Cơ cấu lại ngân sách - hướng tới xóa bỏ cơ chế “xin cho”
Dự toán thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017 là 1,21 triệu tỷ đồng, đây là áp lực lớn trong bối cảnh kinh tế đang đối mặt với không ít khó khăn...Trong khi đó, bội chi NSNN là hơn 178.000 tỷ đồng, tương đương 3,5% GDP, giảm nhiều so với năm 2015 là 4,95% GDP. Điều này đòi hỏi một mặt phải có giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu và cơ cấu lại NSNN một cách hiệu quả, hướng tới xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách.
Năm 2017 mục tiêu đặt ra là tổng thu cân đối NSNN đạt hơn 1,21 triệu tỷ đồng. (Ảnh minh họa: KT)
Năm 2016 – một năm nhiều khó khăn với thu NSNN, khi tăng trưởng kinh tế GDP chỉ đạt 6,21%, thấp mục tiêu 6,7%, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều ngành kinh tế chủ đạo như khai thác mỏ và dầu khí, thủy điện gặp khó khăn. Đặc biệt, giá dầu thô bình quân năm chỉ đạt khoảng 44 USD/thùng, giảm 16USD/thùng so giá xây dựng dự toán, làm giảm thu ngân sách Trung ương khoảng 15.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, thu NSNN vẫn vượt dự toán khoảng 79.600 tỷ đồng, tăng thêm 55.000 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Kết quả này, một mặt cho thấy nỗ lực cải cách thuế, hải quan tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, tăng cường thu hồi nợ đọng, chống thất thu cho NSNN; mặt khác cho thấy cơ cấu ngân sách có nhiều thay đổi. Hiện thu thuần túy từ dầu thô chỉ chiếm phần nhỏ khoảng 5% trong thu NSNN. Thu nội địa tăng dần tỷ trọng chiếm tới gần 80%.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện tài chính) cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước phát triển tạo nền tảng vững chắc cho thu NSNN.
“Xu hướng thu nội địa vẫn tăng. Số doanh nghiệp nộp thuế tăng lên có thể là tín hiệu tốt, nhiều doanh nghiệp làm ăn có lãi. Vừa rồi số doanh nghiệp tăng đột biến. Nhưng cần biết tổng thuế tăng lên như thế nào nhưng phải so với GDP. Cần nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế, chống thất thu chứ tăng thuế để tăng thu là không nên”, TS. Nguyễn Đức Độ chỉ rõ.
Năm 2017 mục tiêu đặt ra là tổng thu cân đối NSNN đạt hơn 1,21 triệu tỷ đồng (tăng đáng kể so với dự toán tổng thu năm 2016 là hơn 1 triệu tỷ đồng); tổng số chi cân đối NSNN là hơn 1,3 triệu tỷ đồng; bội chi NSNN hơn 178.000 tỷ đồng, tương đương 3,5% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 4,95% GDP của năm 2015.
Đây thực sự là thách thức lớn đối với NSNN, khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, giá một số hàng hóa cơ bản và dầu thô vẫn ở mức thấp, nợ đọng thuế còn lớn. Giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm; việc phân bổ, sử dụng vốn vay còn dàn trải. Đây đó vẫn còn tình trạng chi sai, vượt tiêu chuẩn định mức.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, lâu nay, bội chi NSNN cao là do chi thường xuyên quá lớn. Chính cơ chế “xin-cho” và kỷ luật tài chính không nghiêm minh làm cho chi thường xuyên tăng. Do đó, cơ cấu lại ngân sách, tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin-cho” là cần thiết, để đảm bảo bội chi chỉ ở mức 3,5% GDP.
“Tới đây có điểm đột phá là vốn vay ODA sẽ cho địa phương vay lại, tránh cơ chế xin- cho, chi thường xuyên quá lớn. Nhà nước không cấp ODA cho các địa phương. Để giảm bội chi ngân sách, kỷ luật kỷ cương ngân sách phải nghiêm minh. Mặc dù đã có định mức rõ ràng cho các địa phương về xây dựng, xe công…,nhưng không ít địa phương vẫn thực hiện vượt quá định mức, thì phải quy trách nhiệm rõ ràng”, Chuyên gia Ngô Trí Long nêu rõ.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2017, tiếp tục cơ cấu lại NSNN. Tỷ trọng thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ còn chiếm khoảng 18% tổng thu cân đối NSNN, giảm mạnh so với mức bình quân 31% của giai đoạn 2011-2015. Ở chiều ngược lại, tỷ trọng thu nội địa tăng trên 80%, tăng khoảng 10% so với trước.
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách thu, bảo đảm tỷ trọng thu nội địa phù hợp với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu thuế, giảm mạnh nợ đọng thuế.
Kỷ luật NSNN cũng cần được siết chặt, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, minh bạch. Điều này thể hiện rõ nét ở việc thay đổi cơ chế từ “xin-cho” nguồn vốn ODA chuyển sang cho vay lại đối với các địa phương, tăng trách nhiệm đối với sử dụng vốn từ NSNN.
“Trong thời gian tới, Bộ Tài chính nghiên cứu trình Thủ tướng sửa đổi cơ chế chính sách, tăng trách nhiệm của các địa phương. Tận dụng nguồn vốn vay ngoài nước nhưng cũng phải tăng trách nhiệm của các cơ quan, địa phương khi sử dụng NSNN. Nguồn vay ODA ngày càng giảm, các địa phương cũng phải có trách nhiệm sử dụng hiệu quả, phần cho các địa phương vay lại sẽ càng tăng, nhất là đối với địa phương có điều kiện huy động và khả năng trả nợ”, ông Hưng cho biết.
Từng bước cơ cấu lại thu, chi NSNN là một trong những mục tiêu quan trọng trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tỷ trọng thu nội địa bình quân giai đoạn này khoảng 84-85% tổng thu NSNN, giảm phụ thuộc vào thu từ dầu thô, khoáng sản. Bên cạnh đó, sẽ phải giữ tỷ lệ bội chi NSNN cả giai đoạn này không quá 3,9% GDP…
Để đạt những mục tiêu này, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu. Song song với đó là siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả để giảm áp lực lên thu và bội chi NSNN.