Cổ đông mới cứu COMA18 thoát án hủy niêm yết?
Tuần qua, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã có thông báo về ngày chốt quyền thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản năm 2016 của CIG. Theo đó, 1/9 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền thực hiện lấy ý kiến thông qua nội dung và phương thức thực hiện việc chào bán cổ phần tăng vốn điều lệ đã được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2016 của CIG.
Cũng trong tuần qua, ông Trần Đức Huế, Chủ tịch HĐQT CIG đã ký thông qua Nghị quyết của HĐQT CIG về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phát hành tăng vốn điều lệ lên 315 tỷ đồng (sau phát hành) cho nhà đầu tư chiến lược là CTCP Đầu tư Fidel.
Theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ năm 2016 của CIG thông qua trước đó, CIG sẽ phát hành riêng lẻ 18,1 triệu cổ phiếu, tương đương 181 tỷ đồng cho nhà đầu tư chiến lược để “bổ sung vốn lưu động, nâng cao năng lực tài chính của công ty”. Với vốn điều lệ đạt 315 tỷ đồng sau phát hành, cổ đông lớn này sẽ nắm 57,5% vốn tại CIG. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng chỉ trong 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Việc các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ là điều hoàn toàn bình thường trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên với CIG lại có nhiều điều đáng nói.
Cổ phiếu CIG hiện nằm trong diện kiểm soát của HOSE, với thị giá giao dịch quanh ngưỡng 3.500 đồng/cổ phần. Nguyên nhân là do trong những năm qua, kết quả kinh doanh của CIG hầu hết ghi nhận lỗ. Ngoại trừ năm 2013 có lãi nhẹ 1,7 tỷ đồng, còn từ năm 2012 đến nay, CIG thường xuyên lỗ. Thậm chí, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, các cổ đông của CIG còn thông qua kế hoạch lỗ 7 tỷ đồng trong năm nay, cao hơn mức kế hoạch lỗ 5 tỷ đồng trong năm 2015.
Nếu đúng theo kế hoạch trên, cổ phiếu CIG sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp, chưa kể khoản lỗ lũy kế của CIG đã “tiệm cận” vốn điều lệ. Báo cáo tài chính 6 tháng năm 2016 đã soát xét của CIG cho biết, khoản lỗ lũy kế tại thời điểm 30/6/2016 của CIG là 128,84 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 134,4 tỷ đồng, tức là chỉ cần CIG “hoàn thành” kế hoạch lỗ năm nay, thì việc hủy niêm yết là chắc chắn.
Tuy nhiên, việc bất ngờ xuất hiện cổ đông chiến lược bỏ tiền ra góp vốn tới 181 tỷ đồng vào CIG sẽ phần nào giúp CIG tiếp tục duy trì cơ hội niêm yết trên sàn, nhất là khi bức tranh tài chính của CIG có vẻ sáng sủa hơn khi lãi sau thuế đạt 629,76 triệu đồng sau 6 tháng đầu năm 2016. Tại văn bản giải trình chênh lệch, ông Lê Huy Lân, Tổng giám đốc CIG cho rằng, do Công ty tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí bán hàng, giảm giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của CIG, doanh thu thuần chỉ bằng 52% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận gộp lại tăng gấp đôi. Đột biến trong doanh thu 6 tháng đầu năm nay của CIG đến từ hoạt động cho thuê, chuyển nhượng hạ tầng và xây lắp, đạt tổng cộng 18,6 tỷ đồng, tăng 27 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, doanh thu hoạt động cơ khí không ghi nhận, mặc dù 6 tháng năm 2015 đạt 17,38 tỷ đồng. Đáng chú ý là, chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang trong mục Hàng tồn kho của CIG tăng mạnh, từ 293,53 tỷ đồng (thời điểm 31/12/2015) lên 312,05 tỷ đồng vào ngày 30/6/2016.
Theo kế hoạch đầu tư năm 2016 và các năm tới của CIG, Công ty sẽ triển khai dự án chung cư trên diện tích đất 2.000 m2 tại Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội), 2 dự án khu công nghiệp (Khu công nghiệp Kim Thành diện tích 164,98 ha ở Hải Dương và Khu công nghiệp Nhuận Trạch diện tích 213,68 ha tại Hòa Bình), đầu tư vào hạ tầng giao thông, năng lượng, nâng cao năng lực sản xuất cơ khí - ngành nghề chính của CIG trước đây.
Với 181 tỷ đồng vốn góp từ cổ đông chiến lược để bổ sung vốn lưu động và kế hoạch dài hơi trên, có thể thấy, CIG đang tạo cho nhà đầu tư sự lạc quan về tương lai của Công ty. Thế nhưng, tìm hiểu kỹ hơn, cổ đông chiến lược của CIG - CTCP Đầu tư Fidel là một doanh nghiệp mới thành lập chưa đầy… 1 tháng. Có địa chỉ tại 283 - Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội), Công ty Đầu tư Fidel mới được cấp đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 2/8/2016 và có vốn điều lệ 20 tỷ đồng.
Nếu phương án tăng vốn của CIG được thông qua và thực hiện trong tháng 9/2016 như kế hoạch, thì chưa rõ Đầu tư Fidel sẽ làm thế nào để góp vốn 181 tỷ đồng cho CIG, bởi số tiền này lớn gấp 9 lần vốn điều lệ của Fidel. Dẫu vậy, cổ đông hiện tại của CIG hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng, CIG sẽ thoát án hủy niêm yết và kinh doanh sẽ khởi sắc sau phát hành cổ phiếu, hay chí ít là thị giá và thanh khoản của cổ phiếu CIG sẽ hấp dẫn hơn sau thông tin này.
Theo Kỳ Thành
Báo Đầu tư