|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyện nghề nữ tài xế công nghệ

09:01 | 08/03/2024
Chia sẻ
Người nữ tài xế từ không biết dùng smartphone tới gần thập kỷ gắn bó trên các cung đường.

6h sáng, Nguyễn Thuý Kiều - một tài xế công nghệ ở TP HCM, đánh xe ra đường hoà vào đám đông để bắt đầu một ngày làm việc của mình. Chiếc Hyundai i10 màu đỏ mận - sinh kế của cô gái 33 tuổi, được mua hồi đầu năm 2020 bằng số tiền tích cóp được sau hơn hai năm chạy Grab và vay mượn người thân.

Kiều trở thành nữ tài xế công nghệ vào năm 2017 khi cảm thấy việc làm công nhân trong một xưởng may ở Bình Tân quá “nhàm chán, bó buộc và không có cơ hội tiếp xúc với bên ngoài”. Tự nhận mình là người hướng ngoại, sau ba năm làm công nhân, cô sớm nhận ra môi trường đó không phù hợp và tìm hướng thay đổi công việc.

Bắt đầu đăng ký chạy GrabBike theo lời giới thiệu của một người bạn, sau vài tháng Kiều sớm phải đối mặt với thực tế công việc khắc nghiệt, vốn chẳng dành cho phụ nữ chân yếu tay mềm.

 Nữ tài xế Nguyễn Thuý Kiều. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Thời điểm đó tôi thấy cực quá, nắng mưa gió bụi. Thời tiết Sài Gòn lại thất thường bất chợt”, nữ tài xế trải lòng. 

Kiều cũng tự nhận mình là người “dốt công nghệ”, không quen sử dụng Google Map hay smartphone. “Xuất phát điểm của tôi là con số âm. Mọi người thì cũ rồi nhưng với tôi thì mới. Mới ra đường đầu tiên nên khó khăn lắm, số nhà số đường không biết. Không biết cả phương hướng. Tôi phải vừa làm vừa học trong khoảng ba tháng đầu tiên. Vừa chạy xe vừa học cách dùng Google Map”, Kiều nhớ lại.

Đổi lại, nghề nữ tài xế công nghệ cho phép cô gái 26 tuổi khi ấy được tự do bay nhảy, chủ động thời gian. 

“Dù vất vả nhưng tôi bắt đầu cảm thấy phù hợp với công việc này. Tôi được đi ra ngoài, đi muôn nơi. Có chạy Grab tôi mới có cơ hội đi hết các quận trong thành phố, đến những tỉnh lân cận. Nói chung khách đi đâu thì tôi đi đó. Được tiếp xúc với nhiều người, học thêm nhiều điều mới. Với tôi đó là niềm vui”, Kiều chia sẻ.

Do đó, với khó khăn ban đầu, Kiều không chọn bỏ việc. Cô mượn tiền bạn bè rồi xách hồ sơ đi đăng ký học lái ô tô. Kiều kể, khi đó gia đình phản đối gay gắt vì định kiến phụ nữ lại đi làm nghề lái xe. Tuy nhiên cô vẫn quyết tâm bởi nghĩ rằng “Mình cứ cố gắng thì sẽ có người giúp mình đi”.

Có được tấm bằng trên tay, tháng 11/2018, Kiều chính thức trở thành tài xế GrabCar. 

Thời gian đầu chưa có tiền mua ô tô, cô phải thuê xe để chạy. “Những ngày đầu đổi từ Bike sang Car khó lắm. Đường xá ô tô khác xe máy, xử lý quan sát cũng khác. Tôi phải mất 6 tháng loay hoay mới có thể làm quen với chiếc xe hơi và cách chạy. Trong 6 tháng đó phải xác định là cố gắng, không được bỏ cuộc”, cô chia sẻ.

Sau gần 10 năm gắn bó với nghề, nghĩ lại nữ tài xế đúc rút: “Thời gian đầu thì không biết nhưng sau tôi thực sự nghiêm túc với nghề. Công việc này cho tôi một cái nghề và thu nhập ổn định. Mức lương cao gấp đôi công nhân, thời gian cuộc sống được tự chủ, không bị áp lực về công việc”.

Kiều chỉ là một trong rất nhiều phụ nữ đang tham gia ngày một đông đảo vào đội quân tài xế của các nền tảng gọi xe công nghệ. Theo một thống kê vừa được Grab công bố, phụ nữ tham gia nền tảng gọi xe công nghệ có xu hướng gia tăng và chỉ tính riêng thị trường Việt Nam, tỷ lệ đối tác tài xế nữ tham gia vào nền tảng tăng hơn 49% trong giai đoạn từ tháng 1/2023 đến tháng 1/2024.

Tuy vậy, theo ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, phụ nữ vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc nắm bắt cơ hội thu nhập trong mô hình hoạt động của các nền tảng công nghệ.

Dựa trên các cuộc khảo sát và thảo luận được thực hiện với các đối tác tài xế nữ, nhiều phụ nữ còn e dè khi tham gia nền tảng bởi quan niệm việc lái xe và giao hàng không phù hợp với nữ giới và tâm lý thiếu tự tin nói chung.

Những lo lắng thường gặp bao gồm việc phải gặp gỡ với những hành khách khác nhau, cần các hiểu biết cần thiết về công nghệ để sử dụng thành thạo ứng dụng dành cho tài xế, hay khả năng xử lý các tình huống bất ngờ như hỏng hóc xe cộ.

Cùng quan điểm, bà Bà Cheryl Goh, Giám đốc Tập đoàn Grab, phụ trách Bộ phận Tiếp thị và Phát triển Bền vững cho biết có thể quan sát được điều tương tự trên toàn khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các công việc được trả lương thấp hơn so với đàn ông trong khu vực. Mặc dù phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số trong khu vực, nhưng lực lượng lao động nữ lại chỉ chiếm 42%.

“Bất cứ khi nào bạn đặt xe hoặc gọi đồ ăn trên ứng dụng Grab, bạn có thể nhận ra một điều rằng: phần lớn đối tác tài xế là nam giới. Chúng tôi muốn thay đổi điều này”, bà Cheryl Goh khẳng định.

Để hiện thực hoá điều này, Grab triển khai chương trình Nữ đối tác tài xế Grab. Trong đó, thử nghiệm một tính năng giúp đối tài tài xế nữ tăng cơ hội nhận chuyến xe từ hành khách nữ. Đồng thời đưa ra các nội dung đào tạo chuyên biệt dành cho nữ tài xế.

Đây cũng là mong mỏi của nữ tài xế công nghệ ở TP HCM kể trên. Kiều nói: “Hy vọng sẽ có các khoá đào tạo chị em phụ nữ về kỹ năng xử lý đường xá, tình huống khách hàng để chị em có thể trang bị hành trang cho mình”.

Cô mong sẽ có cả một câu lạc bộ kết nối chị em tài xế, là nơi để trao đổi kinh nghiệm, tâm sự, động viên nhau trong vấn đề chạy xe, phục vụ khách hàng.

“Nhìn những chị em chạy GrabBike dầm mưa dãi nắng tôi rất thương. Thấy hình ảnh bản thân mình ngày trước khi phải ôm chiếc xe ra đường. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh mỗi người một hoàn cảnh, mọi người làm sao sắp xếp cuộc sống của mình ổn thì đó là niềm vui”, nữ tài xế chia sẻ.

“Lời khuyên của tôi dành cho các chị em chạy Grab là nếu có cơ hội hãy thay đổi, vì chính bản thân tôi đã thay đổi. Cứ đi rồi sẽ đến, cứ làm rồi sẽ đạt được”, Kiều tin tưởng.

Đức Huy