Cổ đông MSB nóng lòng chia cổ tức, lãnh đạo ngân hàng nói cần cân nhắc thêm
Kế hoạch không chia cổ tức trong năm nay là một trong những vấn đề nóng được các cổ đông quan tâm tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 của MSB diễn ra vào chiều nay (21/4).
Chia sẻ trong phần đầu thảo luận, một cổ đông lâu năm của MSB từ Sài Gòn thắc mắc tại sao năm nay lại không chia cổ tức.
Ông phân tích ngân hàng đã gộp cổ tức năm 2020 - 2021 để trả cổ tức 30% vào năm ngoái, điều này rất hay, rất tốt và cổ đông rất hoan nghênh. Nhưng năm nay thì lại là một điều đáng buồn, lợi nhuận trước thuế hơn 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là hơn 4.000 tỷ đồng nhưng lại định không chi trả cổ tức.
Theo cổ đông, việc chia cổ tức là nguồn động viên đối với các cổ đông, các nhà đầu tư bỏ tiền ra sở hữu cổ phiếu MSB. "Hèn chi cổ phiếu của chúng ta rớt từ 28.000 đồng/cp xuống 12.000/cp," cổ đông này nói.
Ông phân tích thêm, với lợi nhuận sau thuế hơn 4.000 tỷ, ngân hàng hoàn toàn có thể trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ khoảng 10%, chỉ bằng 50% lợi nhuận sau thuế mà ngân hàng vẫn hoạt động bình thường và là nguồn động viên cho người nắm giữ cổ phiếu. Chỉ khi cần làm việc này việc nọ thì mới cần giữ lại lợi nhuận.
"Hiện nay MSB đang tiến triển bình thường, làm ăn có lãi mà lại không chia cổ tức là một điều không nên. Điều này sẽ làm giảm sự ủng hộ của các nhà đầu tư với ngân hàng. Nếu đại hội thông qua trả cổ tức bằng 0% thì tôi tin chắc cổ phiếu chúng ta sẽ về 10.000 đồng/cp", cổ đông này nói thêm.
Một cổ đông khác ở Hà Nội cũng cho rằng ngân hàng nên cân nhắc lại phương án chia cổ tức bằng tiền mặt. Bởi vì MSB hoàn toàn có cơ sở để thực hiện với kết quả kinh doanh năm vừa qua rất tốt, vốn điều lệ của ngân hàng cũng đã trên 20.000 tỷ đồng, không còn ở mức thấp. Đồng thời, MSB không thuộc nhóm các ngân hàng không được phép chia cổ tức bằng tiền mặt.
Trả lời về vấn đề này, Tổng Giám đốc MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết không phải ngân hàng không chia cổ tức. Lợi nhuận để lại ngoài việc trích lập quỹ, phần còn lại là tài sản, giá trị của cổ đông.
Tuy nhiên, ngân hàng vừa tăng vốn lên 20.000 tỷ đồng, ban lãnh cũng kỳ vọng có thể thể bán FCCOM với mức lợi nhuận cao, lúc đó sẽ chia cổ tức cho cổ đông với mức tốt hơn.
"Chúng ra sẽ thực hiện chia cổ tức nhưng ở thời điểm hiện tại chúng ta đang cân nhắc tỷ lệ cho nó thực sự hấp dẫn. Tôi vẫn khẳng định lợi nhuận để lại là thuộc quyền lợi và tài sản của cổ đông, không có lựa chọn nào khác," ông Linh cho hay.
Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tuấn cũng khẳng định: "Lợi nhuận giữ lại là lợi ích của cổ đông, còn việc mà sẽ chia, chia tỷ lệ bao nhiêu và thời điểm nào thì HĐQT sẽ cân nhắc và cân nhắc, trao đổi xin ý kiến các cổ đông sau".
Kết thúc đại hội, chỉ riêng tờ trình về kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng khác không được ĐHĐCĐ thông qua. Các tờ trình khác đều được thông qua, trong đó có kế hoạch không chia cổ tức.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu MSB dừng ở 12.350 đồng/cp tại thời điểm kết phiên giao dịch ngày 21/4.