|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia lý giải đà hồi phục mạnh mẽ của VN-Index từ đáy ngắn hạn

08:12 | 07/12/2022
Chia sẻ
Trong Talkshow "Phố Tài chính", ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết trong những ngày tháng cuối cùng của năm 2022, thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng ngoạn mục. Hiện VN-Index đã tăng được khoảng 23,6% kể từ mức đáy gần nhất.

Chỉ còn vài tuần nữa năm 2022 sẽ kết thúc, thị trường chứng khoán đã có một năm đầy thử thách nhưng bước vào cuối năm đã có nhiều điểm sáng xuất hiện trên thị trường khi điểm số và thanh khoản có sự cải thiện rõ rệt trong bối cảnh kinh tế vẫn còn đang tăng trưởng. Nền kinh tế năm 2023 được dự báo sẽ như thế nào? Thị trường chứng khoán từ giờ đến cuối năm cũng như sang năm sau sẽ ra sao?

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC). (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ trong Talkshow "Phố Tài chính", ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết trong những ngày tháng cuối cùng của năm 2022, thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng ngoạn mục. Hiện VN-Index đã tăng được khoảng 23,6% kể từ mức đáy gần nhất.

Dòng tiền đổ vào thị trường, những mã giảm mạnh nhất trước đây lại là những mã tăng điểm nhiều nhất, tập trung vào các nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản. Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam vẫn còn dư địa về mặt chính sách để có thể tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2023 như thúc đẩy đầu tư công, hướng nhu cầu vào nội địa để giảm những tác động từ những khó khăn từ nền kinh tế bên ngoài.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đánh giá Việt Nam là một nền kinh tế mở, nên sẽ chịu ảnh hưởng nhất định từ các yếu tố bên ngoài. Và năm 2023 kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn sẽ tăng trưởng, nhưng sẽ là một năm đối mặt với nhiều thách thức hơn. Qua đó, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, lựa chọn những cổ phiếu tốt với mức định giá hấp dẫn để đầu tư trong tầm nhìn dài hạn.

Cũng theo ông Long, thị trường xuất hiện nhiều tín hiệu tốt cả về điểm số lẫn thanh khoản. Điều này một phần đến từ sự thay đổi trong diễn biến của thị trường chứng khoán. Báo cáo đánh giá lại 5 đợt thị trường chứng khoán có sự giảm điểm nhiều nhất rồi sau đó tăng trưởng trở lại là đợt 2009, 2013, 2015, 2018 và 2020. Trong những đợt này thì đều có một số những đặc điểm chung có thể kể đến 4 yếu tố quan trọng nhất thì thời điểm hiện tại đã có tới 3 yếu tố đang diễn biến theo hướng thuận lợi.

Thứ nhất VN-Index có mức P/E và P/B ở vùng 10 và 1,6 lần, đó là mức gần như lệch ra khỏi 2 lần độ lệch chuẩn của trung bình 5 năm và xảy ra gần như ở tất cả các lần tạo đáy của VN-Index.

Thứ hai gần như trong tất cả các lần tạo đáy trước nhà đầu tư nước ngoài đều đóng vai trò đơn vị mua ròng lớn nhất. Vừa rồi trong tháng 11 tổng quy mô giao dịch mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài vào khoảng nửa tỷ USD, đánh dấu mức kỷ lục nhất là sau giai đoạn dài bán ròng trước đó của họ.

Yếu tố thứ ba liên quan đến giao dịch margin, hoặc là do vi phạm những ngưỡng quản trị rủi ro của thị trường chứng khoán mà nhà đầu tư buộc phải bán ra thì điều này cũng xảy ra trong một tháng vừa rồi và đẩy giá cổ phiếu xuống thấp hơn bình thường khá nhiều, sau đó thu hút một dòng tiền lớn của nhà đầu tư vào thị trường.

Yếu tố cuối cùng cũng rất quan trọng liên quan tới những động thái chính sách, động thái của các cơ quan quản lý. Những động thái này của Việt Nam trong thời gian vừa rồi cũng khá tích cực. Thanh khoản gia tăng, lượng tài khoản mở mới dù không tăng nhanh nhưng cũng đạt hơn 2,4 triệu tài khoản mở mới trong năm nay.

Thêm vào đó là lượng tiền nhà đầu tư để ở các công ty chứng khoán và sẵn sàng cho giao dịch cổ phiếu thì vẫn duy trì ở mức 75.000 tỷ. Do vậy lượng tiền đó khi nhận thấy cơ hội vào thì cũng rất nhanh chóng trở lại tham gia thị trường.

 

 

 

Thu Thảo

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.