PG Bank hoạt động ra sao trước tin đồn sáp nhập vào MSB?
Trong hai ngày trở lại đây, thị trường tài chính lại rộ lên thông tin về một deal sáp nhập giữa các ngân hàng. Điểm đặc biệt ở thương vụ lần này là không có sự xuất hiện của "một tổ chức tín dụng yếu kém" như những lần M&A gần đây giữa các ngân hàng.
Trong tài liệu trình đại hội đồng cổ đông thường niên (dự kiến tổ chức vào ngày 21/4), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - Mã: MSB) đã công bố kế hoạch nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam với các tiêu chí về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.
Chia sẻ với truyền thông, một lãnh đạo cấp cao của MSB chia sẻ: "Chúng tôi đang cân nhắc, lựa chọn một ngân hàng phù hợp với định hướng phát triển để thực hiện việc sáp nhập, giúp MSB tăng quy mô nhanh hơn. PG Bank là một trong số các ngân hàng mà chúng tôi đang quan tâm".
- TIN LIÊN QUAN
-
PG Bank báo lãi tăng gần 40% trước thềm Petrolimex thoái vốn, 7 năm long đong với số phận 'sáp nhập' 20/07/2022 - 11:58
PG Bank không phải là cái tên mới trong các kế hoạch M&A các ngân hàng khi đã từng hai lần "bén duyên" với VietinBank (năm 2015) và HDBank (năm 20218) nhưng bất thành.
Và MSB cũng không phải là đối tác xa lạ với PG Bank khi đến cuối năm 2018, ngân hàng vẫn là cổ đông lớn, sở hữu 9,98% vốn tại đây. Trong năm 2019, lãnh đạo MSB tuyên bố đã bán số cổ phiếu này với giá 13.000 đồng/cp, nhưng đến nay vẫn chưa rõ bên nào mua vào.
Mới đây nhất Petrolimex cho biết sẽ thoái toàn bộ vốn cổ phần (hơn 40%) tại PG Bank trong tháng 4 bằng hình thức đấu giá.
Đây không phải là lần đầuPetrolimex rao bán số cổ phần sở hữu tại PG Bank tuy nhiên lần này việc bán vốn được làm rầm rộ hơn với chương trình Roadshow được tổ chức cả tại Hà Nội và TP HCM.
Chia sẻ tại buổi Roadshow tại TP HCM ngày 22/3, ông Trần Ngọc Năm – Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho biết sau khi thoái vốn tại PG Bank, Tập đoàn không có cam kết cụ thể về việc gửi tiền tại ngân hàng tuy nhiên sẽ vẫn hỗ trợ ngân hàng trong phạm vi cho phép.
PG Bank hoạt động ra sao sau trước thềm thoái vốn của Petrolimex?
Đánh giá về PG Bank khi nhìn vào các số liệu tài chính trong 5 năm trở lại đây có thể thấy ngân hàng vẫn đang ổn định lại hoạt động và dần lấy lại đà tăng trưởng sau những ảnh hưởng tiêu cực từ sự đổ bể các thương vụ sáp nhập.
Sau 5 năm từ 2018 - 2022, tổng tài sản của PG Bank đã tăng 1,6 lần từ 29.900 tỷ đồng lên 48.991 tỷ đồng. Cho vay khách hàng và huy động tiền gửi khách hàng đều tăng 1,3 lần. Tính đến cuối năm 2022, số dư cho vay khách hàng của PG Bank đạt hơn 29.000 tỷ đồng trong khi số dư tiền gửi khách hàng đạt hơn 31.200 tỷ đồng.
Sau khi sụt giảm gần một nửa trong năm 2019 (khi thương vụ sáp nhập với HDBank sụp đổ), lợi nhuận của PG Bank đã lấy lại được đà tăng trưởng trong các năm sau đó. Trung bình trong 4 năm từ 2019 - 2022, tăng trưởng lợi nhuận bình quân của PG Bank đạt khoảng 41%.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu của PG Bank đã giảm về dưới ngưỡng 3% từ năm 2020 cho đến nay. Tính đến 31/12/2022, số dư nợ xấu (nhóm 3 tới nhóm 5) của ngân hàng là 745 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm trước, tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ từ 2,52% cuối năm 2021 lên 2,56%. Ngân hàng còn khoảng 952 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng gần 223 tỷ đồng.
