|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia SSIAM: Ngân hàng phải là động lực dẫn dắt chỉ số VN-Index trở về mốc 1.500 điểm

07:20 | 31/08/2022
Chia sẻ
Chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index và VN30, Chuyên gia ETF Công ty Quản lý Quỹ cho rằng ngành ngân hàng phải là động lực dẫn dắt chỉ số VN-Index trở về mốc 1.500 điểm.

Tại talkshow Bí mật đồng tiền số 35 của VTV Digital, Chuyên gia ETF Công ty Quản lý Quỹ (SSIAM), ông Tô Sơn Nam cho rằng nếu muốn VN-Index quay lại mốc 1.500 điểm thì điều này phải được dẫn dắt bởi ngành ngân hàng.

Theo đó, khi nhìn vào nội lực của nền kinh tế Việt Nam thì SSIAM thấy ngành ngân hàng sẽ là ngành dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam, cũng như chỉ số VN-Index

"Ngành tài chính có tổng tỷ trọng trong VN-Index là hơn 35% và tỷ trọng trong VN30 lên đến gần 45%. Số liệu thống kê cũng cho thấy ngành tài chính ngân hàng thường là chiếm đến 70-80% hiệu suất VN-Index. Điều này gắn chặt với các yếu tố cơ bản," ông Nam cho hay.

 Chuyên gia ETF Công ty Quản lý Quỹ (SSIAM), ông Tô Sơn Nam. (Ảnh chụp màn hình).

Theo ông Nam, tại một thị trường cận biên mới nổi như Việt Nam, việc các công ty cần có vốn để có thể phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng lợi nhuận là “khủng khiếp”.

Các công ty có thể lấy vốn từ việc niêm yết trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, về cơ bản nguồn vốn chính mà các công ty có thể tiếp cận được đó chính là nguồn vốn vay ngân hàng.

Trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đã là 9,15%, tức là mức tương đối cao so với chỉ tiêu cả năm mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 14%. Có thể thấy nhu cầu về vốn ở trên thị trường là rất lớn, do đó, khi ngân hàng được các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn cao tiếp cận thì hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ tốt hơn.

Bên cạnh đó, triển vọng của ngành ngân hàng cũng rất tốt đặc biệt thể hiện qua báo cáo tài chính quý II vừa được công bố khi nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Nhìn vào hai chỉ số ROE và P/B, so với các ngân hàng trong khu vực, các ngân hàng Việt Nam hiện giờ đang hiệu quả nhất khi ROE thường xuyên ở mức 20-25% và P/B toàn ngành ở 1,4-1,5.

Nhận định về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng, chuyên gia cho biết các ngân hàng Việt Nam vẫn cho vay rất tốt và doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần vốn để cho vay sản xuất. Sự thâm nhập của các ngân hàng vào đại bộ phận dân số để ai cũng có tài khoản ngân hàng hiện giờ vẫn chưa cao và tiếp tục có dư địa tăng trưởng.

Một số động lực tăng trưởng khác của ngành ngân hàng có thể nói đến như ngân hàng thu phí giao dịch không tiền mặt, phí bảo hiểm. Khi nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào hai chỉ số ROE và P/B thì thấy ngân hàng Việt rất hấp dẫn so với các ngân hàng trong khu vực như Indonesia hay Singapore.

Đồng quan điểm, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI cho biết báo cáo chiến lược tháng 7 của SSI cũng đưa ngành ngân hàng vào diện cổ phiếu có cơ hội tăng trong ngắn hạn.

"Về quan điểm của nhà đầu tư nước ngoài, trong giai đoạn mới đi làm ở SSI khi gặp một nhà quản lý quỹ lớn ở Mỹ, họ chia sẻ rằng đầu tư ở các thị trường nhỏ như Việt Nam thì họ chỉ nhìn vào hai ngành là ngành tài chính và tiêu dùng. Nói điều này để thấy rằng hành động của các nhà đầu tư nước ngoài cũng đúng theo hướng đó," ông Hưng chia sẻ.

Trước đây, trong ngành tiêu dùng, cổ phiếu VNM của Vinamilk là cổ phiếu ai cũng phải mua vì không có nhiều cái tên để lựa chọn trong ngành. Còn ngành ngân hàng ngày xưa thì room không được nhiều, hiện nay ngân hàng niêm yết đã nhiều và nếu hết room thì có thể mua ETF. Ông Hưng cho rằng cũng là lý do vì sao ngành ngân hàng vẫn được quan tâm ngay cả khi thị trường giảm.

Phương Nga

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.