Chuyên gia SSI lý giải việc khối ngoại đảo chiều bán ròng và khuyến nghị NĐT nên tận hưởng giai đoạn thuận lợi của thị trường
Nhà đầu tư ngoại có động thái đảo chiều bán ròng trong thời gian gần đây, xin ông chia sẻ về lý do dẫn tới xu hướng này?
Biến động dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong ngắn hạn đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Thông thường, chúng ta hay có sự lo ngại về việc tổ chức, hay khối ngoại bán ròng do nhìn thấy rủi ro hay triển vọng tiêu cực nào đó của thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế còn có rất nhiều nguyên nhân khác đến từ những yếu tố bên ngoài, ví dụ như các hoạt động cơ cấu danh mục đầu tư trên các thị trường khác nhau, phân bổ các lớp tài sản, hoạt động rút tiền của các nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ mở. Hay có lẽ nổi bật trong thời điểm này, có lý do quan trọng đến từ lợi suất đầu tư khá tốt từ đầu năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, thậm chí thuộc nhóm tốt nhất trong khu vực.
Lưu ý rằng, trong quý IV/2022, cùng với việc thị trường thiết lập vùng đáy dưới 900 điểm, nhà đầu tư khối ngoại đẩy mạnh mua ròng lớn nhất trong lịch sử thị trường, với tổng giá trị hơn 27.000 tỷ đồng. Việc bán ròng trở lại chưa đến 6.000 tỷ đồng tính từ đầu tháng 7 cho tới nay ở mặt bằng điểm số cao hơn đáng kể sau khoảng thời gian ngắn, theo tôi đánh giá một phần là hoạt động chốt lãi. Tất nhiên bất kỳ hoạt động đẩy mạnh về giá trị và tốc độ bán ròng nào nếu xảy ra trong thời gian tới, sẽ khiến chúng ta phải đánh giá lại tình hình.
Fubon ETF đang bị rút sau một thời gian dài vào ròng ở Việt Nam, theo quan sát họ không giải ngân đủ lượng tiền như thông báo trước đó. Xin ông chia sẻ góc nhìn về bức tranh tổng quan của dòng tiền ETF ngoại những tháng đầu năm?
Trước tiên phải làm rõ tính chất dòng tiền của các quỹ ETF. Bản thân ETF chỉ làm nhiệm vụ mô phỏng chỉ số tham chiếu, đúng như cách gọi “quỹ thụ động”. Vì vậy việc giải ngân hay rút tiền của ETF thường phụ thuộc vào hoạt động của nhà đầu tư nắm giữ các chứng chỉ quỹ này.
Với trường hợp của Fubon FTSE Vietnam ETF, chúng ta có thể coi là đây là công cụ trung gian giúp nhà đầu tư tại Đài Loan có thể gián tiếp giải ngân vào các cổ phiếu Việt Nam thông qua nghiệp vụ hoán đổi danh mục. Vì vậy việc mua/bán chứng chỉ quỹ của những nhà đầu tư này có tác động quyết định đến hoạt động mua/bán ròng của Fubon ETF.
Trở lại với câu hỏi về việc không giải ngân đủ lượng tiền như thông báo, thực tế thì vào hồi tháng 3, thông tin chính xác là Fubon FTSE Vietnam ETF đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính của Đài Loan thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 5. Nhiều thông tin cho rằng sắp có 4.000 tỷ được đổ vào thị trường Việt Nam, tuy nhiên thông báo chính thức chỉ đề cập về việc được phép huy động mới, và sau đó thì lần huy động thêm này không nhanh chóng “hết hàng” như các lần trước.
Do vậy, không có chuyện quỹ này không giải ngân đủ lượng tiền, mà chính xác hơn là không huy động tốt như các kỳ trước đó. Và việc rút ròng trong thời gian gần đây, có lẽ cũng trong bức tranh chung là chốt lãi như vừa đánh giá trên.
Tính từ đầu năm 2022 tới thời điểm số lượng chứng chỉ quỹ lưu hành đạt đỉnh vào tháng 5/2023, Fubon FTSE Vietnam ETF đã huy động được gần 1,5 tỷ đơn vị chứng chỉ quỹ, hơn một nửa trong số này tập trung vào giai đoạn quý IV/2022 khi VN-Index tạo đáy. Từ thời điểm tạo đỉnh, ETF này mới chỉ bị rút ròng khoảng 193 triệu đơn vị, tương đương 8,8% tổng số chứng chỉ quỹ lưu hành.
Về bức tranh chung của các ETF ngoại, cuối 2022 và đầu năm 2023, đây là dòng tiền hỗ trợ rất tốt cho thị trường Việt Nam khi liên tục mua ròng. Ngoài trường hợp của Fubon FTSE Vietnam ETF vừa nhắc tới, VanEck Vietnam ETF đã có kỳ tái cơ cấu đáng chú ý khi nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam từ 80% lên gần 100% vào hồi tháng 3. Như đã nói, với việc vào ròng rất mạnh vào giai đoạn VN-Index dao động dưới 1.000 điểm, khi quỹ lập tức có lợi suất đầu tư rất khả quan trong ngắn hạn, hoạt động rút ròng mang tính chốt lãi của các nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ là tâm lý thường thấy.
Vậy dòng tiền ETF nội ra sao, thưa ông?