Tuy mức vốn điều lệ duy trì ở mức thấp 3.000 tỷ đồng nhưng PG Bank vẫn chưa có kế hoạch để tăng vốn. Năm 2022 là năm thứ 12 liên tiếp PG Bank không tăng vốn điều lệ, lần gần nhất là năm 2010 khi ngân hàng tăng vốn bằng phát hành cổ phần mới và chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh năm 2023, ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch HĐQT PG Bank, cho biết trong 2 tháng đầu năm ngân hàng lãi trước thuế 100 tỷ đồng và lợi nhuận dự kiến trong quý I khoảng 150 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, ngân hàng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2023 đạt 530 tỷ đồng, sẽ được trình ĐHĐCĐ xem xét thông qua vào ngày 25/4 tới đây.
Chủ tịch PG Bank đánh giá thương vụ Petrolimex thoái vốn toàn bộ tại ngân hàng sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư mới tham gia vào PG Bank và tiếp tục phát triển trên cơ sở tiếp tục tăng vốn.
Nhiều nhân sự từ MSB đã sang làm sếp tại PG Bank
Năm 2021, PG Bank từng dính tin đồn đã tìm được đối tác mới để sáp nhập là MSB khi nhiều nhân sự cấp cao tại MSB đã "chuyển nhà" sang PG Bank đảm nhiệm các vị trí quan trọng.Tuy nhiên, nghi vấn này đã bị bác bỏ tại đại hội cổ đông MSB năm 2021.
Vào tháng 5/2020, ông Hoàng Xuân Hiệp từ MSB đã bất ngờ đầu quân cho PG Bank và đảm nhiệm vai trò điều hành và xử lý các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ. Đến đầu tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng, nguyên Phó Tổng giám đốc MSB cũng được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc PG Bank.
Thông tin trên website của PG Bank cũng cho biết ông Nilesh Banglorewala, nguyên Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng của MSB đã được bổ nhiệm là Thành viên Hội đồng Quản trị của PG Bank vào tháng 4/2021.
Ông Oliver Schwarzhaupt từng đảm nhiệm chức vụ Giám Đốc Khối Quản lý rủi ro và Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản lý Rủi ro tại MSB được bổ nhiệm là Thành viên Hội đồng quản trị của PG Bank từ ngày 26/4/2022.
Mới đây, ngày 1/2/2023, ông Đỗ Thành Công cũng chính thức gia nhập PG Bank với chức danh Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Tái thẩm định và Phê duyệt.
Trước khi gia nhập PG Bank, ông Đỗ Thành Công đã từng đảm nhiệm rất nhiều vị trí quan trọng tại MSB như Trưởng phòng tín dụng Sở giao dịch; Trưởng phòng Tái thẩm định hội sở chính; Giám đốc Chi nhánh Thanh Xuân; Giám đốc Trung tâm xử lý tín dụng tập trung Hà Nội (CPC Head); Phó Giám đốc Khối Quản lý rủi ro; Thành viên Hội đồng tín dụng và đầu tư; Thành viên Ủy ban Quản lý rủi ro; Thành viên Hội đồng xử lý rủi ro.
Khả năng "về một nhà" của hai ngân hàng đang còn bỏ ngỏ khi thông tin cụ thể về tổ chức sẽ sáp nhập với MSB vẫn chưa được công bố chính thức. Tuy nhiên, những tiết lộ ban đầu của lãnh đạo ngân hàng và động thái loạt cán bộ của MSB sang điều hành tại PG Bank trong thời gian gần đây cho thấy khả năng thương vụ đang trong quá trình đàm phán.
Nhìn lại lịch sử đàm phán làm việc và chờ đợi phê duyệt của các thương vụ sáp nhập trước đó của PG Bank với VietinBank và HDBank có thể thấy ngân hàng không có duyên trong việc sáp nhập khi đã có lần mọi thương thảo tưởng chừng đã đi đến hồi cuối nhưng vẫn không cho ra được kết quả.