Chuyện về những 'ký sinh thầu'
Từ gom sạch hồ sơ mời thầu...
Mua hồ sơ mời thầu (HSMT) để dự thầu, để tìm hiểu yêu cầu của gói thầu nhằm tăng cơ hội kinh doanh, tạo việc làm, nhưng không ít cá nhân mang danh nhà thầu mua HSMT để trục lợi, kiếm tiền.
Một nhà thầu bức xúc chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu: “Một bộ HSMT đấu thầu rộng rãi hiện nay được bán dao động từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Có những người mang danh nhà thầu, huy động nhiều giấy giới thiệu sẵn sàng bỏ ra vài triệu hoặc chục triệu đồng để vét sạch HSMT được phát hành. Nhưng sau đó, những kẻ đó liên hệ với chủ đầu tư/bên mời thầu (CĐT/BMT) và những nhà thầu có nhu cầu tham gia đấu thầu thật để… ra giá. Để các “nhà thầu” đã “ôm” hết HSMT “rút lui”, các nhà thầu muốn đấu thật phải trả cho từng bộ HSMT từ mười triệu đồng trở lên. Như vậy, chỉ trong mấy ngày bỏ tiền ra mua HSMT rồi… hù, họ đút túi hàng chục, thậm chí lên đến cả trăm triệu đồng”. Một nhà thầu bức xúc chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu.
Không mất công nghiên cứu HSMT, lập hồ sơ dự thầu (HSDT) vẫn có nguồn thu, những kẻ mang danh nhà thầu như nêu trên thực chất không có bất kỳ năng lực, kinh nghiệm nào có thể đáp ứng được yêu cầu của gói thầu. Nhưng họ có thừa độ liều lĩnh và đeo bám rất dai dẳng để buộc các nhà thầu đàng hoàng phải chịu… chi.
Sự cảnh giác với những cá nhân mang danh nhà thầu chuyên quấy nhiễu này tăng cao độ đến mức nhiều CĐT/BMT sợ nhà thầu… lạ, tìm cách không bán HSMT cho những đơn vị chưa từng biết, dẫn tới những phản ánh của các nhà thầu đàng hoàng có mục đích đến mua HSMT để dự thầu thật.
Không phải ngẫu nhiên mà tại đâu đó, một số BMT bắt buộc nhà thầu đến liên hệ mua HSMT phải kèm hồ sơ năng lực, phải để lại thông tin rồi sau đó mới được người của BMT chủ động gọi đến mua HSMT. “Biết là đang làm sai, đang… bị cho là hành nhà thầu đàng hoàng, nhưng số nhà thầu ảo rất nhiều đến quét sạch HSMT dẫn tới BMT lúc nào cũng cảnh giác, đa nghi là vậy”, một đơn vị tư vấn đấu thầu tại Vĩnh Long chia sẻ.
“Xử lý không khéo léo để đối phó với đám quấy nhiễu kia lại thành ra mang tiếng gây khó cho nhà thầu tiếp cận HSMT. Đôi khi, chỉ vì lo đối phó với những kẻ trục lợi từ việc “ôm” HSMT mà một số CĐT/BMT bị “mang tiếng” gây khó cho nhà thầu tiếp cận HSMT, phải giải trình, thậm chí kiểm điểm cá nhân, tập thể”, một đại diện BMT tại Bà Rịa - Vũng Tàu than thở.
… đến liều lĩnh ngã giá
Một gói thầu mua sắm thiết bị y tế quy mô hơn 300 tỷ đồng tại tỉnh K dù liên tục gia hạn thời điểm đóng thầu, nhưng quá trình lựa chọn nhà thầu gặp phải nhiều lận đận bởi xuất hiện một liên danh nhà thầu không tuân thủ cuộc chơi. Theo đó, thay vì tập trung thời gian cho việc xây dựng HSDT thì liên danh này “đánh tiếng” với những nhà thầu khác là phải “tính tỷ lệ” cho việc im lặng, rút khỏi gói thầu. “Lúc đầu là 3 tỷ, sau đó lại nâng lên 5 tỷ. Nhưng khi câu chuyện kiến nghị đấu thầu bị đẩy đi quá xa, liên danh này đòi chốt với giá 15 tỷ chỉ để sắp xếp cho việc không dự thầu, không kiến nghị”, một nhà thầu tiết lộ. Yêu cầu này quá “chát” và bị các liên danh nhà thầu còn lại từ chối “thương thảo”.
Liên tục những ngày tiếp theo, BMT và các cơ quan quản lý, lãnh đạo các cấp thường xuyên nhận được văn bản từ khiếu nại đến tố cáo liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu. Một đại diện BMT cho biết: “HSDT của liên danh này hoàn toàn có vấn đề, có dấu hiệu gian lận, làm giả hàng hóa. Như vậy, khả năng vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật là không có. Nhưng chỉ vì không đáp ứng được lòng tham nên vẫn đeo bám việc kiến nghị không có cơ sở dai dẳng như vậy”.
Một nhà thầu khác chuyên có hành vi kiến nghị khiến một bệnh viện của TP.HCM điêu đứng suốt thời gian dài. “Cứ phát hành HSMT là nhà thầu này xuất hiện và lập tức kiến nghị về HSMT. Chúng tôi có văn bản làm rõ kiến nghị cũng không được chấp nhận. Thậm chí, khi bệnh viện tổ chức hội nghị tiền đấu thầu, cử những chuyên gia “cứng” nhất để giải đáp những thắc mắc trên cơ sở quy định về đấu thầu và y khoa nhưng nhà thầu vẫn không ngừng việc rải đơn” - đại diện BMT than thở.
Một nhà thầu gọi điện cho phóng viên Báo Đấu thầu kể rất chân tình: “Nhà thầu N hoàn toàn không đủ năng lực để vào được gói thầu X. Nhưng với lợi thế là nhà thầu… bản địa, nhà thầu N “bắn tiếng” với chúng tôi là phải gửi 5% giá trị gói thầu để được… im”. Ngay khi nhận được tín hiệu này, nhà thầu tham dự thầu lập tức cử cán bộ đi thương thảo, đàm phán. Những lần “đi” và “gặp” này luôn được nhà thầu chuẩn bị nhiều tiền. Dù hao tổn kinh phí, nhưng để không bị “phàn nàn”, gần như nhà thầu nào cũng cắn răng chịu trận.
Những câu chuyện nêu trên diễn ra ở rất nhiều gói thầu là điều hết sức nhức nhối.
Kiến nghị trong đấu thầu đôi khi trở thành nỗi ám ảnh của các BMT. Bởi với những nhà thầu mạo danh để trục lợi, nếu không đạt được thỏa thuận về lợi ích kinh tế, sự quấy rối cuộc thầu sẽ không dừng lại.
Éo le thay, chỉ vì để yên ổn làm ăn, để đỡ bị dư luận chú ý dù quá trình lựa chọn nhà thầu được thực hiện đúng quy định, một số BMT và các nhà thầu đấu thật vẫn phải thỏa hiệp với những “nhà thầu” chuyên phá này. Do đó, vẫn còn những mảnh đất màu mỡ cho “ký sinh thầu” tung hoành, tác oai tác quái.