Cô gái ‘vẽ tương lai’ cho doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam
Tư vấn những dự án hàng đầu
Sau buổi tọa đàm kéo dài hơn hai tiếng về chủ đề “Du học Nhật Bản” vừa diễn ra, khách mời Phi Hoa vẫn nở nụ cười rạng rỡ, kiên nhẫn trả lời hết từng câu hỏi của các bạn sinh viên lán lại trao đổi thêm, dù đã quá mệt “vì chưa được ăn tối”.
Với vóc người nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng, ít ai ngờ người phụ nữ trẻ ấy đang là một nhà Tư vấn chiến lược được “trọng dụng” tại Tập đoàn Deloitte Consulting của Nhật Bản.
"Tư vấn chiến lược là công việc đòi hỏi vốn hiểu biết vừa bao quát, vừa cụ thể". (Ảnh: NVCC) |
Giải thích về công việc của mình, chị Hoa cho biết: “Nhiệm vụ của tôi là phân tích doanh nghiệp bên mua, bên bán, làm Due Diligence (rà soát đặc biệt) về lĩnh vực kinh doanh, nhân sự trong các thương vụ M&A. Từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh và chiến lược phát triển cho khách hàng”.
Hồ sơ kinh nghiệm của Phi Hoa là hàng dài các dự án lớn, những thương vụ M&A giữa công ty Nhật Bản và Anh Quốc; Dự án điều tra và xây dựng chiến lược thương mại hóa khí Hydro vào thị trường Đức; Dự án xây dựng chiến lược vào thị trường Việt Nam và Indonesia...
Trong số đó, đối tác cần thuê tư vấn từ Deloitte thuộc rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ ngành sản xuất máy công nghiệp, điện tử, đầu tư thương mại cho đến sản xuất, phân phối thuốc và thiết bị y tế...
“Khách hàng thuê tư vấn đều là những doanh nghiệp hàng đầu của Nhật nên quy mô các dự án rất lớn”, chị Hoa chia sẻ.
Là một người am hiểu và có nhiều năm nghiêm túc tìm hiểu về đặc điểm địa lý, môi trường, con người, văn hóa... Việt Nam, Phi Hoa trở thành “mắt xích” kết nối quan trọng giúp các doanh nghiệp Nhật hiểu hơn về thị trường nước ta, đầu tư đúng và trúng vào những ngành nghề đầy tiềm năng phát triển.
Hiện tại, chị Hoa đang tập trung xây dựng phương án đầu tư vào thị trường Việt cho các doanh nghiệp trồng rừng, khai thác và chế biến gỗ của Nhật.
“Môi trường nước Nhật đã tạo nên một Phi Hoa như thế!”
Khi mới là sinh viên năm nhất Đại học Ngoại thương, Phi Hoa chỉ là cô tiểu thư nhút nhát, ngại ngùng trước đám đông. Thời điểm Nhật Bản đổ mạnh vốn ODA vào Việt Nam, nhận thấy tiềm năng lớn trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, cô sinh viên nhanh ý lựa chọn học thêm tiếng Nhật.
Tìm hiểu về đất nước mặt trời mọc, Phi Hoa nhanh chóng hào hứng với không chỉ ngôn ngữ, mà còn say mê cả văn hóa và con người nơi đây. Hoàn toàn bị chinh phục bởi ý chí quật cường của dân tộc Nhật Bản, chị bắt đầu nuôi ước mơ được đặt chân đến đất nước mặt trời mọc này. Sau thời gian mày mò tự tìm hiểu, chị đã giành được học bổng 7 năm của Chính phủ Nhật.
Thời điểm mới sang nước bạn, vốn tiếng Nhật của Phi Hoa không hơn con số “0” là mấy. Nhưng chị quyết tâm sử dụng thứ tiếng Nhật bập bõm của mình trong tất cả các cuộc giao tiếp, mà không dùng đến tiếng Anh như cách các lưu học sinh vẫn làm. Nhờ vậy mà chị nhanh chóng chinh phục được thứ ngôn ngữ được liệt vào hàng khó nhất thế giới này.
