bảo hiểm, chứ không phải bán bảo hiểm. 

Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm gồm tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm…

Trong khi đó, đại lý bảo hiểm (còn được gọi là tư vấn bảo hiểm/tư vấn tài chính) không bị điều chỉnh bởi quy định trên, mà chỉ phải đáp ứng quy định tại Ðiều 86, Luật Kinh doanh bảo hiểm, tức là được thực hiện bán bảo hiểm theo ủy quyền của công ty bảo hiểm.

“Do đó, Luật sửa đổi kể trên chỉ bổ sung thêm Mục 3 - Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, hoàn toàn không sửa Mục 1 - Ðại lý bảo hiểm trong Chương IV của Luật Kinh doanh bảo hiểm”, ông Thắng nói.

Luật sư Nguyễn Khắc Thành Ðạt cho rằng, Luật mới đang phải chờ Nghị định/Thông tư hướng dẫn thi hành và câu hỏi đang gây băn khoăn là: Người "tư vấn bảo hiểm" được điều chỉnh bởi Luật mới có phải là "đại lý bảo hiểm" (hay còn gọi là người bán bảo hiểm) đã được quy định trong Luật hiện hành hay không? 

Nếu hai khái niệm này là một thì điều luật này có thể sẽ tác động rất lớn đến ngành bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.

Theo ông Ðạt, trong các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm lâu nay, đơn cử là Luật Kinh doanh bảo hiểm thì chưa từng có cụm từ "tư vấn bảo hiểm". Nhưng cụm từ này đã và đang được sử dụng khá rộng rãi trong ngành bảo hiểm nhân thọ họ khi nói về công việc của người đại lý bảo hiểm.

“Theo Luật sửa đổi thì "tư vấn bảo hiểm" là một trong những dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm. Ðây là định danh mới trong Luật sửa đổi. Theo đó, người làm tư vấn bảo hiểm phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm, hoặc nếu tốt nghiêp đại học ngành khác thì phải có chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm do cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước cấp. Cụm từ trên không để chỉ người bán bảo hiểm”, ông Ðạt nói.

Việc sử dụng phổ biến cụm từ “tư vấn bảo hiểm” hay tư vấn tài chính, tư vấn tài chính cấp cao…  thay cho cụm từ “đại lý bảo hiểm” (thực chất là người bán bảo hiểm) theo ghi nhận của phóng viên, là nhằm giúp cho cái nghề này trở nên sang trọng hơn. Tuy nhiên, đây cũng là cái gốc dẫn đến cách hiểu sai kể trên.

Ghi nhận từ Bộ Tài chính cho biết, không có chuyện bắt hơn 200.000 đại lý bảo hiểm nhân thọ đi học đại học chuyên ngành như băn khoăn của nhiều người.

Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ông Phùng Ðắc Lộc cho rằng, khái niệm tư vấn viên bảo hiểm đều do công ty bảo hiểm tự phong, giờ là lúc trở về nguyên trạng theo kiểu “trả lại tên cho em”: đại lý bảo hiểm.

Thực tế, theo ông Thắng, tại nhiều quốc gia, ví dụ Thái Lan, đều chỉ quy định tiêu chuẩn, trình độ về tư vấn viên bảo hiểm là tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên. 

Ở các thị trường bảo hiểm phát triển, điều kiện đối với người bán bảo hiểm ngặt nghèo hơn, nhưng chủ yếu với đối tượng bán các dòng sản phẩm liên kết đầu tư, đòi hỏi nhiều kiến thức về tài chính.

“Trong dài hạn, tiêu chuẩn “người bán bảo hiểm tối thiểu phải có bằng đại học chuyên ngành bảo hiểm” là quy định cần hướng tới, giúp các tư vấn viên bảo hiểm có động lực để trở thành một tư vấn hoạch định tài chính cá nhân thực thụ. Tuy nhiên, tại thời điểm này, không có chuyện “người bán bảo hiểm tối thiểu phải có bằng đại học chuyên ngành bảo hiểm””, ông Thắng bình luận.

Kim Lan

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.