Dù danh nghĩa là ETF nội và niêm yết tại HOSE, nhưng giai đoạn vừa qua biến động dòng tiền của các ETF này chủ yếu đến từ các nhà đầu tư ngoại nắm giữ chứng chỉ quỹ. Có thể lấy ví dụ hai ETF nội có quy mô lớn nhất là VFM VNDiamond và VFM VN30.
Tính từ đầu năm nay, hai quỹ ETF này bị rút ròng gần 2,500 tỷ đồng. Đây là hai quỹ thường xuyên nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư tại thi trường Thái Lan thông qua sản phẩm trung gian Chứng chỉ lưu ký (DR-Depositary Receipt). Nhìn thông qua số lượng DR đang lưu hành với tỉ lệ hoán đổi 1:1, chỉ riêng dòng tiền thông qua các chứng chỉ lưu ký này đã lần lượt rút ròng tương ứng 30 triệu đơn vị DR VNDiamond và 70 triệu đơn vị DR VN30 từ thời điểm tạo đỉnh, tức là 30% và 70% lượng rút ròng của hai ETF tương ứng.
Biến động này như đã nói, cũng trong bức tranh chung của các ETF khác khi có lợi suất đầu tư rất tốt trong thời gian ngắn vừa qua với mức tăng từ đầu năm trên 20%, hay thậm chí có những trường hợp nổi bật như SSIAM Finlead ETF ghi nhận giai đoạn lợi suất gần 40% chỉ trong vòng chưa đầy 9 tháng.
Những mức lợi suất đáng mơ ước này trong ngắn hạn có lẽ đang là động lực cho xu hướng chốt lãi. Nếu nhìn vào quy mô rút ròng so với lịch sử giải ngân trước đó, có thể thấy lượng rút ròng 1,450 tỷ đồng của VFM VNDiamond là không quá lớn so với quy mô tài sản hiện tại gần 21 nghìn tỷ đồng.
Nhà đầu tư ngoại bán ròng và lực mua đối ứng là khối nội giống như giai đoạn năm 2020 – 2021. Theo ông có sự tương đồng về bối cảnh hành động của hai nhóm nhà đầu tư? Các ngân hàng được dự báo tiếp tục giảm lãi suất huy động tiền gửi và một lượng lớn tiền gửi kỳ hạn 1 năm sẽ đáo hạn sắp tới, ông đánh giá tiềm năng từ dòng tiền nội như thế nào trong những tháng cuối năm?
Như đã đề cập, biến động dòng tiền Khối ngoại đến từ rất nhiều biến số, do vậy việc tương đồng hoàn toàn ít khi xảy ra, ngay cả khi kết quả mua bán ròng trông có vẻ giống như vậy. Nếu nói về dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước thì tôi đồng ý với việc có những nét tương đồng đáng kể.
Dễ thấy nhất là một số điểm tương đồng như, thứ nhất, sự hồi phục KQKD của các doanh nghiệp niêm yết là chưa thực sự thuyết phục, triển vọng mở rộng hoạt động chưa xuất hiện rõ ràng, thị trường ngược lại tỏ ra tích cực nhờ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Thứ hai, mặt bằng lãi suất huy động thấp, khiến cho kênh tiền gửi trở nên kém hấp dẫn hơn và ủng hộ cho xu hướng tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác. Thứ ba, đều có chút chậm pha với diễn biến của thị trường khi NĐT cá nhân hầu như đẩy mạnh mua ròng khi thị trường thực sự qua đáy, bắt đầu thể hiện rõ rệt vào tháng 6/2020 và tháng 3/2023, tức là hơn 3 tháng từ vùng thấp nhất của VN-Index.
Ngược lại, cũng có nhiều nét khác biệt về bối cảnh. Ở góc nhìn tích cực, giai đoạn hiện tại không còn bùng nổ các kênh đầu tư thay thế như Bất động sản, hay Trái phiếu doanh nghiệp, như đã diễn ra ở giai đoạn trước, khiến cho kênh chứng khoán phần nào được lợi.
Song, một điểm khác biệt rất quan trọng theo chiều quan sát rủi ro là sự phân hóa chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và các nền kinh tế lớn, điều không xảy ra tại giai đoạn 2020-2021. Điều này cũng đặt ra một vài kịch bản khó lường mà giới đầu tư đang bắt đầu phải quan tâm dần trở lại các biến số lạm phát, tỷ giá. Vì vậy còn khá sớm để đưa ra những kết luận về việc lãi suất huy động tiếp tục giảm, tiền gửi kỳ hạn 1 năm tiếp tục “vào thị trường”, hay bối cảnh trước mắt sẽ giống như những năm 2020 - 2021.
Tất nhiên, như tôi thường chia sẻ câu chuyện về đánh giá dòng tiền, vốn rất khó dự đoán mà chỉ nên theo dõi, nhận định để bổ sung cho các quyết định đầu tư. Với bức tranh tại thời điểm này, chúng ta vẫn nên tận hưởng những thời khắc thuận lợi của thị trường được nâng đỡ từ sự tích cực của dòng tiền nhà đầu tư cá nhân. Nhưng để “mơ mộng” xa hơn thì có lẽ vẫn là vội vàng khi bỏ qua nhiều biến số đang là rủi ro tiềm ẩn.
Xin cảm ơn ông trả lời phỏng vấn!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/