Với những hiểu biết của mình, Phi Hoa dần hình thành ham muốn được giao lưu và chia sẻ nhiều hơn. Chị chủ động tham gia nhiều hoạt động: dạy tiếng Việt cho người Nhật, giới thiệu đất nước Việt Nam cho học sinh cấp ba Nhật Bản, giành giải cao trong cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên trẻ toàn quốc Nhật Bản và các cuộc thi hùng biện cho lưu học sinh. Thậm chí, năm 2010 – 2011, Phi Hoa còn được chọn làm đại sứ du lịch của thành phố Osaka.
Nhờ sự gợi ý và kết nối của các “học trò” là doanh nhân người Nhật, từ năm 3 Đại học, Phi Hoa bắt đầu tham gia chia sẻ, giới thiệu cơ hội đầu tư vào Việt Nam cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật. Duyên nghiệp với nghề tư vấn của cô gái Việt Nam cũng bắt đầu từ đó.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh trường Đại học Osaka Nhật Bản, cái tên Phi Hoa dần được nhiều doanh nghiệp Nhật chú ý và coi là một địa chỉ tin cậy khi muốn nhận những thông tin tư vấn hữu ích về thị trường Việt Nam.
Không phải bỗng dưng tất cả những “trái ngọt” của ngày hôm nay tự tìm đến với cô gái trẻ. Ban đầu, Phi Hoa cũng quay cuồng trong những áp lực do chính mình tạo ra. Áp lực khi chị tự ép mình phải nằm trong top đầu, áp lực khi quá mải kiếm tiền mà quên cả chuyện chăm sóc sức khỏe bản thân, hay áp lực bởi đòi hỏi gắt gao từ công việc tư vấn tại tập đoàn Deloitte…
Chị từng viết trong cuốn sách “Du học Nhật Bản” của mình những dòng chữ nóng hổi: “Tôi đã từng khóc lớn một mình, đã từng tự gọi cấp cứu nhập viện, lặng lẽ đi bộ trong những đêm đông buốt giá sau khi đã mệt nhoài vì công việc. Chính những khoảnh khắc vất vả đó đã từng bước dạy tôi phải tự lập và cứng rắn. Tính đến tháng Tư năm 2016 là tròn tám năm tôi ở Nhật. Đó thực sự là những năm tháng vô giá trong cuộc đời”.
Chưa thỏa mãn với những gì đã có, người phụ nữ Việt Nam bé nhỏ đã tự gia hạn: trong 5 năm tới phải thành lập được một công ty của riêng mình, cũng hoạt động trong lĩnh vực tư vấn chiến lược, đối tác chính vẫn là các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Đồng cảm với những người trẻ đang loay hoay tìm hướng đi cho tương lai, chị Hoa luôn cố gắng “tiếp lửa” cho nhiều thế hệ sau. Ngoài việc tổ chức các buổi tọa đàm, chia sẻ trực tiếp cùng sinh viên, chị Phi Hoa vẫn ấp ủ ươc mơ xuất bản thêm một cuốn sách có nội dung chia sẻ thêm nhiều điều hơn nữa về kinh nghiệm du học tại Nhật Bản.
Với chị, Nhật Bản chính là “miền đất hứa” cho người trẻ. Chính môi trường nước Nhật đã tạo nên một Phi Hoa như ngày hôm nay.
Khi được hỏi về lời nhắn nhủ cuối cùng, chị Phi Hoa bộc bạch chân thành: “Người dân Việt Nam rất có thiện cảm và yêu quý đất nước Nhật Bản, nhưng quan hệ kinh tế và hợp tác chưa theo kịp tầm thân thiết ấy. Tôi muốn là cầu nối, là mắt xích giúp doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam hợp tác tốt hơn, cùng có lợi cho cả hai bên. Đó cũng chính là nội dung công việc tư vấn chiến lược mà tôi đang làm –giúp khách hàng giải quyết những điều họ không làm được”.